Sức hấp dẫn của phim truyền hình về giới trẻ
Bộ phim “Lối về miền hoa” ngày càng thu hút khán giả nhờ kịch bản vui nhộn, tình tiết hấp dẫn, diễn viên trẻ trung... Đây cũng là bộ phim tiếp nối dòng phim về giới trẻ đang được các nhà sản xuất tích cực khai thác gần đây. Dù số lượng khiêm tốn nhưng phim về đề tài này đã trở thành một mảng màu đặc sắc trong “vũ trụ phim truyền hình”.
Phim truyền hình Việt ngày càng tạo được niềm yêu mến cũng như khẳng định được vai trò trong đời sống tinh thần của công chúng. Thời gian vừa qua, đề tài được các nhà làm phim khai thác khá sâu, kỹ và có được không ít thành công là hôn nhân – gia đình. Tuy nhiên, khi có quá nhiều bộ phim về đề tài hôn nhân - gia đình với những bi kịch, góc khuất của hôn nhân như ngoại tình, mâu thuẫn gia đình… thì ở một khía cạnh nào đó lại khiến khán giả thấy nặng nề.
Có lẽ vì thế, ngay từ khi ra mắt tập đầu tiên, bộ phim “Lối về miền hoa” đã “đốn tim” khán giả bằng sự giản dị của kịch bản cũng như sự trẻ trung các nhân vật trong phim. Bộ phim của đạo diễn Vũ Minh Trí xoay quanh các thanh niên Lợi, Thanh, Nghĩa, Linh, Bão lớn lên trong một ngôi làng có nghề trồng hoa truyền thống. Mỗi nhân vật có hoàn cảnh, tính cách khác nhau nhưng bộ ba này đang cùng nhau lập thân, lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình. Bộ phim lấy bối cảnh một làng quê đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều nét giao thoa giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại.
Sức hấp dẫn của “Lối về miền hoa” chính là kịch bản với câu chuyện gần gũi, nhân vật rất “đời”, đặc biệt xen kẽ nhiều chi tiết hài hước và những câu thoại hóm hỉnh. Mạnh dạn phá vỡ mô típ tính cách nhân vật lâu nay toàn tốt hoặc toàn xấu, các nhân vật trong phim “Lối về miền hoa” có đủ tính cách của những thanh niên mới lớn.
Có thể nói, những bộ phim về giới trẻ như “Lối về miền hoa” đã mang đến không khí tươi vui, ấm áp, thư giãn nhẹ nhàng cho khán giả. Điều mà những bộ phim ở đề tài khác không chắc đã có được. Trước “Lối về miền hoa”, khán giả yêu phim truyền hình Việt cũng đã từng bị “giữ chân trước màn hình” bởi những bộ phim như “11 tháng 5 ngày”, “Nhà trọ Balanha”…
Nếu như “Lối về miền hoa” phản ánh cuộc sống của những thanh niên sống ở vùng nông thôn đang đổi mới thì “11 tháng 5 ngày” lại là cuộc sống của những chàng trai cô gái nơi thành phố. Nhưng họ đều là những con người mới bắt đầu bước vào đời với ước mơ, khát vọng và cả sự ngây thơ, non nớt. Các nhân vật như Nhi, Anh, Đăng Long đều có câu chuyện riêng của mình nhưng cuộc sống đã đưa họ tới cùng một khu nhà trọ. Và ở đó mọi buồn vui của tình yêu – tình bạn, công việc – tình thân đã diễn ra.
Khi “11 tháng 5 ngày” phát sóng, nhiều khán giả đều chung nhận định, lâu lắm rồi mới có một bộ phim truyền hình mang đến màu sắc trẻ trung, tươi mới và đáng yêu như vậy. Bộ phim với nhiều tình tiết vui nhộn nhưng không kém xúc động đã đưa khán giả gặp lại thanh xuân của mình. Những khó khăn của sinh viên khi ở nhà trọ, xin việc không thành, yêu đơn phương, bị phụ bạc… khiến nhiều người như được gặp mình trong đó.
Trước “11 tháng 5 ngày”, một bộ phim nữa về giới trẻ cũng khiến khán giả say mê đó là “Nhà trọ Balanha”. Chất hài hước đầy ắp trong từng thước phim là một điểm cộng đáng kể. Đặc biệt, cách kể chuyện mới lạ, việc xây dựng nhân vật với đủ tính cách tốt xấu đan xen đã giúp phim nhận được sự yêu mến, đồng cảm từ đông đảo công chúng. Ngoài ra, dù không hẳn khai thác đề tài giới trẻ nhưng một số phim gần đây như “Phố trong làng”, “Hãy nói lời yêu”, “Hướng dương ngược nắng”… cũng có khá nhiều nhân vật chính ở lứa tuổi thanh niên. Ở đó, câu chuyện về tình yêu, khát vọng lập nghiệp hay những đặc trưng tâm lý lứa tuổi cũng được các đạo diễn khắc họa khá đậm nét.
Một trong những lý do khiến phim truyền hình về giới trẻ nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả bởi kịch bản phim gần gũi, mang đậm hơi thở cuộc sống pha lẫn yếu tố hài hước. Ngoài ra, không thể không kể tới là dàn diễn viên trẻ trung, tươi mới, đầy sức sống. Để có được kết quả này, các đạo diễn đã không ngừng đổi mới trong cách làm như mời diễn viên phía Nam tham gia phim miền Bắc.
Tiêu biểu như Xuân Nghị vào vai Bách trong “Nhà trọ Balanha”, Khả Ngân vào vai Nhi trong “11 tháng 5 ngày”… Hay mạnh dạn giao vai chính cho những gương mặt mới như Anh Đào vai Thanh (trong “Lối về miền hoa”) hay ê kíp diễn viên trẻ trong “Nhà trọ Balanha”. Và, thậm chí, sẵn sàng trao cơ hội cho diễn viên vào những vai không phải sở trường như Trọng Lân vai Lợi trong “Lối về miền hoa”, Thanh Sơn vào vai Đăng trong “11 tháng 5 ngày”…
Sự thay đổi ấy đã mang lại những nét mới, hạn chế phần nào thói quen giao vai diễn cũ mòn lâu nay. Phần lớn những nhân vật trong các bộ phim về giới trẻ thật sự chân thực và rất “đời”. Vì vậy có thể tóm gọn lại bí quyết thành công của những bộ phim về giới trẻ chính là việc các nhà làm phim đã tạo tình huống thuyết phục, xây dựng nhân vật đúng tâm lý người trẻ, thậm chí dám mạnh dạn phá vỡ khuôn mẫu nhân vật truyền thống.
Mặc dù được khán giả đánh giá cao nhưng so với số lượng các bộ phim truyền hình phát sóng thì phim về giới trẻ vẫn chỉ rất khiêm tốn. Trước những bộ phim phát sóng gần đây thì công chúng yêu phim truyền hình Việt có thể nhắc tên một số phim như “Cầu vồng tình yêu”, “Tuổi thanh xuân”, “Zippo, mù tạt và em”, “Đi qua mùa hạ”, “Những cô gái trong thành phố”,” Phía trước là bầu trời”, “Xin hãy tin em”, “12A&4H”…
Có một thực tế là không phải đạo diễn nào cũng hào hứng hoặc làm tốt phim về giới trẻ. Dù những bộ phim có đề tài thanh niên dễ thu hút khán giả ở nhiều lứa tuổi. Khán giả đang ở lứa tuổi thanh xuân thấy đồng cảm vì nói đúng suy nghĩ, tâm tư, mong ước mình. Còn khán giả đã đi qua tuổi trẻ thì được gặp lại mình của ngày hôm qua, của những năm tháng rực rỡ.
Tuy nhiên, như các đạo diễn nhận định, phim về giới trẻ dễ thu hút khán giả nhưng không dễ tìm được kịch bản phim hay, đúng chất trẻ. Không ít biên kịch chia sẻ rằng, viết kịch bản phim về tuổi thanh xuân là một thử thách, khó hơn nhiều so với mảng đề tài hôn nhân - gia đình. Làm thế nào để phim theo sát thực tế đời sống, đúng với tâm lý, suy nghĩ của các bạn trẻ vẫn là thách thức từ khâu biên kịch tới đạo diễn và diễn viên.
Phim truyền hình cho người trẻ bắt buộc phải bao gồm các tiêu chí như câu chuyện nhẹ nhàng, tươi sáng, yếu tố bi - hài đan xen. Chính vì thế, không phải đạo diễn nào cũng đủ tự tin và đủ tài năng để đưa những yếu tố ấy thành một bộ phim có dấu ấn. Ngoài ra, ngoại hình và khả năng nhập vai của diễn viên là yếu tố mang tính sống còn với phim. Diễn viên không chỉ trẻ trung đúng tuổi mà phải mang nét vẻ hồn nhiên, tươi mới.
Tuy nhiên, với tư duy đổi mới trong xây dựng tính cách nhân vật hiện nay như nhân vật mang nhiều nét tính cách, tính cách nhân vật không ngừng chuyển biến …vừa là thử thách nhưng cũng là cơ hội cho các diễn viên thể hiện tài năng của mình.
Từ sự thành công của một số bộ phim gần đây như “Lối về miền hoa”, “11 tháng 5 ngày”, “Nhà trọ Balanha”… hy vọng những nhà làm phim sẽ hào hứng hơn với đề tài này. Bởi những bộ phim hay không chỉ giúp khán giả giải trí, mà còn góp phần lan tỏa những thông điệp lạc quan, tích cực cho xã hội.