Thiếu tá Trịnh Thị Huyền: "Sân khấu là nỗi nhớ..."

08:22 22/01/2022

Năm 2021 là một năm thực sự có những dấu ấn khó quên với Thiếu tá Trịnh Thị Huyền (Trịnh Huyền) - diễn viên Nhà hát Công an nhân dân khi chị đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021 tổ chức tại Hải Phòng. Đồng thời, chị cùng với 3 nghệ sĩ khác của Nhà hát Công an nhân dân được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vinh danh là gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu của ngành nghệ thuật biểu diễn.

“Niềm vui nhân đôi” khá bất ngờ, nhưng chia sẻ về tình yêu đối với nghệ thuật sân khấu, vẫn luôn cảm thấy ở Trịnh Huyền nỗi nhớ khắc khoải với nghệ thuật và khát khao được làm việc, được cống hiến…

Sở hữu gương mặt đôn hậu, đôi mắt tròn to và nụ cười tỏa sáng, gặp Trịnh Huyền lúc nào cũng thấy ẩn chứa một nguồn năng lượng tích cực và lạc quan. Thành công vừa đạt được trong năm qua của Huyền cũng khiến câu chuyện giữa chúng tôi trở nên vui vẻ như khúc nhạc vui, gương mặt chị luôn bừng sáng lên theo từng nét cười.

Cách đây 8 năm, tôi từng viết bài về Trịnh Huyền khi chị đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất (2014) với vai Huệ trong vở “Bản danh sách điệp viên” (Kịch bản: Văn Báu - Đạo diễn: NSND Lê Hùng), lúc đó Trịnh Huyền còn độc thân, ấp ủ nhiều mộng ước với nghề. Còn bây giờ, Huyền là mẹ của 2 con nhỏ với nhiều mối bận rộn lo toan, nhưng không bao giờ quên chăm sóc cho mình một đời sống tinh thần an lạc và vẫn âm thầm nuôi giữ ngọn lửa với nghề, với sân khấu mà Huyền đã gắn bó suốt hơn 20 năm qua.

Giữa 2 lần trò chuyện của chúng tôi - cũng là khoảng cách giữa 2 lần Huyền giành được tấm Huy chương Vàng cao quý của nghề diễn xuất - thời gian đã làm thay đổi nhiều thứ, làm cuộc sống riêng tư của Trịnh Huyền trở nên tốt đẹp và viên mãn hơn. Dù vậy, tôi vẫn cảm nhận được ở Huyền chính là nỗi nhớ khắc khoải với nghệ thuật và khát khao được cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật sân khấu của nước nhà, cũng như cho sân khấu của lực lượng Công an nhân dân mà Trịnh Huyền đã lựa chọn dấn thân, gắn bó. 

Trịnh Huyền tâm sự rằng, do lập gia đình khá muộn nên suốt 5 năm gần đây, chị gần như rời xa sàn diễn. Khi sinh xong bé trai thứ 2 cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nên hoạt động văn hóa - nghệ thuật biểu diễn bị đình trệ, các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, trao đổi về công việc, nghề nghiệp cũng thưa vắng. Có lẽ chính trong khoảng thời gian tĩnh lặng đó, Trịnh Huyền nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, chiêm nghiệm lại những ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ và nhận ra rằng “đã mang lấy nghiệp vào thân”, nên dù có làm gì, có bận rộn đến đâu thì mong muốn được làm nghề vẫn luôn thao thức.

Trước kỳ Hội diễn Kịch nói chuyên nghiệp 2021 không lâu, được NSƯT Thúy Nga và NSND Trần Nhượng chia sẻ về mong muốn được dựng vở “Lau trắng” - một kịch bản về mối tình của “Hoàng hậu 2 vua” Dương Vân Nga với Thập đạo tướng quân Lê Hoàn - để tham dự Liên hoan, Trịnh Huyền đã đón nhận và nâng niu cơ hội ấy bằng cả niềm đam mê với sân khấu và lòng biết ơn đối với các bậc tiền bối và cũng là những đồng nghiệp mà chị hằng trân quý.

Chia sẻ về niềm vui khi đoạt Huy chương Vàng cho vai diễn Dương Vân Nga trong vở kịch "Lau trắng" tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2021 và được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vinh danh là gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu ngành nghệ thuật biểu diễn, Trịnh Huyền vẫn không giấu được niềm hạnh phúc.

Chị bộc bạch: “Đây đúng là một cơ duyên, thực sự là một món quà ý nghĩa sau nhiều năm, vì nhiều lý do mà tôi xa sân khấu biểu diễn. Hơn 5 năm qua, có những lúc tôi run lên, tim đập rất nhanh khi nghĩ đến việc diễn một vai diễn nào đó trên sân khấu. Vậy nhưng khi được tin tưởng, được trao cơ hội, tôi đã nỗ lực hết sức. Phần thưởng của ngày hôm nay chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa trên con đường mình đã chọn và đã dấn thân. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã vượt qua chính mình để có được niềm vui như hôm nay!”.

Nghệ sĩ Trịnh Huyền vào vai Thái hậu Dương Vân Nga trong vở "Lau trắng".

NSƯT Thúy Nga cũng từng tâm sự rằng, ekip của chị đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để vở diễn "Lau trắng" có thể ra đời. Lúc đầu, NSƯT Thúy Nga chỉ có trong tay kịch bản "Lau trắng" của tác giả Chu Thơm cùng với nỗi niềm tha thiết muốn được làm nghề. Và Trịnh Huyền cũng vậy. Chị nhận vai với nhiều nỗi lo, thậm chí có cả nỗi hốt hoảng vì lời thoại trong vở khá dài, có nhiều đoạn độc thoại nội tâm theo lối văn cổ rất khó để thuộc, khó hiểu chứ chưa nói đến diễn xuất. Vậy là sau khi được trao vai, Trịnh Huyền không chỉ học thoại lúc tập với ekip bất cứ lúc nào có thể: Lúc chơi với con, lúc làm việc nhà, lúc đi đường, trước khi đi ngủ và đôi khi trong cả giấc mơ lời thoại vẫn hiện lên trong đầu. Nhập tâm và đầy trăn trở về vai diễn, nên nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga thực sự đã ám ảnh Trịnh Huyền trong nhiều ngày, kể cả những ngày sau khi vở diễn kết thúc.

Chị tâm sự: "Vở kịch "Lau trắng" đúng là "đứa con của nhà nghèo" được thai nghén trong lúc giãn cách vì dịch bệnh vì vậy khó khăn chồng chất khó khăn. Nếu các vở diễn khác được hoàn thành trong sự dư giả về kinh phí, sự đông đúc về con người, sự đầy đủ về thời gian và không gian tập luyện..., thì "Lau trắng" của chúng tôi hoàn toàn trái ngược. Về nhân lực chúng tôi quá ít vì chúng tôi không có sẵn con người, về thời gian tập luyện, chúng tôi càng hạn chế, bởi những con người vốn ít ỏi đó cũng cần phải hoàn thành mọi công việc khác và còn phải mưu sinh. Chính vì vậy, chúng tôi tranh thủ mọi lúc: trưa, chiều tối, đêm... tất cả những lúc mà chúng tôi có thể dành thời gian cho "Lau trắng".

Chúng tôi bắt đầu từ một phòng tập chưa đến 10m2 tại nhà NSƯT Thúy Nga, để sau đó có chục ngày mượn được một hội trường to hơn phòng họp. Rồi những ngày ít ỏi còn lại trước khi dự thi, "Lau trắng" mới được tập đi tập đứng ở sân khấu nhỏ của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Dẫu khó khăn về vật chất, nhưng bù lại, nơi nào chúng tôi đến cũng được yêu thương, được giúp đỡ. Có lẽ do sự cần mẫn và ý chí quyết tâm rằng: Dù là con nhà nghèo vẫn phải đàng hoàng, tử tế, vẫn phải chau chuốt, mới mẻ và đặc biệt nội dung phải chất lượng nên mọi người đều thấy, đều thương, đều yêu...

Đối với riêng tôi - một kẻ mộng mơ - thì thấy "Lau trắng" ngoài "vẻ đẹp nhẹ nhàng giống như một áng thơ vọng về lịch sử" như lời nhận xét GS-TS Lê Thị Hoài Phương, thì câu chuyện tình yêu của Thái hậu Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được kể lại một cách mới lạ, hấp dẫn, lãng mạn và đẹp đẽ nhất!".

Chính vì cùng với ekip dàn dựng vở diễn trong điều kiện khó khăn, vất vả và thiếu thốn trăm bề như thế, nên khi vở diễn "Lau trắng" chỉ khiêm tốn đoạt Huy chương Đồng, thì mọi thành viên trong đoàn vẫn cảm thấy những nỗ lực không mệt mỏi của mình đã phần nào được ghi nhận và trân trọng. Đó chính là lời động viên để những nghệ sĩ có tấm lòng tha thiết với nghề bước tiếp trên con đường mình chọn.

Gắn bó với Nhà hát Công an nhân dân đến nay đã gần 18 năm, dẫu biết thời gian để nhận được các vai diễn "nặng ký" không còn nhiều do tuổi tác và cơ hội, nhưng Thiếu tá - diễn viên Trịnh Huyền vẫn luôn rất lạc quan. Do có năng khiếu viết lách, lại đã từng học qua chuyên ngành Đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, nên trong nhiều năm gần đây Trịnh Huyền đã thử sức mình ở lĩnh vực viết kịch bản. Bắt đầu bằng việc viết những kịch bản ngắn, mang màu cờ sắc áo về các hoạt động của ngành do các đơn vị đặt hàng, Trịnh Huyền cũng đã dàn dựng một số kịch bản do chính chị viết và đạt được những thành công nhất định. Chị cũng mong muốn dấn thân vào công việc của một nhà biên kịch chuyên nghiệp với những kịch bản lớn hơn.

Nói về nghề, Huyền lúc nào cũng tràn đầy hi vọng, tin tưởng: "Cứ đi rồi sẽ đến, cứ yêu nghề, nghề chắc chắn không phụ mình đâu!". Với Trịnh Huyền, 2 Huy chương Vàng đã đạt được trong sự nghiệp diễn xuất và 1 Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tổ chức tại Huế cho vai Trinh trong vở "Tôi là người Việt Nam" (Kịch bản: Nguyễn Đình Chính - Đạo diễn: NSND Lê Hùng), chính là những phần thưởng đáng ghi nhớ trong cuộc đời diễn viên và là nguồn động viên to lớn để Trịnh Huyền vững vàng bước tiếp trên con đường làm nghệ thuật.

Nguyệt Hà

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文