Tranh cãi quanh việc chọn diễn viên cho vai diễn: Rất cần những thử nghiệm mới

10:22 30/03/2023

Diễn viên là một thành tố quan trọng góp phần không nhỏ quyết định sự thành công hay thất bại của một bộ phim. Vì thế, ở một số dự án điện ảnh, ngay từ khi công bố danh sách diễn viên thủ vai đã nhận được không ít ý kiến trái chiều như "Em và Trịnh", "Kiều"... và hiện nay là "Đất rừng Phương Nam". Tuy nhiên, về bản chất, sự việc không có gì phải ầm ĩ.

Bộ phim "Đất rừng phương Nam" (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) phiên bản điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi dù đang trong quá trình thực hiện nhưng đã gây tranh cãi trong dư luận xung quanh việc tuyển chọn diễn viên vào các vai chính trong phim. Ngoài ba gương mặt nhí đóng vai An, Cò, Xinh thì các diễn viên còn lại là các nghệ sĩ Công Ninh, Kiều Trinh, Trấn Thành, Hứa Vĩ Văn, Tuyền Mập, Tuấn Trần…

Theo đó, bộ phim có kinh phí sản xuất lên tới 40 tỷ này đã chọn nghệ sĩ Trấn Thành vào vai bác Ba Phi, Mai Tài Phến vào vai Võ Tòng. Tuy nhiên, việc Mai Tài Phến vào vai Võ Tòng đã vấp phải một số ý kiến cho rằng không phù hợp. Được biết, nhân vật Võ Tòng là vai thứ chính nhưng có khá nhiều "đất diễn" cùng với mối tình với Út Trong.

Tạo hình nhân vật Võ Tòng trong phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (bên trái) và nhân vật Võ Tòng trong phim “Đất phương Nam” do nghệ sĩ Lê Quang thủ vai.

Nhiều người cho rằng đây là một lựa chọn khá bất ngờ khi so sánh về ngoại hình của Mai Tài Phến với những miêu tả về Võ Tòng trong nguyên tác. Không khó để bắt gặp những ý kiến trên mạng xã hội như "Mai Tài Phến nhìn thư sinh, mảnh mai quá trong khi Võ Tòng vốn được hình dung là có vẻ ngoài thô kệch, bặm trợn và bất cần đời. Casting lựa chọn gương mặt ưa nhìn thì không hẳn sai nhưng cách xa một trời một vực với hình tượng vốn có thì không nên". Hay, "Mai Tài Phến trông quá lãng tử để vào vai Võ Tòng. Tôi nghĩ Võ Tòng phải mạnh mẽ, chân phương, mang khí chất anh hùng hảo hớn, nhưng phải mộc mạc, hơi cục mịch một chút"…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng họ tin vào con mắt nhà nghề của đạo diễn Quang Dũng. Họ cho rằng "Mai Tài Phến học diễn xuất từ trường lớp nên biết phải làm gì. Một nhân vật thành công được tạo thành từ 30% tạo hình và 70% diễn xuất. Nếu cứ như phiên bản truyền hình thì có gì để chúng ta xem. Mọi người chỉ nên đánh giá và nhận định sau khi xem phim". Hoặc, "Chúng ta mới chỉ biết tên diễn viên, chưa nhìn thấy tạo hình nhân vật. Tôi đã từng bị bất ngờ một cách thú vị với một số diễn viên trong các tác phẩm chuyển thể. Dù họ không giống với mường tượng của tôi trong sách nhưng họ rất phù hợp với phiên bản chuyển thể"…

Trước những quan niệm trái chiều, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng anh có lý do để chọn Mai Tài Phến vào vai diễn này. Theo nam đạo diễn, Mai Tài Phến rất tự tin khi vào vai Võ Tòng, ở anh có kỹ năng diễn xuất, hành động. Đặc biệt, đạo diễn cũng hé lộ tạo hình của nam diễn viên sẽ không hề thư sinh và làm khán giả tin rằng nhân vật này thực sự có thể chiến đấu với cá sấu…

Sở dĩ bộ phim "Đất rừng Phương Nam" nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận bởi đây là bộ phim được chuyển thể từ một tác phẩm văn học khá nổi tiếng với nhiều thế hệ độc giả. Hơn nữa, bộ phim truyền hình "Đất phương Nam" (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) ra mắt năm 1997, dài 11 tập đã rất thành công khi chuyển thể tác phẩm này. Câu chuyện cuộc đời về cậu bé An mồ côi mẹ, trên đường tìm cha lưu lạc về phương Nam, dù cực khổ luôn nhận được sự giúp đỡ, đùm bọc yêu thương của nhiều người đã được đạo diễn tái hiện chân thực, xúc động.

Một trong những yếu tố giúp bộ phim có được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả bởi dàn diễn viên hóa thân xuất sắc như Hùng Thuận trong vai bé An, Lê Quang vai Võ Tòng, Phùng Ngọc vai Cò, nhà văn Mạc Can vai bác Ba Phi. Đặc biệt, vai Võ Tòng của Lê Quang đã ghi dấu với ngoại hình chân phương, tính cách can trường, hồn hậu. Có thể nói, sự thành công của bộ phim truyền hình "Đất phương Nam" là một rào cản mà tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phải vượt qua.

Poster vai Trịnh Công Sơn do NSƯT Trần Lực đóng trong phim “Em và Trịnh”.

Từ câu chuyện của bộ phim "Đất rừng phương Nam", chúng ta lại nhớ tới bộ phim "Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cách đây chưa lâu. Khi công bố dàn diễn viên vào các vai chính trong phim, ê kíp làm phim cũng vấp phải sự tranh cãi của công chúng, đặc biệt ở việc ai sẽ là người hóa thân vào vai nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Ở "Em và Trịnh", hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tái hiện bởi 2 nghệ sĩ, thời trẻ do Avin Lu đảm trách, tuổi trung niên là sự hóa thân của NSƯT Trần Lực. Ngày đó, trước những băn khoăn của công chúng, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ trên báo chí về quan điểm lựa chọn diễn viên của mình. Anh cho rằng, lâu nay tiêu chí chọn diễn viên của anh đều phụ thuộc vào trực giác, "Khi diễn viên bước vào phòng casting thì tôi đã có 50% cảm nhận họ có hợp vai không. Linh tính mách bảo đó là người mình cần. 50% còn lại phục thuộc họ diễn như thế nào, tương tác với bạn diễn ra sao cũng như kỹ năng cần có cho vai diễn"...

Khi phim ra rạp, Avin Lu được đánh giá là người thể hiện khá tốt hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ. Còn với vai diễn Trịnh Công Sơn khi trung niên, mặc dù không thể phủ nhận tài năng, kinh nghiệm diễn xuất của NSƯT Trần Lực nhưng hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nét diễn của nghệ sĩ này vẫn thiếu điều gì đó để chinh phục hoàn toàn khán giả. Nhiều người cho rằng, có thể ngoại hình khác biệt: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhỏ bé hơn so với NSƯT Trần Lực cũng đã là một hạn chế khi hóa thân.

Diễn viên là yếu tố quan trọng ở mỗi dự án phim, vì thế luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Chọn được dàn diễn viên phù hợp cũng là góp phần giúp tác phẩm điện ảnh đặt bước chân đầu tiên tới sự thành công. Còn nhớ, khi dự án phim "Kiều" của nhà sản xuất Mai Thu Huyền vừa ra mắt cũng đã nhận nhiều ý kiến xung quanh việc lựa chọn diễn viên trẻ Trình Mỹ Duyên vào vai Thúy Kiều. Đặc biệt, với các bộ phim về nhân vật có thật, thì việc lựa chọn ai để vào vai có phù hợp với nguyên tác hay không luôn được công chúng quan tâm. Thậm chí, ngay cả vai diễn chú chó trong dự án phim "Cậu Vàng" (phóng tác từ tác phẩm văn học "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao) cũng được đưa ra bàn tán trong một thời gian khá dài.

Không chỉ xảy ra với điện ảnh trong nước, một số tác phẩm điện ảnh trên thế giới cũng gặp được ý kiến trái chiều về diễn viên thủ vai. Trong bộ phim "Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn" do Disney sản xuất, nữ diễn viên Rachel Zegler người da màu được chọn đóng vai nàng Bạch Tuyết đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. Bởi từ trước đến nay, hình tượng nàng Bạch Tuyết thường gắn liền với miêu tả "da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như gỗ mun". Tuy nhiên, trước những tranh cãi của cộng đồng mạng, nữ diễn viên vẫn rất tự tin đảm nhiệm vai diễn. Đạo diễn Marc Webb cũng dành nhiều khen ngợi cho khả năng diễn xuất của cô.

Trước đó, hãng Disney khi sản xuất bộ phim "The Little Mermaid" có sự góp mặt của nữ diễn viên da màu Hall Bailey đóng vai nàng tiên cá Ariel cũng vấp phải sự phản đối tương tự. Mới đây nhất, tạo hình của Lọ Lem trong dự án "Descendants: The Rise of Red teaser" mới được Disney tung ra cũng gây nhiều tranh cãi. Trước việc diễn viên Brandy Norwood (44 tuổi) sẽ thủ vai công chúa Cinnderella (Lọ Lem), đa phần khán giả đều cho rằng Lọ Lem trông già quá và không có dáng vẻ phù hợp với một công chúa. Cụ thể, Lọ Lem do Brandy Norwood thủ vai sở hữu mái tóc màu xanh lam cùng nước da nâu bánh mật, điều này cũng trái ngược với hình tượng trong nguyên tác của nhà văn Andersen. Tuy nhiên, Disney vẫn kiên định trong việc tạo ra một "vũ trụ nhân vật" đa sắc màu của mình.

Có lẽ, việc đạo diễn lựa chọn diễn viên không như hình dung của công chúng nhiều khi không cần phải ầm ĩ. Bởi hơn ai hết, đạo diễn là người có chuyên môn và phải chịu trách nhiệm về sự thành bại với đứa con tinh thần của mình. Chắc chắn không ai muốn thất bại ngay từ khâu đầu tiên. Ngoài ra, bản chất của nghệ thuật là sáng tạo để mang đến những hình tượng mới, khác những điều đã có trước đây. Thực tế cho thấy, sự mạo hiểm của các đạo diễn không phải vô căn cứ mà thường ít nhiều có sơ sở. Dù vẫn có sự mạo hiểm chưa mang lại thành công như mong muốn nhưng với nghệ thuật thứ 7 vẫn cần sự táo bạo cần thiết. Và với một tác phẩm điện ảnh, thì chúng ta chỉ thực sự có được câu trả lời chính xác nhất khi phim ra rạp. Ngoài ra, những tranh cãi xung quanh danh sách thủ vai của phim cũng không ngoại trừ chính là chiêu PR để phim có sức hút khi mới bắt đầu sản xuất.

Khánh Thảo

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文