Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Viết tiếp những giai điệu hào hùng

14:43 02/05/2024

Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” luôn là nguồn cảm hứng sâu sắc và bất tận với văn học nghệ thuật. Trong đó, hình ảnh một Điện Biên hùng tráng được khắc họa bằng âm nhạc đã để lại những trang vàng soi sáng nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều hoạt động ý nghĩa đã trở thành động lực để các nhạc sĩ tiếp nối mạch nguồn cảm xúc, mang đến một bức tranh âm nhạc đầy màu sắc.

Vẹn nguyên cảm xúc tự hào

Theo Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 70 năm qua, chiến thắng Điện Biên Phủ, đất và người miền Tây Bắc đã được các nhạc sĩ viết với tất cả tình cảm chân thành, làm nên những ca khúc đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam như những “Bài ca đi cùng năm tháng”. Trong đó, phải kể tới kỷ lục “3 đỉnh núi về âm thanh” đó là “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” và “Chiến thắng Điện Biên” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác chỉ trong vòng 2 tháng ngay giữa giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đi đến thắng lợi vẻ vang.

Bức tranh panorama tái hiện cuộc chiến đấu của quân và dân ta tại Điện Biên Phủ được kết hợp nghệ thuật sắp đặt, âm nhạc, ánh sáng.

Ngoài ra, là một loạt tác phẩm đỉnh cao của các nhạc sĩ như “Đường lên Tây Bắc” (Văn An, 1950), “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành, 1952), “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân, 1954). “Tình ca Tây Bắc” (thơ Cầm Giang, nhạc Bùi Đức Hạnh), “Bế Văn Đàn còn sống mãi” (Huy Du)... Thế hệ những nhạc sĩ sau này cũng tiếp bước với những tác phẩm như “Nhớ anh Phan Đình Giót” (An Thuyên), “Những bông hoa hỏa tuyến” (Đức Trịnh)...

Bên cạnh đó, mảnh đất Điện Biên hôm nay cũng trở thành nguồn cảm hứng đi vào nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ. Có thể kể tới ca khúc “Điện Biên đón Người” (Hà Quang Anh), chùm ca khúc “Ánh sáng Điện Biên”, “Nhớ Mường Phăng”, “Điện Biên Phủ thành phố hoa ban” (Đặng Hoàng Long) hay 2 album “Lửa hội Điện Biên”, “Điểm hẹn xòe hoa” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp...

Tiếp nối dòng cảm hứng bất tận ấy, kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa. Trong đó, Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên” là chủ đề của cuộc vận động sáng tác ca khúc chào mừng chiến thắng vĩ đại này.

Thông qua âm nhạc, khẳng định giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của chiến thắng Điện Biên Phủ, những thành tựu trên các lĩnh vực của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và tỉnh Điện Biên trong 70 năm qua. Đặc biệt, khuyến khích các nhạc sĩ tìm tòi, sáng tạo những ý tưởng mới trong cấu trúc âm nhạc, ca từ, phương thức thể hiện. Thời gian nhận tác phẩm từ ngày 15/3/2024 đến ngày 24/4/2024. 15 tác phẩm vào vòng chung kết được hội đồng giám khảo chấm chọn, tham khảo vào số điểm và lượt xem trên TikTok. Đêm gala trao giải sẽ diễn ra ngày 19/5/2024 tại TP Điện Biên Phủ.

Một điểm nhấn tại Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên” là chương trình livestream phát sóng vào 8h tối thứ Bảy hằng tuần trên kênh TikTok chính của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài ra, Trại sáng tác ca khúc chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Quảng Ninh cũng vừa được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức thành công. Đã có 18 ca khúc của 16 nhạc sĩ thuộc 10 chi hội nhạc sĩ Việt Nam khu vực phía Bắc tham gia. Một số tác phẩm được chọn dàn dựng và biểu diễn báo cáo bế mạc. Bên cạnh đó, một chuyến hành hương về nguồn đầy ý nghĩa mang tên “Qua miền Tây Bắc - Về với Điện Biên” quy tụ 70 văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực có sự tham gia của nhiều nhạc sĩ đã góp phần lan tỏa những ca khúc mới, khơi nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ về đề tài này.

Lịch sử hòa trong hơi thở đời sống mới

Như suối nguồn cảm hứng dạt dào, đề tài Điện Biên Phủ đã mang đến một bức tranh âm nhạc phong phú, đầy màu sắc. Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh cho biết, dù cuộc vận động sáng tác ca khúc phát động trong thời gian ngắn nhưng ban tổ chức đã nhận được khoảng 200 ca khúc. Các ca khúc đa dạng về đề tài phản ánh, phong phú về thể loại. Bên cạnh dòng nhạc truyền thống, một số tác giả đã mạnh dạn thử nghiệm thể loại được giới trẻ yêu thích như rap, rock... với nhiều cách làm mới.

Đến với Điện Biên năm nay, du khách không chỉ ngắm nhìn bức tranh khổ lớn panorama duy nhất tại Việt Nam mang tên “Trận chiến Điện Biên Phủ” mà trong thời gian đó còn được thưởng thức 16 phút nhạc nền. Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa hội họa và âm nhạc.

Theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam thì tác phẩm sáng tác cho bức tranh tròn “Trận chiến Điện Biên Phủ” được ông viết trong vòng 6 tháng trên cơ sở kết hợp dân ca Tây Bắc và giai điệu các tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Nguyễn Thành. Ngoài ra, tác phẩm còn mất thêm 3 tháng để dàn dựng hoàn chỉnh.

Như ông chia sẻ: “Điện Biên phủ là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật, bên cạnh đó, sự gắn bó máu thịt với vùng đất lịch sử, đã khiến tôi bắt tay vào thực hiện tác phẩm này với sự hào hứng, dâng trào của cảm xúc”. Có lẽ, cảm hứng ấy là động lực để nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân còn hoàn thành tác phẩm nhạc kịch “Vầng trăng Him Lam”. Tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2020-2025.

Các nhạc sĩ tham dự Trại sáng tác ca khúc chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Là một trong 70 văn nghệ sĩ có mặt trong chuyến hành hương “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, trước đó tham gia trại sáng tác ca khúc về Điện Biên, Đại tá, nhạc sĩ Trọng Lưu dường như vẫn còn nguyên niềm xúc động bồi hồi: “Trưởng thành trong môi trường quân đội, bản thân tôi cách đây 40 năm từng công tác tại Điện Biên, nay trở lại, được thấy một Điện Biên đã hoàn toàn "thay da đổi thịt". Những ký ức Điện Biên cứ lần lượt tái hiện trong tôi. Cảm giác sao thật thân quen, gần gũi... Và, tôi đã viết bài hát "Cảm xúc Điện Biên" trong niềm cảm thức như thế”.

Ca khúc có cấu trúc ngắn gọn với hai lời: những hồi tưởng về một Điện Biên lịch sử hào hùng năm xưa và cảm nhận về một Điện Biên mới đang rộn rã sắc xuân. Kết hợp giữa nhịp hành khúc rộn rã của một thế hệ trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết đi lên xây dựng Điện Biên là phần mở rộng với nhịp valse nhẹ nhàng, uyển chuyển mang đến một Điện Biên đẹp nao lòng: "Đây cánh đồng Mường Thanh bao la/ Đây suối ngàn chảy về Nậm Rốm...". Bài hát được nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn phối khí với chất nhạc trẻ trung, sôi động, nhưng không kém phần bay bổng cùng tiếng hát của hai ca sĩ trẻ Nguyên Hương và Sĩ Nhật.

Còn Đại tá, nhạc sĩ Trương Hùng, Phó Chủ tịch Chi hội nhạc sĩ CAND, với ca khúc “Bình yên cho Điện Biên” anh chọn một góc nhìn đặc biệt. Gắn bó và đồng hành cùng âm nhạc của lực lượng CAND, nhạc sĩ Trương Hùng mang đến những giai điệu của sự sẻ chia, thấu cảm và rất đỗi tự hào về người chiến sĩ công an. Cùng giai điệu trữ tình, hào hùng thì hình ảnh “Nắng gió, vượt đèo cao suối sâu, chúng tôi đi cho mùa hoa ban nở/ nụ cười tươi trên môi giữa mưa núi mây ngàn” đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ CAND đẹp anh dũng, kiêu hùng nhưng cũng đầy lãng mạn.

Nhạc sĩ Trương Hùng cho biết, bài hát là kết tinh những cảm xúc sau nhiều lần lên Điện Biên công tác: “Cảnh sắc, con người nơi đây khiến tôi đặc biệt ấn tượng. 70 năm trước, cha anh chúng ta đã làm nên một chiến thắng lẫy lừng. Giữ gìn sự bình yên cho mảnh đất lịch sử, lực lượng Công an đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ truyền thống, thành quả của cha ông. Đặc biệt, lễ kỷ niệm trọng đại năm nay ghi dấu vai trò quan trọng của lực lượng CAND. Điều này càng thôi thúc tôi phải có sự đóng góp của riêng mình. Bên cạnh cảm xúc, tôi khai thác những nét đặc trưng nhất của Điện Biên như Him Lam, Mường Phăng, cánh đồng Mường Thanh, hoa ban... cùng ngôn ngữ âm nhạc phù hợp với thẩm mỹ, hơi thở đời sống hiện đại”.

Một niềm vui là ca khúc đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm, dàn dựng, với sự thể hiện của những nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Đăng Dương, NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Đăng Thuật, Thu Huyền, Thành Lê, Hồng Nhung...

Và có lẽ, như Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh hy vọng với cảm hứng của một chiến thắng lịch sử, với tài năng, tâm huyết của các nhạc sĩ sẽ để lại cho đời sống âm nhạc những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Thảo Duyên

Thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh với bà Nguyễn Thị Hồng do vi phạm trong công tác và Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Ngày 31/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Kim Châu (SN 1973, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Bách Đạt An về hành vi tham ô tài sản.

Ngày 31/10, ở Quảng Trị bắt đầu nắng ráo. Tuy nhiên, một số địa phương ở các khu vực hạ nguồn, thấp trũng và gần sông, suối vẫn còn bị ngập lũ cục bộ, có nơi sâu hơn 1m. Trong đó, 2 thôn rẻo cao Cát, Trỉa thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đến cuối buổi chiều cùng ngày vẫn còn bị chia cắt, cô lập bởi nước lũ và sạt lở đường đi.

Ngày 31/10, cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã kiểm tra quy trình chế biến thực phẩm của một khách sạn 4 sao để làm rõ phản ánh về việc rau sống có ốc sên đang bò và một số món ăn có dấu hiệu hư hỏng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文