Vietnam Idol 2023: Đi tìm diện mạo của một thần tượng âm nhạc “Thế hệ gen Z”

07:35 25/09/2023

Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng phải khẳng định rằng, Vietnam Idol 2023 là chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc hấp dẫn nhất trong thời điểm này. Những gương mặt thí sinh trẻ trung, tài năng đã cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của nhạc Việt với tư duy âm nhạc và phong cách thể hiện mới.

Luồng gió mới từ những gương mặt "thế hệ gen Z"

Chất lượng thí sinh là điểm mấu chốt nhất quyết định thành công của một cuộc thi tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật và Vietnam Idol 2023 đã có được điều này. So với những mùa thi trước, top 10 của cuộc thi năm nay được đánh giá là đồng đều cả về giọng hát và sắc vóc. Mỗi người một màu sắc, có thế mạnh và điểm yếu riêng nhưng không có nhân tố theo kiểu "để câu view" hay chỉ để gây chú ý cho chương trình.

Dàn Giám khảo của Vietnam Idol 2023. Từ trái sang: Nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Mỹ Tâm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Mục tiêu của Vietnam Idol 2023 không đơn thuần là tìm ra một thần tượng âm nhạc, một người đi từ con số không trở thành người hùng (from zero to hero) mà là tìm ra "Thần tượng âm nhạc thế hệ mới". Người chiến thắng phải là người đại diện cho tư duy thẩm mỹ âm nhạc, tiếng nói của các bạn trẻ, thậm chí là rất trẻ.

Top 10 thí sinh xuất sắc nhất của cuộc thi đã bước vào vòng liveshow (truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam vào 21h00, tối thứ 7 hàng tuần) để dần tìm ra người chiến thắng. Đêm liveshow thứ hai diễn ra tối 16/9/2023 với chủ đề "Năm sinh và những khoảnh khắc đáng nhớ" đã mang đến cho khán giả góc nhìn, cảm nhận mới từ những bài hát đã gắn liền với thế hệ 8X, 9X. Khi những bài hát này ra đời và trở thành hit, các thí sinh của Vietnam Idol 2023 mới chỉ là những cô bé, cậu bé. Các thí sinh đã thổi vào ca khúc cũ làn gió mới thời thượng và hiện đại.

Lâm Phúc, chàng trai 19 tuổi, sinh viên Đại học RMIT đã mang đến một phiên bản mới của "Đêm nằm mơ phố" (sáng tác Việt Anh) không còn trầm buồn, da diết mà tươi sáng và trẻ trung hơn. "Mắt nai cha cha cha" (sáng tác Sỹ Luân) của Nguyễn Lê Diễm Hằng (nghệ danh Hằng Lamoon, 20 tuổi) cũng được đánh giá là "làm sống lại một lần nữa" ca khúc quen thuộc này.

Tương tự như vậy, phần trình diễn của Thanh Thảo (20 tuổi) với ca khúc "Nhớ anh" (sáng tác Kỳ Phương), "Nếu như anh đến" (sáng tác Nguyễn Đức Cường) của Pia Linh (tên thật là Nguyễn Hoàng Hương Linh, 19 tuổi), "Mưa phi trường" (sáng tác Việt Anh) của Thu Hiền (nghệ danh Hellen), "Trăng dưới chân mình" (sáng tác Trần Lê Quỳnh) của Hà An Huy, "Dịu dàng đến từng phút giây" (sáng tác Lương Bằng Quang) của Thu Thủy (nghệ danh Annie), "Người ta nói" (sáng tác Ưng Hoàng Phúc) của Xuân Định, "Xin hãy thứ tha" (sáng tác Dương Khắc Linh) của Hà Minh (19 tuổi)…

Một điểm chung dễ nhận thấy trong cách xử lý ca khúc của thí sinh Vietnam Idol 2023 là sự nỗ lực để thoát ra khỏi cái "bóng" của những nghệ sĩ đi trước, đưa vào ca khúc cũ tinh thần mới, hơi thở mới theo cách nhìn của người trẻ. Các nghệ sĩ trẻ có thể tự sáng tác, viết thêm lời ngay trên nền ca khúc cũ mà người nghe vẫn thấy "hết sức hợp lý". Bên cạnh đó, ngôn ngữ rap gần như được các thí sinh sử dụng cho tất cả các ca khúc.

"Đa năng" có thể là cụm từ phù hợp nhất để mô tả về diện mạo của một thần tượng âm nhạc thế hệ gen Z (thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ sinh trong khoảng thời gian 1997 - 2012). Họ vừa có giọng hát tốt (có thể không quá xuất sắc), vừa có vóc dáng sáng sân khấu, khả năng vũ đạo, phát âm tiếng anh chuẩn xác, sự giao lưu, kết nối khán giả linh hoạt. Và trên hết, đó là tư duy âm nhạc thời thượng, văn minh.

Minh chứng rõ nhất chính là Lê Khoa, thí sinh được đánh giá là có cá tính mạnh nhất của mùa thi năm nay là người đầu tiên phải dừng chân tại Top 10. Gây chú ý với chất giọng cao, khả năng biến hóa sân khấu tốt, theo đuổi phong cách unisex (phi giới tính) nhưng đây là phong cách kén người xem và không thuộc về số đông. Trong khi đó, Vietnam Idol cần gương mặt mang tính đại chúng hơn.

Vì sao Vietnam Idol vẫn không "hot"?

Nhiều khán giả cho rằng, dàn thí sinh của Vietnam Idol năm nay mặc dù đồng đều nhưng lại thiếu giọng hát "khủng", nội lực, thiếu những cá tính mạnh hoặc giữa các thí sinh không có sự khác biệt rõ nét. Điều này sẽ làm chương trình thiếu sức hút. Vietnam Idol bị đánh giá là giống một lò đào tạo thần tượng Kpop hơn là một cuộc thi tìm kiếm giọng hát trên truyền hình. Thí sinh thiếu cá tính trong giọng hát và không dám bứt phá ra khỏi "vòng an toàn" của mình.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Vietnam Idol 2023 thiếu sức hút là do "thiếu chiêu trò", "drama". Dàn thí sinh "quá sạch sẽ", chỉn chu nên không có yếu tố để "câu like", "câu view", "giật title". Dàn giám khảo quen thuộc là ca sĩ Mỹ Tâm, nhạc sĩ Huy Tuấn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có thế mạnh về chuyên môn nhưng thiếu những câu nói để tạo "trend" (xu hướng) hay "viral" (lan truyền) trên mạng xã hội.

Lê Khoa, thí sinh được đánh giá là cá tính nhất Top 10 đã dừng chân sau đêm liveshow 2 lên sóng hôm 16/9/2023 vừa qua.

Các con số thống kê về Vietnam Idol 2023 cho thấy, mặc dù chương trình chưa đạt ngưỡng đột phá nhưng lượng người xem, tương tác cũng rất lớn. Trong thời buổi bùng nổ các chương trình giải trí, đa dạng phương tiện truyền thông như hiện nay, để tạo sự đột phá cho Vietnam Idol là điều không đơn giản.

Tôi cho rằng, Vietnam Idol đã trở lại đúng thời điểm và có bước đi phù hợp. Chiêu trò câu view cũng chỉ là việc làm nhất thời để thu hút khán giả trong một thời điểm. Sự nghiêm túc, tử tế, chất lượng mới giúp Vietnam Idol đi đường dài và tiếp tục nhận được sự yêu mến của khán giả.

Vietnam Idol tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ thử sức và khẳng định tài năng của mình. Sự trở lại của Vietnam Idol sau 7 năm gián đoạn là phù hợp, khi "thời điểm hỗn loạn" của các gameshow giải trí đã qua đi và dần trở lại với những giá trị đích thực. Đồng thời, đây cũng là thời điểm mà sau thời gian tạm dừng các cuộc thi tìm kiếm tài năng, nhiều tài năng mới đã xuất hiện và mong có cơ hội để tỏa sáng.

Đến thời điểm này, những cái tên được dự đoán sẽ đi sâu vào vòng trong của Vietnam Idol 2023 là Hà Minh, Thanh Thảo, Pia Linh, Hà An Huy, Xuân Định. Trong đó, Thanh Thảo và Xuân Định được hứa hẹn sẽ là cái tên sáng giá cho những vị trí cao nhất. Tuy nhiên, tôi vẫn có một băn khoăn rằng, hình mẫu về thần tượng âm nhạc gen Z đã có nhưng thế nào mới thực sự là tư duy âm nhạc mới.

Một xu hướng trong tư duy của các bạn trẻ là phải "rap hóa" ca khúc. Bất kể ca khúc nào, dù buồn, dù vui cũng phải thêm lời rap thì mới là thời thượng. Minh chứng này rất rõ trong phần trình diễn của các thí sinh tại đêm liveshow 2 "Năm sinh và những khoảnh khắc đáng nhớ". Gần như các ca khúc cũ đều được làm mới bằng tiết tấu nhanh và những đoạn rap của thí sinh. Mới thì có mới nhưng tinh thần, mạch cảm xúc của ca khúc cũ đã không còn nguyên vẹn. Điều này khiến khán giả thế hệ 8X, 9X cảm thấy hụt hẫng.

Nhìn lại những ca khúc bất hủ trên thế giới, vẫn với tiết tấu và giọng hát ấy nhưng khán giả ở nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi vẫn chìm đắm trong ca từ và giai điệu của ca khúc. Rõ ràng, sợi dây kết nối các thế hệ chính là mạch nguồn cảm xúc, sự đồng điệu trong tâm hồn giữa nhạc sĩ và khán giả.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh thị trường nhạc trẻ Việt xuất hiện quá nhiều ca khúc bị đánh giá là nhảm nhí thì thần tượng âm nhạc còn phải là "sứ giả" để lan tỏa tư duy âm nhạc thời thượng, văn minh. Âm nhạc không phải chỉ để giải trí mà còn là để kết nối tình yêu thương, lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng. Nhạc cần phải mới để phù hợp với thị hiếu của thế hệ nghe nhạc mới nhưng cái quan trọng nhất vẫn là cảm xúc, "hồn cốt" của tác phẩm. Người ca sĩ dù có chất giọng "khủng" đến đâu, kỹ thuật cao siêu thế nào, biểu diễn hay ra sao nhưng không chạm đến cảm xúc, không đọng lại chút gì trong trái tim người nghe thì đó vẫn là một sự thất bại…

Tường Phạm

Luật Căn cước có 10 điểm mới, những điểm mới quan trọng của luật là việc đổi thẻ Căn cước công dân (CCCD) thành thẻ Căn cước; mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ CCCD từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp Giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7...

Chiều 28/6, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ trì cuộc họp. Tại cuộc họp, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Sáng 28/6, hơn 1 triệu thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo nhiều giáo viên, đề thi môn tổ hợp năm nay có độ phân hóa rõ nét hơn, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học sử dụng kết quả thi để tuyển sinh.

Ngày 28/6, trên mạng xã hội lan tỏa hình ảnh 1 con trâu đang đuổi theo người trong sân Trường THPT Kiến Thụy (thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), nơi đang diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Ngày 28/6, Công an TP Hà Nội đã cảnh báo tình trạng lừa đảo khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshipping. Công an TP Hà Nội khuyến cáo người bán hàng online thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshiping và thực hiện giao dịch chuyển tiền, thận trọng khi đứng trước cơ hội nhận được lợi nhuận lớn nhờ vào các ứng dụng kinh doanh trực tuyến.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文