Yoko Tawada và một Nhật Bản “khác” trong văn chương

15:13 29/11/2024

Mới đây, độc giả tại TP Hồ Chí Minh đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Nhật Bản Yoko Tawada nhân cuốn sách mới “Chàng chó” vừa được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam. Qua sự kiện này, người đọc đã có cơ hội hiểu hơn và đến gần hơn với thế giới sáng tạo của nữ nhà văn - người được mệnh danh là “học trò vĩ đại của Kafka”.

Năm nay, có 2 nữ nhà văn châu Á liên tục xuất hiện trong danh sách các ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Văn chương. Đó là Tàn Tuyết và Yoko Tawada. Không quá khó hiểu vì sao có dự đoán này, bởi nếu Tàn Tuyết là nhà văn Trung Quốc được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất, thì Yoko Tawada lại viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Đức - một trong những ngôn ngữ thuộc nhóm mà các viện sĩ Viện Hàn lâm có thể trực tiếp đọc mà không cần chuyển ngữ. Ngoài thế mạnh đó thì phong cách sáng tạo của họ cũng rất đặc biệt với tính siêu thực và khả năng chạm đến tận cùng đổi mới - điều vốn là “gout” của những thành viên xem xét giải thưởng.

Nhà văn Yoko Tawada. Ảnh: New Directions Publishing

Với Tawada, ngay từ những tác phẩm đầu tay, bà đã tạo dựng được thế giới rất riêng của bản thân mình. Vào năm 1993, bà đã giành giải Akutagawa danh giá với truyện ngắn “Chàng chó”. Tác phẩm này ngay lập tức làm dậy sóng văn đàn bởi sự lạ lẫm và “không giống ai”. Cuốn sách xoay quanh nhân vật chính Mitsuko - người từng kể cho các học trò ở lớp học thêm câu chuyện dân gian về việc một con chó được hứa công chúa sẽ gả cho mình nếu như nó liếm chất thải từ cô. Câu chuyện bất ngờ ứng nghiệm khi một ngày nọ, một người đàn ông có ngoại hình vạm vỡ và tính cách như chó đột ngột xuất hiện tại nhà của Mitsuko và thực hiện những điều tương tự. Sau đó anh ta biến mất như lúc xuất hiện, và trong quá trình đó, Mitsuko đã cố giải mã những gì xảy ra để rồi đến cuối truyện, cô cũng tan biến vào hư không...

Có thể thấy, ở truyện ngắn này, Yoko Tawada đã thách thức những gì vốn được cho là không thể mang vào văn chương. Trước thời của bà, nước Nhật hiện lên hoặc rất truyền thống với cái đẹp của Yasunari Kawabata, Yukio Mishima... hoặc phía ngược lại là những kình chống của thời đại mới ào vào những giá trị cũ, mà đại diện lớn nhất có thể kể đến Natsume Soseki hay Oe Kenzaburo. Nơi đó không hề có chỗ cho một Nhật Bản ở phía lề trái - nơi có những câu chuyện không thể nói ra và những tưởng tượng khó chịu đựng được. Nhưng, Yoko Tawada đã tự lấp mình vào chỗ trống đó, để những tác phẩm của bà không nương theo thị hiếu mà tự hình thành một vũ trụ sáng tạo riêng, với các yếu tố chính nhất có thể kể đến phản địa đàng, huyễn tưởng, siêu hư cấu và siêu thực.

Điều này có thể nhìn thấy ở tập truyện ngắn “Hiến đăng sứ” khi bà tưởng tượng ra một nước Nhật thời hậu thảm họa hạt nhân, nơi thế hệ trẻ thì thấp còi, suy dinh dưỡng, gần như không thể sống tiếp..., còn lớp người già ngày càng mạnh mẽ và dẻo dai hơn trong truyện cùng tên. Ở đó, những người ông người bà phải lặn lội tìm miếng ăn cho những người cháu vốn là tương lai nhưng đầy bất định. Trên nền móng đó, hóa ra, những gì là hư cấu lại rất gần gũi với nước Nhật hiện nay, nơi dân số ngày càng già hóa còn thế hệ trẻ không mấy mặn mà thành gia lập thất.

Hay, ở “Chàng chó”, nhân vật Mitsuko cũng là một người ngấp nghé tuổi 40, không chồng, không con và không có ràng buộc nào với bất kỳ ai... Những điều nói trên cho ta thấy, hóa ra, trí tưởng tượng của Tawada vẫn luôn gắn bó một cách chặt chẽ với cội nguồn. Nếu như trong nước là thế, thì số phận của những người Nhật bên ngoài đất nước cũng không khá hơn...

Chẳng hạn, trong truyện ngắn “Bản nguyên” thuộc tập “Chàng chó”, bà đã kể về một du học sinh chuyên ngành văn chương là người phụ nữ tên Michiko đến Đức du học cùng em trai Kazuo. Trong suốt cuốn sách, Tawada đã tái hiện lại nỗi băn khoăn về căn tính Nhật mà các nhân vật đã phải chịu đựng, khi người nước ngoài cho rằng người Đông Á nói chung là nhạt nhòa, nhàm chán, “nhìn dễ thương, nhưng đẹp thì không đẹp”. Họ không hiển lộ cảm xúc vì giấu sau đó là những đánh giá không mấy tích cực dành cho người khác.

Không ngừng lại đó, sự phân biệt đối xử với người gốc Á di cư cũng xuất hiện, từ đó nữ tác giả đã không ngừng chất vấn về sự mất gốc và bản lai diện mục thật sự của đất nước mình. Mọi thứ leo thang đến mức vào một ngày nọ, Michiko đã quyết định bước ra phố với chiếc mặt nạ kịch Noh - thứ rất đặc trưng cho Nhật Bản và nổi tiếng toàn cầu - thế nhưng dường như không có điều gì thật sự khác đi...

3 tác phẩm đã chuyển ngữ của Yoko Tawada. Ảnh: ĐTA

Trong cuộc trò chuyện với độc giả Việt Nam, nhà văn Tawada cho biết mình viết “Bản nguyên” cũng như “Chàng chó” lúc đang ở Đức và đó là cuộc phản tư về cội nguồn của mình. Với bà, Nhật Bản là một xã hội quá đỗi gò bó khi người dân trong nước thậm chí không muốn giao lưu với nhau chứ chưa nói đến cộng đồng ngoài nước. Ở đó xã hội bị đồng nhất và không có dấu ấn riêng.

Thậm chí, ở ngày hiện tại, điều đó càng nổi bật hơn khi nếu trước đó xứ sở Phù Tang được biết đến là cường quốc của công nghệ điện tử, của ô tô, xe máy và con người làm việc chăm chỉ... thì sau khi bong bóng kinh tế vỡ tan và trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong mắt những người nước ngoài, người Nhật ngày càng nhạt nhòa, nhạy cảm và dễ tổn thương.

Vì vậy, có thể nói Nhật Bản của Tawada vô cùng khác biệt khi sở hữu một cái nhìn kép: từ bên trong là máu huyết quê hương cũng như bên ngoài là nền văn hóa mà bà tiếp thu. Đây cũng là điều khiến bà trở nên khác biệt với các nhà văn khác, khi sự mất kết nối vốn được không ít nhà văn khắc họa nhưng chỉ bắt nguồn bên trong đất nước như Murata Sayaka (“Cô nàng cửa hàng tiện ích”), Usami Rin (“Thần tượng của tôi dính phốt rồi”) hay Mieko Kawakami (“Ngực và trứng”)...

Và, không chỉ nổi bật về nội dung mà Yoko Tawada cũng là bậc thầy về việc sử dụng từ ngữ sáng tạo. Có nhiều khả năng việc “đánh bóng” này cũng xuất hiện từ hiện trạng căn tính Nhật Bản ngày càng mờ dần trong xã hội toàn cầu, khiến tiếng Nhật - thứ “Nhật Bản” nhất - được bà nâng niu như một đối tượng thể nghiệm.

Ở truyện “Bản nguyên”, trong một lần đến nhà một người Nhật để dạy con họ tiếng Đức, Michiko sớm nhận ra việc phải giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Anh... đã khiến rất nhiều người có lúc không thể hiểu nhau. Điều này thậm chí còn được bà châm biếm trong vở kịch ngắn “Tháp Babel của các loài vật”, khi mỗi con vật lại nói bằng thứ tiếng khác, khiến nỗ lực chung không thể thành hình.

Dịch giả Nguyễn Thị Ái Tiên - người chuyển ngữ cuốn “Chàng chó” - cũng chỉ ra một điểm khác của Tawada, khi bà thường sử dụng các câu dài có khi lên đến cả một trang giấy trong khi văn viết của người Nhật thường cắt bỏ chủ ngữ để khiến câu văn súc tích và ngắn gọn hơn...

Một ví dụ khác có thể chứng minh cho khẳng định trên nằm ở truyện ngắn “Vi đà hộ pháp ở bất kỳ đâu”. Ở đó bà đã “mổ xẻ” chữ tượng hình của tiếng Nhật và mang đến những cái nhìn mới mẻ. Chẳng hạn mạch truyện bắt đầu từ một “bông hoa”, mất đi bộ “thảo” hóa thành thứ khác. Câu chuyện sau đó cứ thế tiếp nối với các từ ngữ đồng âm, đồng nghĩa hay hành động thêm bớt nét chữ. Ở một đoạn khác, bà đã đi từ “mở miệng mà nói khi mặt trời lặn mất, thì dù có mở to mắt cũng không nhìn thấy điều gì”... Những ví dụ trên góp phần khẳng định Tawada là nữ nhà văn luôn tìm tòi những điều mới mẻ, từ thành phần nhỏ nhất là từ cho đến câu và rồi là cả nội dung văn bản với những thể nghiệm và cách kể mới lạ, không thể trộn lẫn.

Với những đổi mới đa dạng trong văn chương và không ngừng tìm tòi những điều độc đáo, có thể nói Yoko Tawada là ngôi sao sáng chói trong việc không ngừng thử thách chính mình cũng như thể hiện một nước Nhật “khác”. Với việc Nobel Văn chương năm nay thuộc về Han Kang, điều đó có nghĩa nhiều khả năng sẽ rất lâu nữa thì một đại diện nữ châu Á mới được vinh danh, nhưng có thể tin, dù không được gọi tên thì bà vẫn là một trong những cây viết cá tính, mang tính cách mạng và không ngừng đổi mới trong văn nghiệp mình.

Đoàn Tuấn Anh

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文