Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6:

Chăm lo, bảo vệ trẻ em bằng những hành động thiết thực

07:48 01/06/2024

Thời gian qua, đã có nhiều mô hình, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đã được các địa phương tích cực triển khai.

Cùng với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, lực lượng Công an trên toàn quốc đã vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp công tác tăng cường giáo dục, bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến trẻ em; đồng thời huy động các nguồn lực để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, tiếp bước các em đến trường.

Công an cơ sở tích cực phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Mới vào đầu hè nhưng trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh tử vong. Đây là tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ đuối nước, đặc biệt đối với trẻ em vào mùa nắng nóng. Do đó, việc tuyên truyền cho trẻ em về kỹ năng phòng, tránh đuối nước là hết sức cần thiết.

Công an xã Hải Triều, huyện Hải Hậu (Nam Định) hướng dẫn kỹ năng sơ cứu người đuối nước cho học sinh trên địa bàn.

Điển hình, ngày 7/5, tại xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm ở hồ gần chùa Phúc Sơn, dẫn đến hậu quả cháu T.M.T (sinh năm 2012, xã Hải trung, huyện Hải Hậu) bị đuối nước. Trước đó, vào ngày 4/4, một vụ việc tương tự xảy ra tại cống An Vân thuộc thôn Vân Thọ, xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định khiến 2 cháu N.V.Đ và Đ.Q.T (cùng sinh năm 2010) tử vong do đuối nước.

Bước vào mùa nắng nóng, trẻ em có xu hướng tụ tập để tắm tại ao, hồ, sông, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Vậy nên để đảm bảo an toàn, giảm thiểu và hạn chế thấp nhất tình trạng bị đuối nước cho trẻ nhỏ, Công an tỉnh Nam Định đã tích cực vào cuộc.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm là do trẻ em không biết bơi, chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn dưới nước. Vì vậy, việc phát triển phong trào cho trẻ em học bơi và trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước là giải pháp hết sức cấp thiết, giảm thiểu tình trạng đuối nước và nâng cao sức khỏe. Tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp tại các trường học là giải pháp đã được Công an tỉnh Nam Định triển khai.

Qua công tác tuyên truyền trực tiếp của lực lượng Công an tại các trường học, các em học sinh đã nắm bắt được cách xử lý nếu gặp đuối nước và nhận thức được tầm quan trọng của việc học bơi. Em Nguyễn Văn Thắng, lớp 10A1, Trường THPT Vũ Văn Hiếu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định chia sẻ: “Bản thân em chưa biết bơi nhưng khi được nghe các chú Công an tuyên truyền về học bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước, em thấy rất ý nghĩa và thôi thúc em phải đi học bơi sớm để phòng tránh tai nạn đuối nước”.

Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) hướng dẫn các em học sinh kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy. Ảnh: CTV

Cùng với đó, các trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định đã chủ động tổ chức dạy bơi và chuẩn bị bể bơi ngay tại trường cho các em học sinh. Ông Mai Quảng Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Vũ Văn Hiếu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết: “Nội dung phòng, chống đuối nước được nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương, đặc biệt là Công an xã, Công an huyện lồng ghép trong nội dung tuyên truyền, giáo dục học sinh. Nhà trường cùng hội phụ huynh học sinh tổ chức bể bơi nổi và hướng dẫn các em kỹ năng phòng tránh đuối nước vào dịp nghỉ hè”.

Tại Trường THCS Hải Xuân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, ngay từ giữa tháng 5, trường học đã chuẩn bị bể bơi, máy lọc nước và các giáo viên thể dục là người trực tiếp hướng dẫn học sinh. Bể bơi đi vào hoạt động ngay sau khi học sinh được nghỉ hè. Chương trình dạy bơi cho trẻ được trường thông báo trên loa truyền thanh của xã với mong muốn lan tỏa phong trào dạy và học bơi cho tất cả các em học sinh trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân, nhà trường mở lớp dạy bơi tại trường không phải vì nguồn lợi kinh tế, thu tiền để sử dụng dịch vụ. Mục đích chính là tạo sân chơi lành mạnh, đồng thời rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho học sinh.

Hải Hậu là huyện có tuyến biển dài, nhiều bãi cát đẹp nên thường xuyên có những nhóm học sinh, thanh, thiếu niên ra bơi hoặc nô đùa. Đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng, vì vậy Công an các xã ven biển cũng tăng cường tuần tra, nhắc nhở, chủ động trong công tác phòng ngừa đuối nước.

Thiếu tá Hoàng Minh Hải, Trưởng Công an xã Hải Chính, huyện Hải Hậu cho biết: “Trong hè này, lực lượng Công an tăng cường công tác phối hợp với Đồn Biên phòng Văn Lý xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra khép kín địa bàn để phòng ngừa tội phạm nói chung, đồng thời nhắc nhở các cháu nhỏ tắm biển không có người lớn đi cùng, hoặc những trường hợp tắm biển không có kỹ năng để bảo vệ tính mạng của mình”.

Để các em nhỏ có một kỳ nghỉ hè vui vẻ, an toàn, tránh xảy ra những sự việc thương tâm, bên cạnh nỗ lực của nhà trường và các cơ quan chức năng, còn cần có vai trò, trách nhiệm của bậc phụ huynh trong việc quản lý, giám sát con trẻ, chủ động ngăn ngừa các nguy cơ từ sớm, từ xa và nâng cao kỹ năng mềm cho con em mình.

Chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Nhân dịp kết thúc năm học 2023 - 2024 và hướng tới Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, trong những ngày qua, Công an các đơn vị, địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND và cuộc vận động "Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ" đã được Công an nhiều đơn vị, địa phương cụ thể hóa sinh động.

Tại thôn Tang, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, ngày 28/5 vừa qua, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp “CLB kết nối yêu thương huyện Trà Bồng”, vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “Vui Tết thiếu nhi cùng trẻ em vùng cao năm 2024”.

Tham gia chương trình này, sau khi được chơi trò chơi vui nhộn, các em còn được các cô, các chú Công an phục vụ “bữa ăn có thịt”. Bữa ăn do chính tay các thành viên trong đoàn công tác xã hội từ thiện trực tiếp chuẩn bị nguyên liệu mang lên chế biến cho các em. Ngoài ra, đoàn đã trao tặng 160 phần quà (là bánh kẹo, quần áo, đồ chơi) cho các em và hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

“Đây là hoạt động thiết thực của CBCS Phòng An ninh kinh tế cùng một số tổ chức xã hội, thể hiện tình cảm, trách nhiệm trong công tác chăm sóc, động viên, giáo dục thiếu niên nhi đồng, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Thượng tá Nguyễn Văn Niên, Phó Trưởng Phòng An ninh kinh tế chia sẻ thêm.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ngãi tặng quà cho các em học sinh tại thôn Tang, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng.

Cũng trong những ngày cuối tháng 5 này, hưởng ứng “Tháng Thanh niên tình nguyện hè năm 2024” và hướng đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, huyện miền núi Minh Long, Đoàn viên thanh niên và Hội Phụ nữ Công an huyện Minh Long phối hợp với đơn vị tài trợ tổ chức chương trình “Bữa trưa cho em” và các hoạt động thiện nguyện tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Long Môn.

Tại buổi thiện nguyện này, Đoàn viên, thanh niên của 2 Chi đoàn đã chuẩn bị 152 suất quà tặng các em học sinh tại Lễ tổng kết năm học 2023 - 2024. Tại buổi tặng quà, Đoàn cũng đã giao lưu văn nghệ, trò chuyện với các em học sinh nhà trường. Ngay sau đó, tại khu vực bếp ăn nhà trường, cùng với sự phối hợp của Đoàn xã Long Môn, Công an xã Long Môn và cán bộ, giáo viên đã chuẩn bị bữa trưa cho các em đó là món cơm gà. Các nguyên vật liệu đều được mua tại trung tâm huyện, được các cán bộ Công an huyện vận chuyển lên đến nhà trường. Bữa cơm gà thơm ngon, chất lượng đã đến với 100 em học sinh. Ngoài ra, Chi đoàn Công an huyện cũng đã phối hợp tổ chức cắt tóc miễn phí cho gần 30 học sinh để các em có những mái tóc gọn gàng, sạch sẽ.

“Bữa trưa cho em là chương trình bày tỏ sự yêu thương đối với những em học sinh của xã vùng cao Long Môn. Chúng tôi mong muốn tiếp thêm động lực, giúp các em tiếp tục cố gắng học tập, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, Thượng úy Nguyễn Ngọc Khải, Bí thư Chi đoàn Công an huyện Minh Long chia sẻ và cho biết thêm, Long Môn cách trung tâm huyện Minh Long khoảng 20km. Với địa hình núi non, đèo dốc hiểm trở, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nên các em học sinh đối mặt với nhiều vất vả khi cắp sách đến trường. “Trong những năm qua, Công an huyện Minh Long đã xây dựng và triển khai mô hình “Đồng hành cùng học sinh bán trú Long Môn”, chung tay và huy động các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài tỉnh thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa giúp đỡ cho các em học sinh nơi đây”, Thượng úy Nguyễn Ngọc Khải thông tin. 

Trước đó, tại Trường Tiểu học - mầm non thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức chương trình “Thăm, tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn” và trao tặng 100 suất quà cho các em học sinh của trường. Tại địa phương này, đoàn cũng trao 1 suất quà cho “Con nuôi Công an xã Long Sơn” nhằm động viên và đồng hành cùng gia đình con nuôi vượt qua khó khăn.

 Theo Trung tá Nguyễn Thị Thuận, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, các hoạt động này thể hiện tình cảm, tấm lòng, sự quan tâm chia sẻ, động viên của CBCS đơn vị đối với trẻ em trên địa bàn xã Long Sơn, với mong muốn các em đón một mùa Tết Thiếu nhi thật sự ý nghĩa, lành mạnh và khởi đầu cho một mùa hè tươi vui, bổ ích.

Trước những ngày hè năm nay, khi biết em Phạm Ngọc Long, ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, hiện là học sinh lớp 11 của Trường THPT Mộ Đức, lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của cha, mẹ và 16 năm qua ở với bà ngoại trên 70 tuổi; Đoàn Thanh niên Công an huyện Mộ Đức đã phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Đức Chánh triển khai mô hình “Em nuôi của Đoàn”. Theo đó, em Long sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ đến hết 18 tuổi. Phần quà hỗ trợ gồm nhiều đồ dùng, phương tiện thiết yếu (bàn ghế, sách vở, xe đạp…) phục vụ việc học tập của em. Cùng với đó là khoản hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng để 2 bà cháu trang trải trong học tập, sinh hoạt.      

Tại xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, 2 trường hợp “Con nuôi của Công an xã” Ngô Chí Thiện và Tôn Thị Tính, đều là học sinh Trường Tiểu học Tịnh Đông đã kết thúc năm học trong niềm yêu thương, cảm động khi được các chú Công an trao phần quà là 6 triệu đồng tại lễ bế giảng. Thiếu tá Nguyễn Hữu Quỳnh, Trưởng Công an xã Tịnh Đông cho biết, để thực hiện mô hình "Con nuôi Công an xã Tịnh Đông” đối với em Thiện và Tính, từ tiền lương của mình, cán bộ, chiến sĩ Công an xã hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng/em cho 2 em đến khi học hết lớp 12. “Mô hình này là cụ thể hóa phong trào Công an thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy và cuộc vận động "Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ", Thiếu tá Nguyễn Hữu Quỳnh khẳng định.

Nhiều biện pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB-XH) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh phát hiện 11 vụ/11 trẻ bị xâm hại tình dục (bao gồm các vụ xảy ra trong năm 2024 và các vụ xảy ra từ các năm trước nhưng đến năm 2024 mới được phát hiện). Trong đó, có 7 vụ trẻ bị giao cấu, 3 vụ bị dâm ô và 1 vụ trẻ bị hiếp dâm.

Bà Nguyễn Vân Anh, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB-XH cho biết, trong số trẻ em bị xâm hại phát hiện trong quý I/2024 có 1 trẻ em mang thai sinh con… Một vụ việc đau lòng là em L.T.T.N. (SN 2011, ngụ phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ) bị đối tượng B.V.A. (SN 2000, ngụ cùng phường) xâm hại tình dục nhiều lần tại nhà riêng từ năm 2023-2024.

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người thân quen của trẻ, chủ yếu là bạn bè yêu đương, hàng xóm, người quen biết qua mạng xã hội, chiếm 91% tổng số vụ; có 1 vụ là người thân họ hàng. Đa số trẻ em bị xâm hại thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ly tán, ít có thời gian quan tâm quản lý con cái…

Em N.K.T.V. (SN 2008, ngụ TP Bà Rịa) cha mẹ đã ly hôn. Khoảng tháng 2/2024, em N.K.T.V. và T.A.D. (SN 2001, ngụ huyện Đất Đỏ) quen nhau qua mạng xã hội và nảy sinh tình cảm. D. thường xuyên đến nhà V. chơi và có quan hệ tình dục. Sau đó, D. có quay phim, chụp hình và đe dọa đăng lên mạng xã hội. Khi biết sự tình, gia đình nạn nhân đã trình báo Cơ quan Công an.

Em Đ.T.K.N. (SN 2012) là  học sinh tiểu học. Ngày 9/3, khi em N. đang tắm thì bị bác họ Đ.V.T. (SN 1982, ngụ huyện Châu Đức) nhìn trộm và có hành vi dâm ô. Em N. sợ hãi bỏ chạy sang nhà bác ruột rồi kể lại sự việc trên. Người bác ruột trình báo Công an, T. bị Công an bắt giữ.

Theo ông Trần Sạn, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em (CTXH-BTTE, thuộc Sở LĐ,TB-XH), những năm qua, trung tâm này thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tư vấn để các em bị xâm hại vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý. Đồng thời, trung tâm cũng thường xuyên đến các trường học tuyên truyền kỹ năng để trẻ tự nhận biết, phòng tránh nguy cơ bị xâm hại. Trong năm 2023, trung tâm này đã hỗ trợ can thiệp cho 18 trường hợp trẻ bị xâm hại.

Bà Nguyễn Vân Anh cho biết, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Sở cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai đa dạng các hoạt động truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em cho cán bộ, nhà trường, người dân, trẻ em thu hút trên 800.000 lượt người tham gia.

Hàng năm, Sở còn tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em nói chung, trong đó có nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em tại các địa bàn là điểm nóng, nguy cơ cao.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Công an các địa phương, sở, ngành, nhà trường, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để học sinh, người dân hiểu được phương thức, thủ đoạn của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và cách phòng tránh. Tuy nhiên, thực tế tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn diễn biến phức tạp. Do đó, bên cạnh công tác nghiệp vụ của Công an, gia đình và xã hội cũng cần chung tay để bảo vệ trẻ trước loại tội phạm này. (Phú Lữ - Trần Văn)

Phương Anh – Trung Thành

Cơn bão số 3 (Yagi) đầu tháng 9 vừa qua đã gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là khu vực miền núi. Ngay khi bão lũ chưa tan hết, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo của Bộ trưởng Lương Tam Quang, Báo CAND đã phát động, kêu gọi bạn đọc, các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ đồng bào, nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân.

Ngày 6/11, Công an quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, cho biết sau quá trình điều tra từ tháng 3/2024 đến nay, đơn vị đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh và các địa phương triệt phá đường dây buôn bán ma túy từ Campuchia về Việt Nam do đối tượng Sỳ Bảo Nguyên cầm đầu. Đồng thời, bắt giữ các đối tượng có liên quan, thu giữ lượng ma túy khoảng hơn 15kg (bao gồm thuốc lắc, ketamine, ma túy đá) và một số tài sản khác là tang vật của vụ án.

Ngày 6/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Kim Hoàn, Trưởng phòng Quản lý cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và phát triển hạ tầng giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, để điều tra về hành vi lừa đảo và sử dụng giấy tờ giả.

Ngày 6/11, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang khám nghiệm hiện trường điều tra nguyên nhân vụ cháy nhà xảy ra tại căn nhà trong hẻm 136 đường Bạch Đằng, phường 5, TP Vũng Tàu, làm 2 cháu nhỏ tử vong.

Sau thời gian nỗ lực giải cứu, lực lượng cứu nạn đã đưa được anh Phùng Đình Dự (SN 1988; trú tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội) là chủ phương tiện bị tai nạn ra khỏi cabin; phối hợp với Trung tâm y tế và Công an xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) tiến hành sơ cấp cứu và di chuyển nạn nhân đến Bệnh viện đa khoa Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Thảm họa về ma túy quá khủng khiếp và nguy cơ hiện hữu về vấn nạn này luôn chực chờ cả bên trong và bên ngoài khu vực lãnh thổ Việt Nam. Dù đã có nhiều kết quả song công tác quản lý, giảm nguồn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn phần lớn do vướng cơ chế. Chính vì vậy, yêu cầu phải đổi mới, nâng cao hơn nữa các cấp độ phòng, chống ma túy trong giai đoạn mới đặt ra hết sức cấp thiết.

Các điểm bầu cử nhỏ ở một số hạt thuộc bang Indiana và Kentucky là những nơi đầu tiên kết thúc bỏ phiếu trên toàn quốc vào 18h ngày 5/11 (giờ địa phương). Những kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ sớm xuất hiện.

Trong vụ “đại án” liên quan đến Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) ở TP Hồ Chí Minh, số lượng tài sản của các bị can, bị cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan được các cơ quan tố tụng phong tỏa, ngăn chặn, kê biên và thu giữ rất lớn. Việc này không nằm ngoài mục đích nhằm bảo đảm thu hồi triệt để tài sản đã bị Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt cho Nhà nước và hoàn trả cho bị hại là người dân, doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文