900 dự án chậm tiến độ ở Hà Nội: Xử lý ra sao?

09:18 10/12/2021

Một trong những nội dung các đại biểu HĐND TP Hà Nội tập trung chất vấn lãnh đạo UBND TP Hà Nội ngày 9/12 là việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP, trong đó nhấn mạnh đến 900 dự án chậm tiến độ, trong đó có nhiều dự án trọng điểm cũng “ì ạch” qua nhiều năm.

Trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ ra vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Có những dự án đã được HĐND TP giám sát, tái giám sát nhưng chưa chuyển biến, cần được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Một số đại biểu có ý kiến, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, đã có khá nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết nhưng đến nay chưa được thực hiện, vậy đâu là nguyên ngân và giải pháp đôn đốc trong thời gian tới? Ngoài ra, trong các dự án chậm triển khai, có khá nhiều dự án đầu tư công, thuộc danh mục công trình trọng điểm của TP. Những dự án này được ưu tiên bố trí vốn, nhưng triển khai thực tế không đạt yêu cầu.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2020, Thành uỷ, UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt đối với những công trình trọng điểm của TP. Với 55 công trình trọng điểm đã được quyết nghị đã có 11 dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành, 15 dự án đang tập trung chỉ đạo thi công, 12 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và 7 dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ các dự án trọng điểm, theo lý giải của Giám đốc Sở KH&ĐT là do vướng giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện có nguyên nhân khâu tổ chức khảo sát, tư vấn thiết kế chưa sát thực tế nên phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn đến kéo dài dự án.

Về nguyên nhân khách quan, ông Đỗ Anh Tuấn cho hay, đối với những dự án có nguồn vốn ODA (các tuyến đường sắt) là dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài, chưa có tiền lệ trong việc tổ chức thực hiện thi công nên phải điều chỉnh nhiều hạng mục. Vừa qua, trên cơ sở rà soát đánh giá những tồn tại, hạn chế của những dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020, Hà Nội cũng đã rà soát rất kỹ phân kỳ những dự án, khả năng tổ chức thực hiện, chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 để tránh tình trạng kéo dài các dự án.

Làm rõ thêm những nội dung chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, về việc thực hiện tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư của TP từ năm 2017 đến nay, TP đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, với tổng số vốn dự án là hơn 548 ngàn tỷ đồng. Đến nay đã có 54 dự án hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, Giám đốc Sở KH&ĐT cũng cho rằng việc triển khai các dự án còn chậm do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, có thay đổi Luật Đầu tư. Trên cơ sở đó, TP yêu cầu rà soát lại các trình tự thủ tục pháp lý của các dự án.

Trong quá trình tổ chức, việc xử lý vi phạm của các nhà đầu tư như vi phạm công tác phòng cháy, chữa cháy, nghĩa vụ về đất đai, bảo hiểm xã hội, tài chính còn chậm… Một số nhà đầu tư còn chưa tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc hoàn thiện thủ tục. “Việc chậm cũng có trách nhiệm của các sở, ngành trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư tổ chức đầu tư”, ông Đỗ Anh Tuấn nói.

Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cũng thông tin thêm, Sở KH&ĐT đã chủ trì, phân loại các dự án môi trường có sử dụng đất, các dự án về nhà ở, thương mại dịch vụ... để làm rõ tồn tại, vướng mắc của các dự án ở đâu; đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chủ đầu tư chây ỳ, không triển khai.

Liên quan đến các dự án ngoài ngân sách, đại biểu Nguyễn Minh Tuân đặt vấn đề, việc thực hiện giám sát tiến độ các dự án còn chậm; vẫn còn phát sinh dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bùi Duy Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết của HĐND TP, UBND TP đã ban hành các kế hoạch, đã chỉ đạo, thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra. Kết quả, hiện 379 dự án chậm tiến độ đã có kết luận cụ thể, đề xuất phương án xử lý.

Trong đó: Đối với 30 dự án được kiến nghị thu hồi, đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.Thực tế, việc chậm tiến độ của các dự án có nguyên nhân khách quan do chính sách về đất đai có thay đổi, một số dự án chờ rà soát quy hoạch chung phân khu và tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ.

Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Cường, do nhận thức ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế, nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở, ngành thực hiện chưa phối hợp đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Làm rõ thêm về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, trong khi năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu thực tế. TP đã giao Sở TN&MT chủ trì đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể từng dự án, với tinh thần những dự án nào liên quan đến các quận, huyện, thị thì TP sẽ tập trung tháo gỡ để sớm triển khai thực hiện.

Đối với những dự án mà nguyên nhân là do chủ đầu tư thì TP kiên quyết thu hồi. “Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đất dịch vụ, đề nghị các địa phương báo cáo TP để sớm có phương án giải quyết. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, TP sẽ báo cáo Trung ương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Ngọc Yến

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.063 km. Công trình trọng điểm quốc gia này hoàn thành không chỉ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh....

Giá vàng thế giới đêm 25/11 đột ngột rơi thẳng đứng, khiến giá vàng trong nước sáng 26/11 cũng bị lao dốc theo, mất tới 2 triệu đồng/lượng.

Sáng 26/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác phối hợp với Đội TTGT quận Hai Bà Trưng tuần tra lưu động địa bàn đơn vị quản lý. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý xe limousine, xe hợp đồng vi phạm giao thông, dừng đỗ đón trả khách sai quy định gây ảnh hưởng đến TTATGT tại Hà Nội.

Công tố viên đặc biệt Jack Smith - người từng đưa ra hai vụ án trọng tội chống lại ông Donald Trump với cáo buộc tìm cách lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 và lưu giữ trái phép các tài liệu mật sau khi mãn nhiệm, đã xin bãi bỏ cả hai cáo buộc trên. 

Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm một cách hết sức khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó.

Thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” sẽ có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng xuất hiện nhiều loại hình, phương thức, thủ đoạn mới, ẩn danh, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý, lãnh thổ. Do đó, không chỉ Cục Cảnh sát hình sự mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành địa phương không ngừng đấu tranh với tội phạm này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文