Thiên đường cà phê 'đèn mờ' ở TP Hồ Chí Minh
Chọn quán T.T. làm điểm dừng chân, chúng tôi vừa mới tấp xe vào thì một cô tiếp viên mặc váy ngắn, áo thun ba lỗ nắm tay lôi vào quán. Phía bên trong quán tối om được ngăn thành nhiều ô cũng bằng các thanh tre nứa, trong mỗi ô có 1 cái bàn và 2 chiếc ghế để dành cho “thượng đế” và tiếp viên. Sau khi pha cà phê cho khách, các em tiếp viên sẽ sà vào lòng, “tra tấn” đủ thứ rồi gợi ý kích dục. Nếu khách cần tới bến thì các cô sẵn sàng và hẹn nhau ở nhà nghỉ gần đó. Hầu hết các quán cà phê kiểu này, tiếp viên có nhan sắc khá khiêm tốn”và ở tuổi “về chiều”.
Một tiếp viên tên Thu, quê Vĩnh Long không giấu giếm: “Tui đi “thi tuyển” 3 quán bia ôm rồi mà chỗ nào cũng rớt”nên về đây đầu quân”. “Sao không đi làm công nhân”, tôi hỏi. Thu bảo, ở quê làm ruộng, làm mướn cực quá nên mới lên đây. Vả lại vốn quen tự do nên gò bó trong nhà máy Thu không làm được. Quỳnh, cũng ở quán này kể, ngày xưa, có khoảng thời gian bán bia ôm ở Bình Mỹ (Củ Chi) nhưng hễ đến phiên cô là khách lắc đầu nguầy nguậy. Buồn và mặc cảm nên cô theo Thu về đây đầu quân với mức lương 1 triệu đồng/tháng, được bao ăn, ở. Vì là quán cà phê ôm bình dân, phục vụ cho đối tượng lao động nghèo nên tiền “boa” chẳng được bao nhiêu, thi thoảng khách nào sộp lắm thì cho 100 ngàn đồng, các cô dành dụm lại để mua giày dép!
Phố đèn đỏ ở Hóc Môn. |
Chủ của quán T.T. trước đây cũng là gái bán bia ôm ở Tân Bình nhưng sau khi cặp bồ với một “ma cô” thì chị ta bỏ nghề và kinh doanh bán cà phê. Đôi vợ chồng này ban đầu cũng có ý định hoàn lương, song, với đầu óc đen tối, dần dà họ nghĩ ra kiểu kinh doanh nhắm vào đối tựơng nói trên. Tất nhiên, để bình dân hoá thật sự thì tiền thuê mặt bằng phải rẻ và tiếp viên cũng phải “bèo”. Thế nên họ lân la tìm về ngoại thành, tập hợp lượng em út khá lớn để mở cùng một lúc ba quán cà phê ở Bình Chánh, Bình Tân và quán T.T. này…
Hai tuyến đường cũng được xem là phố cà phê đèn mờ ở Hóc Môn là đường Đặng Thúc Vịnh thuộc xã Thới Tam Thôn và đường Lê Văn Khương thuộc xã Đông Thạnh. Mỗi quán có khoảng một vài tiếp viên lớn tuổi, ăn mặc hở hang đứng ngồi phía trước để mời chào khách. Quán chẳng có tên tuổi, chẳng có quầy trưng bày mà chỉ có một hai cái bàn và vài cái ghế. Một thổ địa ở khu vực này cho hay, khi khách vào quán thỏa thuận xong là tiếp viên đóng cửa quán và mọi việc tiến hành ngay trên chiếc nệm được trải phía dưới nền xi măng. Giá cả thì rất bèo, thậm chí bao nhiêu cũng được. Hoạt động tệ nạn ở những nơi này không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội mà còn gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự nghiêm trọng.
Cách đây chưa lâu, một tiếp viên của quán cà phê tệ nạn Q.N. nằm trên đường Đặng Thúc Vịnh bị một thanh niên đâm chết khi vào đây “vui vẻ”. Một vụ khác là vào khoảng 18h30 ngày 5/6/2015, có 1 thanh niên chạy xe Dream không rõ biển số đến quán cà phê của chị H.N.G. (quê quán Đồng Tháp) và ngỏ ý mua vui. Chị G đồng ý và đóng cửa, tắt đèn quán. Nhằm phòng hờ bị quỵt tiền, chị G. yêu cầu người thanh niên đưa tiền trước.
Gã bảo chị G. dùng điện thoại mở chế độ đèn pin rọi vào bóp để gã lấy tiền trả. Chị G. làm theo thì bất ngờ bị người này rút dao đâm nhiều nhát vào người. Nghe tiếng kêu cứu, một người hàng xóm đến gõ cửa thì kẻ sát nhân mới dừng tay và tẩu thoát. Chị G. may mắn thoát chết nhưng bị tỷ lệ thương tật đến 80%. Theo chị G., kẻ gây án người gầy, cao và có biểu hiện giống như đang ngáo đá. Theo mô tả của các nhân chứng, đối tượng này rất giống với kẻ giết người ở quán cà phê Q.N.. Cơ quan Công an đang ráo riết truy lùng hung thủ của 2 vụ án trên.
Con đường An Dương Vương nối liền ba quận 6, 8, Bình Tân dù được sửa chữa nâng cấp nhiều lần nhưng vẫn đầy rác thải và ngập nặng mỗi khi mưa. Bên cạnh hình ảnh khó coi đó, con đường này còn nổi tiếng là “thánh địa” của cà phê đèn mờ. Hơn chục quán cà phê ở đây đều xập xệ, ẩm thấp. Hằng đêm, dưới ánh đèn mờ ảo, các cô gái tiếp viên ăn vận mát mẻ, phấn son lòe lẹt vẫy tay mời chào khách.
Khi tâm sự với chúng tôi, các cô đều cảm nhận được sự tủi nhục của cái nghề “mạt hạng” này nhưng chung quy lại họ sa ngã bởi lười lao động và không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền. Thanh, một tiếp viên quê Bến Tre, tuổi khoảng 30 nhưng đã có thâm niên gần 10 năm “bán phấn buôn hương” trên nhiều tuyến đường và nay trụ lại ở quán cà phê kích dục để đỡ vất vả khi phải đứng đường. Thanh nói, sau một thời gian dành dụm, cách đây 2 tháng, Thanh về quê mở tiệm tạp hóa với dự định làm lại cuộc đời, có chồng con như bao phụ nữ khác. Nhưng buôn bán ở quê cả ngày trời lãi chỉ được vài chục ngàn nên Thanh bỏ cuộc quay lại Sài Gòn…
Thương - quê ở Sóc Trăng, mới 18 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 3 năm hành nghề trong quán cà phê H.C.. Người nhỏ thó, nước da ngăm đen nhưng Thương lại là cô gái được nhiều vị khách hỏi đến nhất. Thương kể, gia đình khó khăn, nhà đông anh em nên năm 16 tuổi, bạn bè rủ đi lên Sài Gòn làm công nhân, tưởng thật Thương liền đi theo.
Nào ngờ, bạn Thương đưa đến quán cà phê kích dục này để làm nhân viên bưng bê. Một thời gian sau, do quán thiếu tiếp viên, bà chủ kêu Thương ngồi tiếp khách và tập tành làm hài lòng khách. Chẳng bao lâu sau, cha Thương bị bệnh nặng cần tiền để mổ. Thương nhờ bà chủ giới thiệu với một trùm cho vay nặng lãi để vay 20 triệu đồng gửi về lo cho cha. Với tiền lãi 5 triệu đồng mỗi tháng (25%/tháng), Thương không còn cách nào khác là phải hết mình chiều khách để kiếm tiền. “Chẳng biết bao giờ em mới có tiền để trả nợ và thoát cái nghề nhơ nhuốc này” - Thương buồn bã tâm sự.
Để tồn tại quán đèn mờ, trách nhiệm rõ ràng thuộc về chính quyền địa phương mà trước nhất là ở cấp phường, xã. Vì vậy mà chúng tôi mong rằng lãnh đạo các quận, huyện sớm rà soát lại thực trạng trên để kịp thời chấn chỉnh, đẩy lùi kiểu kinh doanh tệ nạn này.