Băn khoăn quanh việc nhận chìm gần 1 triệu m³ bùn thải xuống biển

11:52 02/07/2017
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cấp phép cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 918.533m³ bùn cát, đá sỏi… xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Điều này khiến cho các nhà khoa học bày tỏ lo ngại về việc phát tán chất thải và tác động tiêu cực tới Khu bảo tồn Hòn Cau bởi khu vực nhận chìm chỉ cách khu bảo tồn 8km.

 Hệ sinh thái của khu bảo tồn biển Hòn Cau có thể bị tác
động tiêu cực từ chất thải nhận chìm.

Lo ngại chất thải bị phát tán

TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, việc đổ chất thải xuống vùng biển Vĩnh Tân sẽ gây ra hệ luỵ khó lường bởi khu vực này nằm sát Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây cũng là ngư trường rất lớn, có giá trị cao về kinh tế, môi trường.

“Chúng tôi – những nhà khoa học về biển – không hiểu căn cứ vào đâu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho phép Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đổ xuống biển khối lượng bùn thải lớn như vậy. Thế giới đã nghiêm cấm việc đổ bất kì chất thải chưa qua xử lí nào xuống biển.

Điều này được quy định rõ ràng trong luật pháp quốc tế. Về mặt khoa học, việc đổ cả triệu m3 chất thải xuống biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả một vùng biển rộng lớn. Trong chất thải nạo vét bùn trầm tích có thể chứa nhiều chất độc hại.

Khi hoà vào nước, nó có thể giết chết hầu hết những sinh vật rất nhỏ bé, huỷ diệt nguồn sống lâu dài của biển, đe doạ đa dạng sinh học. Điều nguy hiểm hơn, những chất thải này sẽ nằm dưới đáy biển chứ không mất đi. Những dòng hải lưu sẽ cuốn trôi nó đến các vùng biển khác khiến cho chất thải bị phát tán xa hơn. Sẽ không có giải pháp nào ngăn chặn được sự phát tán, xâm hại của chất thải khi nhận chìm nó xuống biển” – TS An nói.

Trong khi đó, TS Tô Văn Trường – chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường khẳng định, cần phải hết sức thận trọng khi cho phép đổ lượng chất thải lên tới hàng triệu m³ xuống biển, kể cả khi đó là bùn thải nạo vét, không chứa chất độc hại.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng trong thành phần vật, chất nhận chìm không chứa chất phóng xạ là chưa chuẩn. Trong thiên nhiên hay dưới đáy biển luôn tồn tại các đồng vị phóng xạ, chỉ là ở mức nào mà thôi. Trong khoảng tháng 6 đến tháng 10, theo hướng của gió mùa tây nam, những vật liệu này có thể được mang lên đâu đó phía Bắc khu vực, có thể là các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên…

 Tuy nhiên, từ tháng 11 đến tháng 3, gió mùa đông bắc sẽ mang những vật liệu này quay trở lại, có thể di chuyển vào khu vực khu bảo tồn Hòn Cau. Mức độ an toàn của bùn thải (cả về mặt hoá, lý) đã được phân tích đủ độ tin cậy chưa? 

Quá trình nhận chìm có được thực hiện nghiêm túc không? Tôi cho rằng, nếu vật chất nhận chìm đạt các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường thì có thể dùng để san lấp, mở rộng các vùng sình lầy, không nhất thiết phải đổ xuống biển” – TS Trường phân tích.

Quan trắc chất lượng nước biển 3 lần/ngày

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, số bùn cát, đá sỏi… cho nhận chìm thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, không phải là chất thải từ hoạt động của nhà máy, không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn cho phép. 

Khu vực nhận chìm nằm trong diện tích 300 ha đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị cho nhận chìm và được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt từ năm 2014. 

Thời gian được phép nhận chìm kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 10-2017. Đây là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, nên hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ. Ngoài ra, độ sâu lớn nhất của khu vực nhận chìm là -36,1m, trong khi đó, độ sâu của Khu bảo tồn biển Hòn Cau từ -5m đến -10m nên khó có khả năng dịch chuyển vật, chất nhận chìm ở đáy biển đến Khu Bảo tồn biển Hòn Cau.

Việc nhận chìm chỉ cho phép tiến hành từng bước với sự quan trắc, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường biển trong suốt quá trình thực hiện. Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) sẽ tiến hành quan trắc, giám sát độc lập tại 13 điểm với sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường. 

Tần suất quan trắc là 3 lần/ngày tại 3 tầng (tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy). Trường hợp một trong các thông số chất lượng nước biển tại bất kỳ điểm quan trắc nào trong số 13 điểm nêu trên vượt giá trị giới hạn quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển thì Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và chỉ được phép tiếp tục thực hiện khi có giải pháp khắc phục được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, khối lượng bùn cát, đá sỏi nạo vét… của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền do không có mặt bằng để lưu giữ. Bên cạnh đó, việc xử lí trên đất liền cũng sẽ gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường khu vực lưu giữ và khu vực lân cận.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tỉnh Bình Thuận là một trong 5 nhà máy nhiệt điện than thuộc Trung tâm điện lực tỉnh Bình Thuận (với tổng quy mô công suất lắp đặt khoảng 6.180 MW), khi hoàn thành đầu tư xây dựng sẽ là Trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, góp phần quan trọng vào cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Để đưa nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vào hoạt động, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét. Sau khi nhận được hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định với sự tham gia của 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học, đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và đại diện các Bộ, ngành liên quan. Kết quả, đa số các thành viên Hội đồng thẩm định đều chấp thuận phương án cho phép Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được nhận chìm ở biển. 

Khánh Vy

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文