Bạo lực giới gây thiệt hại to lớn về kinh tế và phát triển con người

17:58 10/10/2020
Trên mạng xã hội vừa xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông nắm tóc kéo lê và đánh đập người phụ nữ ngay tại nơi làm việc, gây bức xúc trong dư luận. Người đàn ông này được cho là chồng, lớn tiếng chửi người phụ nữ và cho rằng cô này ngoại tình, dù đã có 2 đứa con. Sự việc xảy ra tại phường Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

Việc phụ nữ bị bạo hành không phải chuyện hiếm, không ai xa lạ mà hầu hết bị chính người chồng đánh đập. Bạo lực giới là vấn đề mang tính toàn cầu, xảy ra ở mọi xã hội và dưới nhiều hình thức như bạo lực gia đình, tấn công và cưỡng bức tình dục, buôn bán phụ nữ, quấy rối tình dục… Mặc dù nam giới và trẻ em trai cũng bị ảnh hưởng, nhưng phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng chính phải chịu đựng bạo lực giới.

Mới đây, chị T.T.H ở quận 12 (TP Hồ Chí Minh) đã đến cầu cứu luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh. Ngoài bảo vệ cho trẻ em, luật sư Nữ còn nhiệt tình hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ bị yếu thế.

Tiếp chị H tại một quán cà phê trên đường Võ Văn Tần (quận 3), luật sư Nữ đã động viên để chị kể sự việc của bản thân. Chị H nước mắt vắn dài kể với luật sư về việc chị bị người chồng đánh đập lâu nay. Vợ chồng chị có một đứa con nhưng đã ly thân cách đây 3 năm cũng chỉ vì chị thường xuyên bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Mặc dù chồng chị có bồ và ở chỗ khác nhưng người này thường về chửi bới và đánh chị. Thời gian gần đây, người chồng còn về đòi bán căn nhà mà hai mẹ con chị đang ở, anh ta nói nếu không bán sẽ giết mẹ con chị. Sợ quá, chị kêu cứu đến chính quyền địa phương, người chồng được mời lên làm việc và viết bản cam kết không đánh vợ con. Tuy nhiên, anh ta không thực hiện cam kết mà tiếp tục đánh đập chị, sợ ảnh hưởng đến tính mạng, chị H đã cầu cứu luật sư hỗ trợ.

“Căn nhà mà ông xã tôi đòi bán là do con tôi đứng tên nhưng anh ấy đe doạ nếu không bán sẽ giết mẹ con tôi, bây giờ tôi không biết phải làm sao, pháp luật tôi không hiểu nhiều. Tôi cũng đã báo với chính quyền địa phương nhưng anh ấy vẫn về đánh đập và uy hiếp làm mẹ con tôi sống trong lo sợ”, chị H vừa lau nước mắt vừa nói.

Sau khi tìm hiểu sự việc, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã liên hệ Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 12 để nắm thêm thông tin và nhờ hỗ trợ, đồng thời tư vấn để chị H hiểu thêm về pháp luật cũng như cách phải thực hiện những bước tiếp theo.

Bạo lực gia đình vẫn đang âm ỉ "đốt cháy" nhiều gia đình

Phát biểu trong diễn đàn về bạo lực giới tại cơ sở y tế ngày 8/10, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng cái giá phải trả cho bạo lực giới về mặt sức khỏe, thiệt hại về tài sản, mất mát về thu nhập và đổ vỡ gia đình là rất lớn. Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy bạo lực gây thiệt hại to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế cũng như phát triển con người. Nguyên nhân căn bản của bạo lực giới là tình trạng bất bình đẳng giới. Mặc dù các yếu tố khác như nghiện rượu, lạm dụng ma túy và sức ép kinh tế cũng góp phần làm gia tăng tình trạng bạo lực, nhưng chính những bất bình đẳng về quyền lực, về tiếng nói và sự kiểm soát nguồn lực giữa nam giới và nữ giới đã nâng đỡ và kéo dài hành vi bạo lực.

TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách để hạn chế bạo lực trên cơ sở giới như các dịch vụ tư vấn hỗ trợ nạn nhân, đường dây nóng tiếp nhận và xử lý trường hợp, xử phạt đối tượng gây bạo lực,… song tình trạng bạo lực vẫn liên tiếp xảy ra và có xu hướng gia tăng tỷ lệ thuận với số nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. 

Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, phụ nữ thì phải được thương yêu, được tôn trọng, nhưng thời gian qua nhiều phụ nữ bị bạo hành tàn nhẫn. Một phần do ý thức của người phụ nữ là cam chịu bị đánh để giữ gia đình, để con có cha; phụ nữ ráng chịu đựng khi bị đánh để không xấu hổ với bạn bè, hàng xóm. Khi người phụ nữ càng chịu đựng thì người đàn ông càng lấn lướt tới. Do đó, phụ nữ phải ý thức bị bạo hành như vậy là ảnh hưởng tới con. Như vụ việc xảy ra tại quận Tân Bình, khi chồng đánh vợ thì bắt hai đứa con ngồi xem. Hết chịu đựng nổi, người vợ phải bỏ về nhà mẹ đẻ để “lánh nạn”, gia đình phải báo chính quyền và tìm đến luật sư tư vấn, làm đơn ly hôn. “Nếu chị ấy mà làm đơn ly hôn thì lại bị chồng đánh nữa. Do đó, muốn thoát cảnh bị đánh thì phải ly hôn mới thoát được. Do đó, biết sự việc, chúng tôi đã hỗ trợ pháp lý và bảo vệ chị tại phiên toà xử ly hôn để chị ấy được nuôi hai đứa con”.

Luật sư Nữ khuyến cáo, khi bị bạo hành thì người phụ nữ không nên im lặng, vì im lặng là tội ác, im lặng sẽ để lại hậu quả cho con cái chứ không phải chỉ ảnh hưởng đến hai vợ chồng. Bị ảnh hưởng từ việc cha mẹ bạo hành nên con cái rất hung hăng, cha đánh mẹ như thế nào thì trẻ vào trường đánh bạn như thế. “Chúng tôi đã chứng kiến những phiên toà xét xử trẻ phạm tội, có người mẹ nói hành vi đánh, giết người của con chị y chang như ngày xưa ba nó cầm dao giết chị, nhưng may chị thoát chết”, luật sự Nữ cho biết.

Hậu quả của bạo hành ảnh hướng rất lớn đến tâm lý và tính cách của con cái, chính vì vậy phải chấm dứt bạo hành gia đình để bảo vệ con em chúng ta sống trong môi trường tốt. “Khi đi tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, chúng tôi đều nói, nam giới sức dài vai rộng là người khoẻ mạnh mà đánh phụ nữ là hành vi đê hèn. Rồi đánh con cái, nhiều người chỉ suy nghĩ đơn thuần là cha mẹ thì có quyền đánh con, mà không nghĩ rằng là đánh người dưới 16 tuổi và hậu quả để lại rất nặng nề”, luật sự Nữ cho hay.

Theo bà Lê Thị Phương Thuý, Trưởng phòng tư vấn và hỗ trợ phát triển thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển – Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, những đứa trẻ sống trong gia đình bạo lực đều bị ảnh hưởng tâm lý, đều bị tập nhiễm hành vi bạo lực hoặc là tập nhiễm hành vi cam chịu. Vấn đề sang chấn tâm lý của những trẻ em này nếu không được giải quyết, thì không những không giúp được gia đình mà trẻ còn có thể làm hại bản thân. Vì nếu trẻ chứng kiến bố đánh mẹ, trẻ vào can ngăn thì bị bố đánh luôn. “Tôi chứng kiến những trường hợp con 20 tuổi rồi mà nghe đến bố là run hết cả lên. Tức là trẻ bị sợ triền miên trong câu chuyện bạo lực gia đình”, bà Thuý cho biết.

Bà Lê Thị Phương Thuý cho biết số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp toàn quốc khi bị bạo hành là 1900969680. Khi nhận được điện thoại, trung tâm sẽ liên hệ yêu cầu chính quyền địa phương để can thiệp kịp thời, giải cứu nạn nhân.
Nguyễn Cảnh

Cũng bục giảng, phấn trắng, cũng dạy từ các lớp i, tờ, cũng cầm tay đưa những nét chữ đầu tiên nhưng học sinh của họ không phải là những em bé đang độ tuổi đến trường mà là những người từng lầm lỗi. Phạm nhân - có người đến khi vào trại mới được cầm bút viết, có người học xong đại học nhưng cần “sửa chữa tâm hồn”. Thầy, cô giáo trong môi trường đó, chính là những cán bộ Công an – những người “chèo đò” trong môi trường đặc biệt này.

Trong Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội; quy định cụ thể các trường hợp vi phạm sẽ bị cắt điện, nước.

Thời gian qua, các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện barie chắn ngang, chặn xe máy vào giờ cao điểm. Được biết, barie này là do người dân trong ngõ bàn bạc lắp đặt, chỉ được hạ xuống vào một khung giờ nhất định (thường từ 7h-8h30), hết giờ cao điểm sẽ được nâng lên nhằm hạn chế tình trạng tắc đường ở khu vực này.

Vào hồi 13h30 ngày 19/11, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ đuối nước xảy ra tại bãi bồi sông Hồng thuộc khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 2. Vị trí tìm thấy tại vị trí hạ lưu, cách cầu phao Phong Châu khoảng 2km thuộc địa phận khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Mỗi quả thận được Ninh mua với giá từ 320 triệu đến 380 triệu đồng và được bán với giá từ với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tùy từng thời điểm. Ngoài ra, Ninh còn trả các khoản tiền chi phí xét nghiệm, làm hồ sơ thủ tục cho bên bán và bên mua thận…

Như nảy sinh ý định giả danh người thân của anh T để mượn tiền của anh H.C.D rồi chiếm đoạt. Để thực hiện ý định trên, Như tìm số điện thoại của anh D và mua 1 sim điện thoại không đăng ký. Sau đó, Như tạo tài khoản Zalo tên là “Trinh Nguyen”, lấy ảnh đại diện từ Facebook Trinh Nguyen (là em ruột của anh T).

Ngoài chuyện tố cáo đến cơ quan Công an vì bị chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì nhiều năm và liên tiếp phản ánh bức xúc đến các cơ quan thẩm quyền về tình trạng chậm được cấp "sổ hồng" cho 930 căn hộ, một vấn đề gay gắt khác giữa cư dân chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh là việc cấp "sổ hồng" riêng cho khu đất thương mại dịch vụ gây bít lối đi chung...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文