Bão số 1 bất thường là dấu hiệu của La Nina

15:11 30/07/2016
GS Phan Văn Tân - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn cho rằng, sự bất thường của bão số 1 vừa qua là dấu hiệu cho thấy La Nina sắp xuất hiện. 


Để làm rõ hơn tính chất bất thường của bão số 1 và chất lượng công tác dự báo khí tượng thuỷ văn ở Việt Nam, PV báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phan Văn Tân – nguyên Chủ nhiệm bộ môn khí tượng thuỷ văn (Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội):

PV: Dư luận cho rằng, công tác dự báo bão số 1 vừa rồi còn kém dẫn đến thiệt hại nặng nề. Ý kiến của ông như thế nào?

GS Phan Văn Tân: Nếu đánh giá một cách khách quan thì chất lượng dự báo khí tượng thuỷ văn hiện nay đã tiến bộ đáng kể so với 10 năm trước nhờ có hệ thống quan trắc cộng với các mô hình máy tính hiện đại. 

Riêng với dự báo bão, kể từ sau cơn bão Chanchu (2006) đã có sự cải thiện rõ rệt về dự báo đường đi của cơn bão. Về cơn bão số 1, tôi cho rằng Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương đã dự báo chính xác, sai số rất nhỏ, trong phạm vi cho phép. 

Chất lượng dự báo có 2 điều cần quan tâm, thứ nhất là quỹ đạo và cường độ bão; thứ hai là hạn dự báo. Bản tin dự báo của Việt Nam đã đảm bảo độ chính xác của quỹ đạo và cường độ bão, thậm chí sai số còn nhỏ hơn nhiều so với sai số cho phép. 

Về hạn dự báo, các quốc gia đều kì vọng dự báo được càng sớm càng tốt, nhưng hiện nay, cả thế giới cũng chỉ có thể cập nhật sớm trước 5 ngày, rồi xuống 3 ngày, rồi 1 ngày. Phổ biến nhất vẫn là 1 ngày bởi vì trong phạm vi 24 giờ là các địa phương có đủ thời gian để triển khai các biện pháp ứng phó nhằm tránh được tổn thất về con người và của cải. 

Trong thời gian diễn ra bão số 1, tôi có đối chiếu thông tin với các Trung tâm dự báo bão quốc tế và ảnh vệ tinh thì thấy bản tin của Việt Nam hoàn toàn phù hợp.

PV: Nhưng phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho rằng vì dự báo sai mà họ bị thiệt hại nghiêm trọng?

GS Phan Văn Tân

GS Phan Văn Tân: Tôi không đồng ý với điều này. Hãy đặt ra câu hỏi, nếu dự báo đúng thì các cột điện của EVN có đổ không? Nếu dự báo đúng mà cột điện vẫn đổ thì lí do là gì? Tôi khẳng định, việc dự báo tốc độ gió giật của bão số 1 là đúng. 

Nếu bão số 1 mạnh đến mức vượt quá dự báo thì dân ven biển sẽ phải hứng chịu mức độ nước biển dâng rất lớn. Nhưng tôi chưa nghe người dân vùng ven biển phản ánh về việc nước biển dâng cao đột ngột. 

Trong cơn bão số 1 vừa rồi, gió giật không mạnh tới mức có thể làm gãy đổ hàng nghìn cột điện nếu chúng được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn kĩ thuật. Ngành khí tượng thuỷ văn không có trách nhiệm trong việc bão số 1 gây thiệt hại nặng nề nếu dự báo của họ không sai. Họ không thể làm cho bão to lên hay nhỏ đi.

PV: Hiện nay trên thế giới, các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản thì sai số trong công tác dự báo có nhiều không, thưa ông?

GS Phan Văn Tân: Sai số trên thế giới có 2 loại: sai số dự báo về quỹ đạo và sai số về cường độ. Trong những năm gần đây, việc dự báo về quỹ đạo gần như đã đạt đến mức ít sai số. Về cường độ hiện vẫn đang là thách thức. Kể cả như Mỹ vẫn có thể dự báo sai tới 2 cấp, trong khi họ chỉ có 5 cấp bão. 

Ở Việt Nam, chúng ta không chia theo cấp bão mà chia theo cấp gió. Nếu chúng ta dự báo sai 1 cấp mà chỉ là cấp gió thì cũng là việc bình thường. Điều đó không có nghĩa là ngành khí tượng thuỷ văn yếu kém.

PV: Tức là nếu dự báo cấp 8 mà thực tế là cấp 9 thì vẫn trong phạm vi cho phép, đúng không GS?

Ninh Bình tan hoang sau bão số 1

GS Phan Văn Tân: Đúng rồi. Chúng ta chỉ phân theo cấp gió, sự chênh lệch sức gió giữa cấp 8 và cấp 9 là không lớn. Khi đo gió trong bão có 2 khái niệm: gió mạnh trong bão và gió giật trong bão. Tôi thấy bản tin dự báo của Việt Nam đã đề cập được cả 2 khái niệm này. Thông thường gió mạnh trong bão gây nên sự đổ đồng loạt, trong khi gió giật thường gây nên đổ cục bộ.

PV: Theo ông, cơn bão số 1 có dấu hiệu gì bất thường không?

GS Phan Văn Tân: Tôi nghĩ dấu hiệu bất thường của bão số 1 nằm ở chỗ, thông thường bão đi với tốc độ như vậy, khi vào tới đất liền sẽ yếu đi ngay, sau đó đi sâu vào đất liền sẽ tan luôn. Riêng cơn bão này, khi vào gần bờ thì dường như chững lại. Quá trình chững lại, cơn bão không yếu đi do một nửa nằm trên đất liền, một nửa nằm trên biển. 

Trong những năm gần đây, cũng có những cơn bão cứ luẩn quẩn ở ngoài biển, gần như đứng yên một chỗ, không di chuyển. Nó bất thường nhưng nằm ngoài khơi xa nên mọi người ít quan tâm hơn trường hợp này ở gần bờ. Năm 2013, với cơn bão Hải Yến, 70% các mô hình trên thế giới đều cho rằng sẽ đổ bộ vào miền Trung Việt Nam. Thế nhưng trên thực tế, bão lại chỉ chạy dọc bờ, không đổ bộ trực tiếp.

PV: Theo ông, công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương đã làm tốt chưa?

GS Phan Văn Tân: Nhiều địa phương còn chưa chủ động, tích cực. Nhiều nơi, người ta thờ ơ với các thông tin cảnh báo thiên tai từ ngành khí tượng thuỷ văn. Ví dụ đơn giản là hiện tượng hạn hán nghiêm trọng vừa rồi, từ giữa năm 2015, ngành khí tượng thuỷ văn đã cảnh báo El Nino sẽ kéo dài nhất trong lịch sử gây ra hạn nặng. Nhưng gần như không nơi nào quan tâm, cho đến khi hạn hán tác động rõ rệt mới nhảy vào chống hạn. Khi đó thì còn chống gì nữa.

PV: Sự bất thường của bão số 1 có phải là dấu hiệu cho thấy La Nina sắp xuất hiện?

GS Phan Văn Tân: Thông thường sau El Nino sẽ có giai đoạn chuyển sang pha trung tính. Giai đoạn chuyển pha đó có thể gây nên tần số bão cao hơn, có thể mưa nhiều hơn. Có nhiều khả năng La Nina sắp xuất hiện. 

Khi đó, ổ bão trên Thái Bình Dương sẽ dịch chuyển về phía Tây, tức là gần phía Việt Nam. Do vậy, xu thế bão sẽ vào biển Đông nhiều hơn. Thông thường mọi năm, cơn bão đầu tiên xuất hiện vào tháng 2-3, năm nay tháng 7 mới xuất hiện là khá muộn.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí truyền thông trong công tác phòng chống thiên tai?

Sức tàn phá của bão số 1

 GS Phan Văn Tân: Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí truyền thông, đặc biệt là trong phòng chống thiên tai. Điều quan trọng nhất của báo chí là giúp người dân biết cách sử dụng các thông tin từ các bản tin dự báo. 

Ví dụ, bão đổ bộ vào Nam Định thì không có nghĩa là chỉ Nam Định bị ảnh hưởng mà phạm vi khoảng 200 km quanh đó cũng bị ảnh hưởng. Nhưng báo chí cũng phải khách quan. Nhiều khi 364 ngày dự báo đúng chỉ 1 ngày dự báo sai thì bị chỉ trích ngay.

PV: Có giải pháp nào để phòng tránh những tổn thất do thiên tai, bão lụt gây ra không?

GS Phan Văn Tân: Đầu tiên là phải giúp người dân hiểu các thông tin dự báo. Thứ hai là nâng cao chất lượng dự báo. Muốn nâng cao chất lượng dự báo thì đội ngũ cán bộ cần phải được đầu tư. Trong những năm qua, hàng loạt cán bộ đã được cử đi đào tạo. Nhưng chế độ ưu đãi hiện nay chưa thu hút được những người giỏi. Với người trẻ, môi trường làm việc quan trọng hơn tiền lương

PV: Hệ thống quan trắc phục vụ ngành khí tượng thuỷ văn hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu chưa, thưa GS?

GS Phạm Văn Tân: Chưa tốt lắm, nhưng so với các nước Đông Nam Á đã tương đối. Tới đây, Ngân hàng Thế giới sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam mạng lưới quan trắc tự động. Lãnh thổ Việt Nam dài theo hướng Bắc  - Nam nhưng lại hẹp theo hướng Đông – Tây. Hệ thống quan trắc trên đất liền dày đặc tới đâu mà trên biển không có thì cũng hạn chế. Nhưng muốn đầu tư thì tiền ở đâu?

PV: Xin cảm ơn GS.

K. Vy

Với 26.000m3 đất nạo vét tại công trình nạo vét cồn đất phía thượng lưu đập La Ỷ (TP Huế, Thừa Thiên Huế) được đổ tại một số điểm ở xã Phú Thượng và phường Phú Mậu (TP Huế) khiến người dân lo lắng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp hiệu quả trong mùa mưa lũ.

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 79 sẽ bắt đầu từ ngày 24/9. với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện tại và mai sau”.

Chiều tối 20/9, khoảng 100 cảnh sát thuộc các lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận do Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận trực tiếp chỉ huy đã tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc của Trần Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Long Thái Việt (ở huyện Hàm Tân).

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua (20/9), khu vực từ Nghệ An đến Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 20/9 đến 3h ngày 21/9 nhiều nơi trên 70mm như: Khe Lá (Nghệ An) 151.6mm, Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 70.8 mm…

Thay vì trả tiền lương cho công nhân thì đối tượng quản lý xây dựng công trình lại trả bằng ma túy. Vụ việc vừa bị Công an huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang phát hiện đấu tranh, triệt phá.

Chiều 20/9, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét hỏi các bị cáo liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Cuối phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ngày 20/9, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt bị cáo Vũ Khắc Duy (SN 1984) 13 năm tù về tội giết người. Nạn nhân trong vụ án này là Nguyễn Thị Nguyệt, chung sống như vợ chồng với bị cáo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文