Bão số 10 càn quét: Nhiều nơi tan hoang, xơ xác

20:04 15/09/2017
Đến 17h chiều nay, Bão số 10 đã giảm cấp xuống còn cấp 9 và di chuyển qua biên giới Việt - Lào. Hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đang mất điện và mất sóng viễn thông. Hàng chục ngàn ngôi nhà bị tốc mái. Bão làm ít nhất 6 người đã chết và mất tích.


Thông tin về cơn bão số 10:

- Cấp độ: 17h, cấp 9 (tốc độ gió khoảng 80 km/h).

- Vị trí hiện tại: vượt qua khu vực biên giới Việt - Lào khoảng 50km.

- Hướng di chuyển của bão: tây tây bắc.

- Thiệt hại: 5 người chết ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

F5 ĐỂ TIẾP TỤC CẬP NHẬT TÌNH HÌNH BÃO SỐ 10...


Chiều nay, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã quay lại vùng bão Hà Tĩnh để thị sát tình hình khắc phục thiệt hại bão số 10 tại tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: vov

Cảnh tan hoang sau cơn bão đi qua. Ảnh vietnamnet

Thừa Thiên - Huế: Hơn 600 nhà bị tốc mái, bờ biển bị xâm thực nặng

Chiều tối 15-9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 nên từ tối 14 đến sáng 15-9, địa bàn tỉnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, lượng mưa từ 160-220mm. 

Đặc biệt trong đêm 14-9 xuất hiện giông lốc khiến 608 nhà dân trên địa bàn tỉnh bị tốc mái, trong đó xã Phong Chương, huyện Phong Điền có 35 nhà; thị xã Hương Thủy 439 nhà (phường Thủy Phương 219 nhà, phường Thủy Dương 210 nhà; Thủy Thanh 10 nhà); TP Huế 15 nhà; huyện A Lưới 115 nhà (xã Đông Sơn 50 nhà; A Đớt 64 nhà và 1 phòng học bị tốc mái).

Bão gây thiệt hại nặng cho tỉnh Thừa Thiên - Huế

Về nông nghiệp, huyện Quảng Điền có 20,6ha rau màu bị thiệt hại; 63ha nuôi trồng thủy sản hạ triều ở huyện Phú Vang bị ngập. Nhiều tuyến bờ biển ở huyện Phú Vang, Phú Lộc bị sóng đánh gây sạt lở nghiêm trọng. Tại thị trấn Thuận An, sóng biển đánh mạnh gây sạt lở 300m, sâu từ 5-7m. Nhiều hàng quán dọc bãi tắm cũ Thuận An bị biển xâm thực.

Tính đến 20h ngày 15-9, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 1 người chết và 1 người bị thương do ảnh hưởng bão số 10. Đó là ông Ngô Văn Hiền (39 tuổi, trú thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) bị nước lũ cuốn trôi khi đi cạo mủ cao su gây tử vong và cháu Nguyễn Như Ý (3 tuổi, trú xã Phong Chương, huyện Phong Điền) bị ngói rơi vào đầu do lốc xoáy tốc mái nhà dẫn đến bị thương. Hiện UBND huyện Phong Điền đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân.

Tại huyện Nam Đông, đất đá ở đường cao tốc La Sơn- Túy Loan bị sạt lở rơi xuống ảnh hưởng đến 12 hộ dân tại khu vực thị trấn Khe Tre.

Bờ biển ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) bị sóng biển xâm thực nặng.

Nghệ An: Tâm bão không đi vào Nghệ An nhưng gió lớn cộng với triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đê biển ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu đứng trước nguy cơ bị vỡ. Các nhà máy thủy điện đã có thông báo xả lũ, chính quyền, lực lượng công an và nhân dân đang tích cực dân đến nơi an toàn.

Tính đến 16h ngày 15-9, thị xã Cửa Lò đã có 1 người chết, đó là trường hợp bà Đào Thị Thức (84 tuổi, trú phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) bị tấm lợp proximang cua gia đình bay trúng người do gió mạnh khiến bà bị thương nặng, dẫn đến tử vong sau đó, hơn 100 kiot dọc bờ biển đã bị tốc mái và hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường của thị xã ngập sâu trong nước.

Các chiến sỹ công an đang khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn

Quảng Trị: Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, bão số 10 đã làm hơn 600 ngôi nhà dân, trường học sập đổ và tốc mái, tập trung chủ tại các huyện ven biển, như: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ, vùng rẻo cao Đakrông. Ngoài ra, các địa phương vùng trung du của các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ có hơn 5000 héc-ta cây cao su bị bật gốc và gãy đổ hàng loạt.

Lực lượng Công an nỗ lực cùng chính quyền và nhân dân gia cố đê 

* Hải Phòng, Quảng Ninh: Triều cường gây ngập lụt cục bộ

Dù không trực tiếp đổ bộ vào Hải Phòng nhưng bão số 10 đã gây ngập lụt tại đảo Cát Hải và khu vực nội thành…

Chiều ngày 15-9, tại huyện Cát Hải, gió to cấp 8 giật cấp 9 và có mưa to làm mất điện trên toàn đảo.

Trước đó gió to kết hợp thủy chiều dâng cao từ 3 - 5 m đã đánh tràn qua tuyến đê của thị trấn Cát Hải. Nước biển tràn vào khu dân cư gây ngập lụt toàn bộ tuyến đường 2B, 2A và các khu dân cư: Tiến Lộc, Hải Lộc. Nước dâng cao từ 30 – 80 cm làm giao thông đi lại ở đây bị ngưng trệ.

Các lực lượng biên phòng, công an, bộ đội, dân quân tự vệ đã khẩn trương xuống khu vực dân cư bị ngập lụt hỗ trợ người dân kê cao các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt gia đình, sơ tán trẻ em, người già phụ nữ mang thai đến nơi cao như: Nhà văn hóa, trụ sở các cơ quan đơn vị.

Triều cường gây sóng lớn ở Đồ Sơn, Hải Phòng

Do ảnh hưởng của bão, sáng nay, tuyến phà bến Gót – Cái Viềng đã ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn. Các phương tiện tham giao thông trên cầu Tân Vũ – Lạch Huyện bị hạn chế đi lại.

Tại Quảng Ninh, vào khoảng 7h00 sáng 15-9, tàu QN 3016 di chuyển từ Tuần Châu về khu vực Nhà máy Đóng tàu Hạ Long để tránh trú bão, theo lệnh của chủ tàu. Đến khoảng 10h20, tàu bị chìm tại thủy diện cầu cảng Ximăng Thăng Long, gần khu vực cảng Cái Lân.  Khi đó trên tàu, có 2 thuyền viên và 2 nhân viên.

Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các lực lượng chức năng kịp thời có mặt, tổ chức cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn. Lực lượng chức năng khẩn trương tiếp cận vị trí tàu đắm, sử dụng tàu lai Cái Lân 8 đón thuyền viên về bờ an toàn, không có thương tích.

TP. Hạ Long đã cấm phương tiện xe máy và xe thô sơ qua cầu Bãi Cháy nhằm đảm bảo an toàn và chỉ cho phép xe ô tô đi qua. Tất cả phương tiện xe máy, xe thô sơ cùng với chủ phương tiện sẽ được xe chuyên dụng của Công ty quản lý cầu Bãi Cháy chuyên trở miễn phí.

Cây ngã đổ, nhà dân bị tốc mái, tan hoang do bão dữ. 
Công an giúp dân lợp lại mái nhà do bão dữ làm thiệt hại.

Tại Thanh Hóa: thông tin từ UBND xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa cho biết tàu TH 9366 TS có công suất 829 CV do anh Nguyễn Văn Tuy làm thuyền trưởng, trên tàu có tổng 10 thuyền viên, xuất bến từ cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào vùng biển Nha Trang (Bà Rịa Vũng Tàu) để đánh bắt thủy hải sản bị mất liên lạc từ ngày 13/9 đến nay.

Hà Tĩnh vào thời điểm 15h: Tại tâm bão thị xã Kỳ Anh, cột truyền sóng của Đài TT-TH thị xã đã bị gãy đổ, nhiều công trình, nhà dân bị hư hỏng nặng, tốc mái hoàn toàn.

Cột phát sóng Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã Kỳ Anh cao gần 100m cũng bị cơn bão quật đổ. 

Đến thời điểm hiện tại ở Hà Tĩnh, bão số 10 đã khiến ít nhất 1 người chết
Một số thùng container, xi-téc bị gió thổi bay ra giữa quốc lộ đoạn qua xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh)

Tại Nam Định: ảnh hưởng của bão số 10, nước biển dâng cao cùng sóng đã đánh tràn qua đê biển Hải Thịnh (Nam Định) gây sạt lở ở một số điểm xung yếu phía bên trong đê. 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ban chỉ huy phòng chống thiên tai của huyện Hải Hậu, các lực lượng biên phòng, thị trấn Thịnh Long cùng lực lượng chức năng đã triển khai các phương án ứng phó, khắc phục sạt lở. Hơn 2.000 nhân khẩu trong vùng ảnh hưởng đã được di dời đến nơi an toàn.

Sóng cao tràn qua đê gây ngập nhiều nơi ở Nam Định

Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): mưa to, gió giật mạnh. Thủy triều và nước tại các con sông Hàu, Mai Giang ở các xã Quỳnh Tiến, An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thanh... tiếp tục dâng cao. Sóng vỗ mạnh khiến nhiều tuyến đê xung yếu trên địa bàn các xã này có nguy cơ vỡ. Người dân cùng chính quyền địa phương đang tích đóng cọc gỗ, đắp đất, đổ đá... gia cố.

Người dân xã Quỳnh Thanh gia cố đê trước nguy cơ nước sông Mai Giang tràn qua gây ngập lụt. Ảnh: Pháp Trần.
Khu vực xóm Tân Thịnh, xã An Hòa ngập sâu trong nước. Ảnh: Quốc Việt.

Khoảng 14h chiều, Quốc lộ 1A đoạn qua xã Thanh Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, bốn cột bê tông của đường điện trung thế đổ kéo theo khoảng 50m dây điện sà xuống ven quốc lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Quảng Bình mất điện trên diện rộng. 

Đường điện trung thế đổ ở Quảng Bình. Ảnh: Vne

Tâm bão nằm ngay khu vực các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15.

Vùng tâm bão là phía nam Đèo Ngang, nối liền 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14, Cửa Việt (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 11, giật cấp 15; TP Đồng Hới (Quảng Bình) gió giật cấp 12.

Hình ảnh tan hoang và cảnh ngập lụt ở Quảng Bình. Ảnh: zing.vn

Theo dự báo, khu vực bão đổ bộ sẽ còn có gió mạnh duy trì trong nhiều giờ nữa, sau đó cường độ gió sẽ giảm dần.

Đến 16h chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ vĩ bắc và 105,6 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

Sóng biển tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) cao từ 2-3m

Tại Hà Tĩnh: 

Tại Hà Tĩnh, bãi biển Thiên Cầm bão vẫn đang gào thét mịt mù, cây cối nghiêng ngả, nhiều ngôi nhà bị tốc mái.

Vùng biển Cửa Nhượng, thị trấn Thiên Cầm bão vẫn đang quần thảo rất mạnh, chưa có dấu hiệu giảm cường độ. Mưa lớn kéo dài trong vòng hơn 1 đồng hồ khiến nhiều khu vực ngập nặng.

Theo lãnh đạo địa phương, trong thời điểm bão giật mạnh, lực lượng chức năng tại chỗ vẫn luồn qua các khu vực dân cư nắm tình hình thiệt hại về nhà cửa để thông tin kịp thời cho hàng ngàn hộ dân đang đi tránh bão.

Ông Phạm Văn Đức, cán bộ Cảng vụ Hà Tĩnh đang có mặt tại Trung tâm điều hành Cảng vụ Sơn Dương cho hay, qua kiểm tra thiết bị đo gió của công ty Formosa, hiện vùng biển Sơn Dương gió đã giật tới cấp 12, dao động khoảng 25-30m/s. Đặc biệt có những thời điểm lên tới 40m/s, tương đương sức gió cấp 14.

Cổng chào ở TP Đồng Hới bị quật ngã. Ảnh: vov
Đà Nẵng cho học sinh, sinh viên nghỉ học

Trưa ngày 15-9 Sở GD- ĐT TP. Đà Nẵng cũng đã phát đi thông báo khẩn, cho học sinh, sinh viên nghỉ học buổi chiều 15-9.

Theo đó, tất cả các đơn vị trường học phải thông báo đến phụ huynh, học sinh, sinh viên (HS, SV) nhất là HS, SV học khối buổi chiều ở các khối học 1 buổi/ngày. Đối với các trường bán trú, nhà trường phải giao HS cho phụ huynh sau buổi học sáng ngày 15-9 để đảm bảo an toàn.

Ngành giáo dục cũng lưu ý trong lúc mưa bão, HS, SV thực hiện tốt trật tự an toàn giao thông, nhất là những đoạn ngập nước, có công trình cầu cống đang thi công, không an toàn.

Theo thông báo thì các trường học có lịch học ngày thứ Bẩy (16-9), HS, SV đi học lại bình thường. Trong trường hợp diễn biến cơn bão phức tạp, ảnh hưởng đến Đà Nẵng, Sở sẽ có thông báo khẩn tiếp theo.
Ngành giáo dục cũng lưu ý trong lúc mưa bão, HS, SV thực hiện tốt trật tự an toàn giao thông, nhất là những đoạn ngập nước, có công trình cầu cống đang thi công, không an toàn. Theo thông báo thì các trường học có lịch học ngày thứ 7 (16.9), thì HS, SV đi học lại bình thường. Trong trường hợp diễn biến cơn bão phức tạp, ảnh hưởng đến Đà Nẵng, Sở sẽ có thông báo khẩn tiếp theo.

Đê sông Mai Giang (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) có nguy cơ bị vỡ (Ảnh: Phạm Cảnh, Báo Dân trí)

Có mặt tại khu kinh tế Vũng Áng, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, bão đổ bộ Hà Tĩnh thay đổi xu hướng gió liên tục, ban đầu từ biển đổ vào nhưng hiện tại quật từ đất liền ra biển. Với tình trạng này, bão sẽ tan chậm. Ông khuyến cáo người dân không nên ra đường từ giờ đến hết chiều.

Trước đó vài giờ, người dân xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, phát hiện anh Trần Văn Lập (30 tuổi) tử vong tại một nhà hàng ở khu du lịch trên địa bàn. Kiểm tra hiện trường, nhà chức trách nhận định có thể trong quá trình chống bão cho nhà hàng, anh Lập bị gió bão thổi, ngã trượt chân gây tử vong.

Một mái tôn bị bão thổi bay. Ảnh: vtc
Sóng cao 10m ở bãi biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh. Ảnh: vietnamnet

Máy bay hủy chuyến, đường sắt dừng tàu

Trong ngày 15-9, Vietnam Airlines đã huỷ 12 chuyến bay trên các đường bay giữa Hà Nội/Tp. Hồ Chí Minh – Vinh/Đồng Hới/Thanh Hóa. 

Trước đó vào chiều muộn ngày 14-9, đã có hơn 20 chuyến bay bị ảnh hưởng. Dù các sân bay Đà Nẵng, Huế sẽ được VNA khai thác lại trong chiều 15-9,  song tại các sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vietnam Airlines dư kiến  sẽ tiếp tục không khai thác đến hết ngày 15-9. 

Cùng ngày, VietJet cũng đã phải ngừng khai thác tổng cộng 28 chuyến bay đi và đến các sân bay khu vực miền Trung do ảnh hưởng của cơn bão.  Ngoài ra, VietJet cũng cho biết, nhiều chuyến khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền, điều chỉnh lịch bay.

Lãnh đạo Tổng Công ty vận tải đường sắt cũng cho hay, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, hàng hóa Tổng công ty đã thực hiện việc dừng một số đoàn tàu để tránh đi vào vùng tâm bão. 

Cụ thể như sau: Trong sáng 15-9, ngành đường sắt đã dừng 2 tàu khách SE3 tại ga Mỹ Đức, tàu SE6 tại Ga Đông Hà; Dừng 5 tàu hàng: ASY1 (dừng ở ga Vinh); AH1 (dừng ở ga Thanh Hóa); SH3 (dừng ở ga Phúc Trạch); HH8 (ga Sa Lung); SH4 (dừng ở ga Hiền Sĩ). 

Chiều 15-9, ngành đường sắt tiếp tục dừng tàu SE7 dự kiến 12h tại ga Vinh; Dừng tàu SE5 dự kiến 15h tại ga Vinh; Dừng tàu SE10 dự kiến 12h30 tại ga Huế.; Dừng tàu SE2 dự kiến 12h30 tại ga Đà Nẵng. Dừng tàu SE4 dự kiến 14h tại ga Đà Nẵng. 

Trong thời gian dừng tàu tránh bão, hành khách sẽ được phát suất ăn và nước uống miễn phí trên tàu.  Nếu hành khách không tiếp tục hành trình đi tàu sẽ làm thủ tục trả vé tại các nhà ga và các điểm bán vé. Ngành đường sắt sẽ hoàn lại nguyên tiền vé cho hành khách.


Lực lượng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh dọn dẹp cây đổ đảm bảo TTATGT. Ảnh: Hoàng Anh

Tại địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), mưa rất to, gió giật rất mạnh cấp 14, cấp 15. Gió mạnh đã khiến tháp đài truyền hình thị xã Kỳ Anh cao 100m bị đổ sập hoàn toàn. Hiện chưa thể thống kê con số thiệt hại cụ thể. "Đây là cơn bão lớn nhất từ mấy chục năm trở lại đây. Thiệt hại chắc chắn sẽ rất lớn" một cán bộ thị xã Kỳ Anh cho biết.

Quãng đường từ xã Cẩm Nhượng, qua thị trấn Thiên Cầm, đến Cẩm Dương, Cẩm Hòa của huyện Cẩm Xuyên. Cây cối bị bão quần nát, gãy đổ ở nhiều nơi. Hiện nhiều tuyến đường việc đi lại là rất khó khăn do mái tôn, cây cối bị đánh bay, gãy đổ chấn ngang đường.

Nhiều khách sạn, nhà nghỉ tại Thiên Cầm bị tốc mái, cây cối trong khuôn viên bị gãy đổ. Do gió lớn nên dù đã cắt cử bảo vệ, nhân viên túc trực trông coi, nhưng lực lượng này thực sự bất lực trước gió bão.

Bãi biển khu vực Fomorsa xơ xác vì bão

Tại Quảng Ngãi:  Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến 8 giờ sáng nay (15-9), 4 tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị sóng đánh chìm khi đang trên đường tránh bão số 10.

Tại Quảng Trị: Lúc 11h15’, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, gió bão quét qua Quảng Trị thời điểm mạnh nhất vào khoảng 10-11h trưa 15-9. Bão số 10 đã làm sập hoàn toàn 5 nhà dân ở các xã A Ngo, Đakrông và Ba Lòng, huyện rẻo cao Đakrông; làm tốc mái nặng 84 nhà dân khác, trong đó ở Đakrông có tới 79 nhà; Gio Linh 5 nhà; còn các địa phương ven biển huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ chưa cập nhật được nhưng thiệt hại theo thông tin ban đầu là khá nặng, số nhà bị tốc mái và bị sập có thể lên đến hàng trăm nhà.

Sóng biển đánh tan xưởng sửa chữa thuyền của một người dân ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ảnh: vnn

* Tại Thanh Hóa:

Mặc dù tâm bão đi vào Hà Tĩnh- Quảng Bình nhưng tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), sóng biển dâng cao, tràn ngập đường Hồ Xuân Hương kèm theo đất đá, cát sỏi.

Tại Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, sóng biển cao từ 2 - 3 m, nhiều đoạn nước biển tràn lên đường Hồ Xuân Hương. Ngành chức năng phải đổ đá kè lại một số điểm để ngăn nước biển tràn vào.

Nhiều bè mảng của ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá do không có nơi tránh trú bão nên đã bị sóng lên kéo ra biển. Hiện bà con ngư dân đang cố gắng để kéo bè mạng lại không để trôi ra biển.

Bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các ban, ngành đã có mặt tại Sầm Sơn thị sát, nắm bắt tình hình diễn biến cơn bão để có biện pháp xử lý.

Bờ biển Thanh Hóa. Ảnh: vnn

Lúc 22h ngày 14-9, bão số 10 còn cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh - Quảng Bình khoảng 310km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 đến 135 km/giờ), giật cấp 15 và tiếp tục mạnh thêm với vận tốc 20-25km/h theo hướng Tây Tây Bắc. Sáng 15/9, tâm bão số 10 chỉ còn cách Đèo Ngang (Quảng Bình) khoảng 120 km.

Mưa ngập đường và cây đổ ở Cửa Lò, Nghệ An. Ảnh: dân trí
Bão giật đổ nhà ở Quảng Bình. Ảnh: vov

Cùng thời điểm này, do ảnh hưởng của hoàn bão số 10, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi và đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) đã có gió giật cấp 9, Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật cấp 7.

Đến 4h sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Nghệ An - Quảng Trị khoảng 170km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão tăng lên cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh thu dọn cây ngã đổ, đảm bảo TTATGT. Ảnh: Hoàng Anh
So sánh trường gió bão số 10 và siêu bão Talim đang đổ bộ vào Nhật Bản, Trung Quốc

Khoảng 10h sáng nay, bão số 10 sẽ nằm trên bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng trị với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Trên đất liền, từ sáng sớm nay, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 7-9, gần trưa tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4). Các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12.

Trưa và chiều nay bão sẽ đổ vào Nghệ An - Quảng Trị

Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 (cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3).

Trên biển, từ đêm qua, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 8-9, đến gần sáng nay tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4).

Vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (bao gồm đảo Hòn Ngư), khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sáng và trưa nay tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4).

Khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày nay có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3).

Lưu ý, sóng ngoài khơi vùng tâm bão số 10 cao trên 10m, vùng ven bờ 5-6m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng bão có khả năng cao trên 1m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2m.

Hiện tại các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đã có mưa lớn. Mưa sẽ còn tiếp diễn từ Nghệ An - Quảng Ngãi đến hết đêm nay với lượng 100-300mm, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm.

Khu vực Thanh Hóa và các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La cũng có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150mm, có nơi trên 200mm) trong hôm nay và ngày mai.

B.Châu - Th.Bình - A.Khoa - M.Tâm - H.Thu - N.Thi- T.Huyền - V.Thịnh- V.Huy

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文