Bảo vệ trẻ em khỏi tác động của công nghệ số

07:36 02/06/2019
Ngày nay, internet đã có mặt ở khắp các công sở, nhà hàng, từng gia đình. Ở bất cứ đâu, không khó để bắt gặp hình ảnh một cô bé hoặc cậu bé ngồi chăm chú cầm chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng để chơi, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Internet, công nghệ số gắn liền với trẻ em khi thời thơ bé và cũng khó có thể tách rời các em khi trưởng thành.


Điều này không có gì lạ, bởi Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, với trên 50 triệu người dùng (Theo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc công bố).

Không thể phủ nhận vai trò và lợi ích của internet và công nghệ số trong việc hỗ trợ giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, "mặt trái" của internet cũng mang lại những thách thức không nhỏ trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Bảo đảm quyền của trẻ em về mọi mặt

Luôn đặt trẻ em là trung tâm của sự phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em từ rất sớm. Đây là văn kiện quan trọng nhất về quyền của trẻ em trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người. 2019 là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em, cũng là năm thứ 3 Luật Trẻ em được ban hành, thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2004.

Trẻ nghiện game đang là nỗi lo của các bậc phụ huynh.

Sẵn sàng cho thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, bên cạnh việc tham gia Công ước về quyền trẻ em, ký kết các Nghị định thư liên quan, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cũng như quyền bảo đảm các hoạt động riêng tư, quyền tiếp cận thông tin... của trẻ em. 

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em... 

Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư... 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật. 

Việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm. 

Ngoài ra, để đảm bảo thực thi các chính sách về trẻ em, Chính phủ đã ban hành Nghị định Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cũng giải thích rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em...

Nghị định số 56/2017/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, các tổ chức hoạt động vì trẻ em có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần được phổ biến kỹ năng về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em để thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật.

Nhiều "hệ lụy" khi trẻ em tiếp cận internet sớm

Hệ thống pháp luật đã tương đối đầy đủ nhưng công tác thực thi để bảo đảm an toàn của trẻ em trước những thông tin thiếu lành mạnh, không an toàn hiện nay đang là thách thức không nhỏ. Là nhân viên ngân hàng, chị P. không có nhiều thời gian để chăm sóc cậu con trai mới lên ba, vì vậy, chị đành nhờ cậy đến người giúp việc gia đình. 

Để tiện cho việc dỗ con, chị dành hẳn chiếc ipad cho con chơi. Nhờ có chiếc máy tính bảng với nhiều chương trình hấp dẫn, chị P không phải lo con chạy lung tung, nguy hiểm, còn người giúp việc có thể rảnh tay làm công việc gia đình. 

Tuy nhiên, thời gian sau, chị thấy con trai có biểu hiện ít nói, hay cáu bẳn, thậm chí không quan tâm đến những lời người khác gọi. Chị đưa con đi khám và được bác sỹ chẩn đoán: con đã mắc chứng bệnh tự kỷ, giảm chú ý... Đây chỉ là một trong những vấn đề trẻ em phải "đối mặt" khi sử dụng internet quá sớm.

Không chỉ vậy, nhiều em bị hội chứng nghiện điện thoại thông minh, nghiện chơi game online... dẫn đến bị ảo giác, gây ra tổn hại về cả thể chất và tinh thần, khó hồi phục. Tiếp xúc với internet khi không có sự kiểm soát của người lớn, các em còn dễ bị lôi kéo "chạy" theo các thần tượng ảo, tham gia các trào lưu xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. 

Điển hình như thời gian qua, giới trẻ "phát cuồng" tung hô nhân vật giang hồ "ảo" Khá Bảnh với những clip, livestream nói tục, chửi thề... trên mạng xã hội. Đã có hàng triệu lượt người theo dõi trang Facebook và chia sẻ trang Youtube của Khá Bảnh; học sinh một số trường vây quanh chào đón, chụp ảnh, xin chữ ký với Khá Bảnh giống như cách tung hô một ngôi sao thời thượng... Hay như những hình ảnh bạo lực học đường được rất nhiều người like, comment, share ở khắp nơi để lên án nhưng vô hình trung tạo ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều em nhỏ.

Điều đáng nói là bản thân các em, thậm chí là nhà trường, gia đình chưa biết hết, cụ thể các kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet. Có trường hợp bố, mẹ đưa hình ảnh con lên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter...) kèm theo thông tin về địa chỉ gia đình, trường lớp; nhiều trường học, trung tâm tiếng Anh, trang mạng xã hội... sử dụng hình ảnh trẻ em để quảng cáo, kèm theo thông tin cụ thể, dù chưa được sự đồng ý của gia đình... Điều này cũng vô tình tạo "kẽ hở" cho kẻ xấu có thể lợi dụng, theo dõi, bắt cóc trẻ em...

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, điều cần thiết là nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, gia đình và chính trẻ em về những tiêu cực, rủi ro có thể gặp phải khi các em tương tác trên môi trường mạng bằng các thiết bị sử dụng công nghệ số.

Theo đó, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Trẻ em cần được hướng dẫn cụ thể việc tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Điều này đòi hỏi mỗi gia đình, nhà trường cần tiếp tục nâng cao nhận thức những rủi ro của môi trường mạng; quan tâm, trao đổi, hướng dẫn trẻ em sử dụng các công nghệ, kỹ thuật số an toàn... Để những câu chuyện "ảo" không bị đẩy đi quá xa trên mạng xã hội, để không vì môi trường thông tin bị ô nhiễm trên mạng xã hội có thể gây nên những tai họa và "tai nạn thật " cho trẻ em, đã đến lúc việc giáo dục, phổ cập kỹ năng tham gia mạng xã hội phải được đặt ra một cách bài bản và chính thống cho tất cả các em.

Phúc Hằng

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文