Biển xâm thực khiến đê phòng hộ bị uy hiếp
- Biển xâm thực đe dọa cuộc sống hàng trăm hộ dân
- Đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng xây dựng hệ thống kè ngăn biển xâm thực
- Dồn sức ngăn biển xâm thực ở Cửa Đại
Toàn tuyến đê biển Tây của Cà Mau có chiều dài khoảng 108km với thảm rừng phòng hộ dày hơn một km để che chắn sóng gió. Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng ngàn hộ dân sống dọc theo chân đê rất lo lắng trước tình trạng vùng biển này ngày càng ít được bồi đắp. Kèm theo đó là sóng lớn, thủy triều “lộng hành” trong mùa mưa bão đã cuốn trôi hàng ngàn ha đất rừng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mỗi năm trung bình thảm rừng ven biển Tây (Cà Mau) bị cuốn mất khoảng 50m lấn sâu vào bên trong. Cá biệt, nhiều đoạn mất khoảng 10m/tháng. Tại đoạn đê thuộc ấp 11, xã Khánh Tiến (huyện U Minh), chúng tôi ghi nhận sự “gặm nhấm” của biển đối với phần đê này.
Ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để tránh tình trạng vỡ đê. |
Anh Lê Ngọc Huỳnh, cán bộ quản lý đê (thuộc Hạt Quản lý đê Cà Mau) tại đây cho biết: “Vào năm 2012, vạt rừng nơi đây kéo dài ra ngoài khoảng 200m. Nhưng mỗi năm biển cứ lấn dần vào, đến nay đã cuốn mất rừng, sóng biển đánh vào tới chân đê. Nhiều hộ gia đình sống gần đây đã phải dọn nhà đi nơi khác. Cách nay 2 tháng, vùng biển này động mạnh, mưa gió liên tục… khiến một số kè đá nằm ở chân đê có thể bị cuốn ra biển bất cứ lúc nào. Thời gian qua, do ảnh hưởng liên tục của những cơn bão, tình trạng sạt lở rất nhanh. Đặc biệt đoạn rừng giao giữa ấp 10 và ấp 11 (xã Khánh Tiến), mỗi tháng tôi đo đạc mất khoảng 10m rừng”.
Ghi nhận tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), đoạn đê của xã này dài khoảng 4km, là một trong những đoạn bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng của Cà Mau. Năm 2015, mặc dù lực lượng chức năng đã khẩn trương làm kè tạm bảo vệ chân đê, nhưng do mưa bão lớn nên có những nơi diện tích rừng chỉ còn vài mét.
Bà Lê Kim Thái (người dân địa phương) cho biết: “Thời gian, diện tích đất bị biển “cướp” ngày càng nhanh hơn. Nửa tháng trước vạt rừng phía sau nhà tôi còn khoảng 20m. Nhưng cơn bão số 7 vừa qua, kết hợp với đợt thủy triều dâng lên, sóng đánh dữ dội khiến phần rừng sau nhà tôi và nhiều đoạn khác bị mất hết. Số cây đước, cây mắm hôm nào giờ cũng bị biển đánh tơi bời”. Thay vào ngàn cây mắm, cây đước là hàng kè bản nhựa. Chỉ riêng đoạn Kênh Mới – Kênh Tám (xã Khánh Bình Tây) dài khoảng 1.500m nhưng đã có hơn 500m kè tạm để bảo vệ đê.
Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Cà Mau, cho biết: “Do ảnh hưởng của cơn bão số 7, biển động mạnh, sóng lớn đánh làm vỡ nhiều đoạn kè. Chúng tôi thường xuyên nhận được tin báo của của cán bộ chốt địa bàn và người dân về tình trạng vỡ kè”.
Theo ông Đông, đoạn sạt lở nghiêm trọng là tại ấp Thời Hưng (xã Khánh Bình Tây) đã được tỉnh Cà Mau cho triển khai làm kè ngầm tạo bãi khẩn cấp để bảo vệ đê. Tuy nhiên, thời gian gần đây thời tiết cực đoan gây rất nhiều khó khăn trong việc thi công. Hiện nay, đơn vị thi công đang tạm nghỉ đợi biển lặng mới làm được.
Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, từ năm 2010 đến nay, tình trạng sạt lở của vùng biển Tây xảy ra liên tục. Trung bình, mỗi năm toàn tuyến bị mất khoảng 50m rừng phòng hộ ăn sâu vào đất liền.
Hiện nay, có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng nhất, uy hiếp đê phòng hộ gồm: Đoạn Đá Bạc – Kinh Mới (xã Khánh Bình Tây); Hương Mai – Tiểu Dừa; Ba Tỉnh – Khánh Hội (xã Khánh Tiến). Tại những điểm trên sạt lở nghiêm trọng, tỉnh đã triển khai được gần 7km kè ngầm tạo bãi và hiện đang tiếp tục triển khai.