Nét đẹp đầu năm của người Việt: Cho chữ xin chữ

10:01 16/02/2018
Mỗi độ xuân về, Tết đến - khi những nụ đào chúm chím, cành mai khoe sắc, “phố ông đồ” nơi Hồ Văn, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa – Hà Nội) lại tấp nập người cho, xin chữ. Nét đẹp văn hóa ấy đã và đang tô đẹp thêm bức tranh mùa xuân lung linh sắc màu của người Việt.


Lâu nay, nhiều người vẫn thường gọi khu Hồ Văn, điểm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám là “phố ông đồ”. Bên những bức tường cổ kính nơi khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các “ông đồ” – hay còn gọi là những thư pháp gia trong trang phục khăn xếp, áo dài nhập tâm vào những nét bút “phượng múa rồng bay” viết con chữ trên nền giấy dó, giấy điệp.

Đến với “phố ông đồ” Hồ Văn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám để xin chữ, không chỉ có bậc cao niên mà còn có cả các nam thanh, nữ tú, đang độ tuổi đến trường. Mọi người đến đây để gửi gắm những tâm tư cho một mùa xuân mới.

Anh Phạm Sĩ Tới, 55 tuổi, nhà ở phố Kim Mã (quận Ba Đình – Hà Nội) bảo rằng, 4-5 năm nay, năm nào vào dịp Tết Nguyên đán, bác và người thân lại đến khu Hồ Văn, điểm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám xin chữ, treo trong nhà với mong muốn bản thân và gia đình bình an trong năm mới.

Những ông đồ trên phố Hồ Văn (ảnh X.Trường)

Tục cho chữ, xin chữ ngày đầu xuân tựa một nét đẹp của người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt nói chung đã tự lâu. Đây tựa món quà văn hóa tinh thần có ý nghĩa sâu sắc. Nó khiến con người ta hướng đến các giá trị “chân – thiện – mỹ” trong cuộc sống.

Không khí rộn rã nơi “phố ông đồ” – Hồ Văn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những minh chứng cho phong tục đẹp của người dân Thủ đô nói riêng và người Việt nói chung trong dịp Tết Nguyên đán. Đến với “phố ông đồ”, người xem sẽ được thưởng thức một không gian giao lưu văn hóa giàu ý nghĩa.

Là người cho chữ ở khu vực di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ năm 2005, ông Nguyễn Vũ Hợp, 72 tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật thư pháp Hương Nam (Hà Nội) chia sẻ, ông và hơn 20 thành viên trong câu lạc bộ từ lâu đã coi nơi đây như là điểm đến của sự sinh hoạt, giao lưu văn hóa thông qua việc cho chữ, viết chữ thư pháp vậy.

Trước đây, ông ngồi viết chữ ở vỉa hè phố Văn Miếu. Năm 2014, ông cùng các thành viên trong câu lạc bộ đã di dời đến khu vực Hồ Văn.

Ông Hợp bảo rằng: “Với những nhà thư pháp như ông, viết chữ, viết câu đối ở đây vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền không chỉ là để tặng người xin chữ, mà qua từng nét chữ, từng con chữ Hán, chữ Nôm, câu đối còn muốn truyền lại và hướng dẫn cho người đi xin chữ đến với cảm thụ thư pháp, hiểu thêm ý nghĩa của từng con chữ, của việc xin chữ là thế nào?

Chứ không phải cứ thấy ai xin chữ gì là mình lại xin chữ đấy!”. Bởi vậy, ẩn sau mỗi nét thư pháp thể hiện con chữ là sự tài hoa, khéo léo, thổi “hồn” dân tộc trên từng trang giấy gió, giấy điệp của các thư pháp gia.

Nơi “phố ông đồ” Hồ Văn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám tấp nập trong những ngày xuân. Du khách đến đây còn thấy hình ảnh những thư pháp gia trẻ tuổi, ăn vận tân thời đang thả hồn theo những nét chữ thảo, chữ lệ, chữ chân…

Nhiều bạn trẻ lứa tuổi 8X, 9X đến với thư pháp Hán Nôm, thư pháp Việt như một cơ duyên. Cũng chính cơ duyên ấy đã giúp những nét chữ mà bản thân thể hiện trên nền giấy dó, giấy điệp trở nên có hồn hơn bao giờ hết.

Anh Lê Phương Duy, 31 tuổi, giảng viên Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà thư pháp trẻ được nhiều người biết đến khi tới khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong những ngày xuân.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ông là “ông đồ” Nho dạy chữ trong làng, anh được ông dạy chữ Hán, chữ Nôm ngay từ những năm học cấp 2. Lên cấp 3, vào các dịp ở quê Bắc Ninh có hội lớn như: Hội Lim, hội Chùa Phật Tích…, anh lại có mặt viết thư pháp Hán Nôm tặng bà con.

Chính niềm đam mê ấy đã thôi thúc anh sau này đăng ký và thi đỗ vào chuyên ngành Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Để rồi giờ đây, ngoài những giờ lên lớp giảng bài, anh vẫn thường viết chữ, viết câu đối tặng người thân trong dịp đầu xuân, năm mới.

Sắc xuân đang lan tỏa nơi các phố, phường Hà Nội. Người người lại lục tục rủ nhau đến khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám để xin chữ cầu lộc, cầu bình an. Những “ông đồ” thời hiện đại lại thổi hồn qua từng nét chữ. Một nét văn hóa làm say lòng người.

Trần Quang

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文