Cá Hồ Tây tiếp tục chết ồ ạt
- Cá chết nổi trắng trên Hồ Tây
- Xác định nguyên nhân ban đầu gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây1
Trưa 3-10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo xử lý thu gom, điều tra nguyên nhân cá chết bất thường.
Theo ông Chung, UBND TP đã huy động tất cả các lực lượng, kể cả tàu thuyền của lực lượng phòng chống lụt bão vào đây để thu gom cá chết trên hồ Tây.
“TP sẽ tiếp tục huy động các lực lượng thu gom cá đã chết. Từ hôm qua đến nay đã thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm, bơm sục ôxy thì lượng cá chết đang vớt là từ trước, không có cá chết mới”, ông Chung cho biết.
Trước đó, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, kết quả kiểm tra nhanh (test nhanh) cho thấy toàn bộ nước mặt của Hồ Tây không có ôxy, chỉ số ôxy = 0.
Hà Nội cũng đã lập Ban Chỉ huy xử lý sự cố và khẩn trương triển khai 7 biện pháp cấp bách, trong đó có việc bố trí 10 máy lọc nước tạo ôxy đưa vào hoạt động trên mặt hồ, tiến hành mua, bổ sung thêm máy đảm bảo tạo ôxy để cứu số cá còn sống ở các tầng nước sâu.
Xác cá tiếp tục nổi trắng Hồ Tây. |
Liên quan đến việc lấy mẫu cá và nước Hồ Tây để xét nghiệm, ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin thêm, Chi cục đã lấy mẫu cá chết và mẫu nước tại Hồ Tây để xét nghiệm, tìm nguyên nhân chính xác khiến cá Hồ Tây bị chết hàng loạt những ngày qua. Dự kiến, trong vài ngày tới sẽ có kết quả phân tích và công bố nguyên nhân cho người dân biết.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Bùi Quang Tề, chuyên gia đầu ngành về thủy sản cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây những ngày qua là do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, ông Tề nhấn mạnh, nguyên nhân lớn nhất là do nước trong Hồ Tây đã bị ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép.
“Các nguồn nước thải như nước thải sinh hoạt tại các hộ dân, các khu đô thị lớn ven Hồ Tây; nước thải từ các nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí ven Hồ Tây đổ thẳng vào hồ với lượng lớn sẽ kiến hàm lượng NH3 tăng cao. Việc thiếu ôxy chính là nguyên nhân khiến cá chết.
Thông thường, nếu đủ ôxy, ammoniac sẽ được ôxy hóa tiếp sang Nitrit (NO2), nếu đủ ôxy nữa thì từ Nitrit ôxy hóa tiếp thành Nitrat (NO3) thì nước lại không độc. Cũng có thể xét đến hiện tượng tảo nở hoa nhưng tôi cho rằng, thiếu ôxy để phân hủy các chất hữu cơ là nguyên nhân là chính”, TS. Bùi Quang Tề nhận định.
Cũng có ý kiến cho rằng, nước trong Hồ Tây bị ô nhiễm nặng là do việc thi công mương dẫn nước thải ở Thụy Khuê đã cản đường dẫn nước thải sinh hoạt của các hộ dân, khiến lượng nước thải này chảy ngược về hồ. Cùng với đó là do lượng tảo trong hồ những ngày qua bị chết, phân hủy mạnh đã lấy mất khí ôxy trong hồ.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia phủ nhận nguyên nhân cá chết do thời tiết thay đổi bất thường: “Thời tiết từ đầu năm 2016 đến nay ở miền Bắc (trong đó có Hà Nội) đều có hình thái chung là ít nắng nóng, mưa nhiều liên tục, nhiệt độ trung bình đều ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Còn đối với nắng nóng thì mùa nóng năm 2016 được cho là khá mát mẻ. Tất cả các tham số về thời tiết mà Trung tâm quan trắc từ đầu năm tới nay đều khá ổn định”.
Ông Hải đề nghị các nhà khoa học và cơ quan chức năng nên trọng tâm nghiên cứu về yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân khiến cá Hồ Tây chết hàng loạt.
Về biện pháp xử lý ô nhiễm Hồ Tây, TS Bùi Quang Tề đề xuất: “Vấn đề xử lý nước thải đổ vào hồ đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng chưa làm được. Đến nay, thành phố Hà Nội phải làm quyết liệt, xử lý nước thải không cho đổ trực tiếp vào Hồ Tây, nếu không sẽ còn tái diễn những đợt cá chết trắng như thế này”.
Để khắc phục hiện tượng ô nhiễm hiện nay, ông Tề đề nghị, sau khi dọn dẹp sạch sẽ lượng cá chết ở hồ, thì dùng máy bơm quạt để bơm ôxy vào hồ. Tuy nhiên, do Hồ Tây quá rộng (khoảng 500ha) nên sẽ không thể triển khai trên toàn bộ diện tích hồ mà nên khoanh thành từng vùng nhỏ, thu hút cá về khu vực có ôxy.