Cả làng đều làm thơ

08:07 16/03/2015
Có lẽ làng Chùa (làng Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là ngôi làng còn lại duy nhất ở Việt Nam có nhiều “thi sĩ” đến vậy! Từ những em nhỏ đến các cụ già trên 90 tuổi đều yêu thơ và có thể làm thơ. Họ ngâm thơ mọi lúc, mọi nơi, khi đi làm đồng, lúc ngồi tán chuyện, khi vui hội chơi xuân và ngay cả khi dạy bảo, giáo dục con cái...

Cả làng yêu thơ

Chúng tôi về làng Chùa – một ngôi làng nhỏ hiền hòa và thơ mộng  nằm ven đê con sông Đáy, ngôi làng của những người yêu thơ vào một ngày mưa bụi giăng giăng. Làng Chùa có 800 hộ, gần 1.300 nhân khẩu. Đối với người dân nơi đây, thơ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, nó như cơm ăn, nước uống  nuôi dưỡng đời sống văn hóa của những con người tưởng như cả một đời chỉ biết đến đồng ruộng nơi thôn quê. Thơ của người làng Chùa xuất phát từ những mong muốn, ý nghĩ của người dân.

Qua sự giới thiệu của người dân trong làng, chúng tôi tìm gặp ông Lê Xuân Sủng, Hội trưởng hội thơ làng Chùa. Trên đường đến nhà ông Sủng, tôi rất bất ngờ bởi những tấm biển hiệu treo trên đường làng đều được viết bằng thơ. Gặp chúng tôi, ông Sủng rất niềm nở và nhiệt tình đọc cho nghe một đoạn thơ: “Thơ làng chân chất mà hay/ Câu, từ mộc mạc mà say lòng người/ Hồn thơ từ đất sinh sôi/ Ý thơ từ lúa ngô khoai đậu cà/ Hương thơ từ lá từ hoa/ Lời thơ bay bổng vang xa khắp miền...”. Ông nói đây là một đoạn trong bài “Thơ làng Chùa”. Chính nhờ những bài thơ như thế này mà người dân làng Chùa cảm thấy vui vẻ, yêu cuộc sống hơn.

Ông Sủng cho biết, làng Chùa đã thành lập Câu lạc bộ thơ từ năm 1982 với số thành viên ban đầu là 8 người. Trước đó, một số người yêu thích thơ ca nhân lúc nông nhàn cùng nhau sưu tầm các bài thơ hay, ý thơ đặc sắc rồi chép vào một cuốn sổ tay. Hết cuốn sổ này lại đến cuốn sổ khác, rồi cũng đến lúc mọi người nảy ra ý nghĩ cùng nhau làm thơ. Vậy là phong trào nhà nhà làm thơ, người người làm thơ bắt đầu đươc khởi xướng.

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Quang và bà Cao Thị Xem vui vẻ ngâm thơ.

Hơn 20 năm tồn tại và phát triển, Câu lạc bộ thơ làng Chùa đã xuất bản nhiều tuyển tập thơ như: “Từ những ngôi nhà”, “Đất ngàn năm”, “Giọng nói người làng Chùa”... Thơ của người làng Chùa là tiếng lòng của người dân nơi đây, là những xúc cảm, sẻ chia, tâm tình những của những người con làng Chùa.

Chính vì thế, tứ thơ của người làng Chùa cũng có khi bay bổng, lãng mạn nhưng cũng không thiếu những ngôn từ giản dị, mà như ông Sủng tâm sự: “Những câu thơ loé lên từ ánh sáng lưỡi cày, tứ thơ giản dị và mộc mạc như củ khoai, củ sắn, ý thơ xanh tốt như ruộng lúa, nương ngô...”.

Cứ tối thứ năm hằng tuần, những người yêu thơ làng Chùa lại tập trung tại Nhà văn hóa thôn để cùng đàm đạo thơ ca. Họ cùng nhau bình luận, góp ý cho những tác phẩm mới. Những bài thơ đã được Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ làng Chùa thẩm định và thông qua sẽ được đọc trên loa phát thanh của thôn để bà con cùng thưởng thức.

Ngoài ra, nhiều bài thơ phê phán thói hư tật xấu cũng được phát trên loa phát thanh của thôn nhằm răn đe, giáo dục cho người dân. Có thể nói, đây là một nét văn hóa độc nhất vô nhị không chỉ của riêng Thủ đô, mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa có một không hai trên cả nước.

Các “cây cổ thụ” thơ!

Theo sự chỉ dẫn của ông Sủng, chúng tôi đến được nhà cụ Nguyễn Gia Tế (88 tuổi) – một “cây cổ thụ” của người dân làng Chùa không những về tuổi tác mà còn về cả thơ ca.

Cụ Tế vô cùng vui vẻ và niềm nở trò chuyện về con người cũng như tình yêu thơ của người dân làng Chùa. Cụ kể về cuộc đời của mình đã gắn bó với thơ ca như thế nào và rồi cũng không quên ngâm thơ cho tôi nghe: “Tôi ngồi ở cuối dòng sông/ Vớt câu thơ cũ bồng bềnh trôi sông...”.

Cụ Tế cho biết, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những người nông dân dùng thơ làm vũ khí để tuyên truyền cho các phong trào địch vận, bình dân học vụ, hũ gạo tiết kiệm, diệt giặc đói, giặc dốt… “Thơ làng Chùa không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng thơ làng Chùa làm nên giấc mơ cho người gieo trồng”.

Các tập thơ làng Chùa đã được xuất bản.

Cụ Tế nói thêm về việc người làng Chùa dùng thơ: “Nếu như bố mẹ dùng roi vọt dạy con, bị phát hiện, sẽ bị các cụ “chửi bằng thơ” như thế này: “Dạy con không dạy bằng lời/ Bà dùng roi đánh tơi bời thế a/ Chửi con bới cả ông cha/ Con hư hay chính tại bà cũng hư”. Đó là những vần thơ khéo léo khuyên nhủ mọi người dạy bảo con cháu, sao cho tốt đời đẹp đạo.

Một thành viên tích cực, một “cây cổ thụ” khác của thơ ca làng Chùa là ông Nguyễn Thanh Quang, 77 tuổi. Tôi đến nhà và gặp hai vợ chồng ông Quang đang chẻ lạt làm nong, nia. Ông bà tiếp đón tôi rất niềm nở và xem tôi như con cháu trong nhà. Khi được hỏi về lúc mới học làm thơ, ông Quang liền trả lời ngay bằng hai câu thơ: “Tuổi ngót 60 học làm thơ/ Chẳng khác trẻ con học y tờ”.

Ông Nguyễn Thanh Quang và bà Cao Thị Xem yêu nhau và chung sống với nhau mấy chục năm cũng nhờ những vần thơ đằm thắm ấy. Tình yêu nảy nở từ những vần thơ mộc mạc mà giản dị nhưng rất đằm thắm mà bền lâu.

Ông Quang nói rằng mình không được học qua một trường lớp nào cả, chỉ tự đọc thơ và học qua sách báo, rồi từ đó ông tự làm thơ. Ông đã đọc cho tôi nghe bài thơ “Nguồn cội” do chính ông sáng tác:

“Chẳng đâu bằng ở nhà mình
Chẳng đâu bằng ở nơi mình sinh ra
Nơi ấy đất mẹ quê cha
Cô dì chú bác ông bà tổ tiên
Họ hàng bè bạn anh em
Những khi tắt lửa tối đèn có nhau
...
Cội nguồn gốc rễ là đây
Ai quên nhắm mắt xuôi tay sao đành”.

Đó là những tứ thơ rất hay mà ông Quang đã sáng tác, đại diện cho những vần thơ đẹp đầy ý nghĩa của làng Chùa. Bài thơ tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại mang một ý nghĩa rất lớn với những ai xa quê nói riêng và với tất cả con người chúng ta nói chung. Bài thơ của một nhà thơ nghiệp dư nhưng chắc chắn rằng mỗi chúng ta khi được đọc, được nghe bài thơ này đều sẽ nhớ về cội nguồn của mình.

Thủy Linh

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文