Cần hỗ trợ ngư dân chuyển đổi phương pháp đánh bắt hải sản bằng giã cào

09:41 17/06/2016
Báo CAND có đăng bài “Ngăn chặn đánh bắt hải sản kiểu tận diệt” phản ảnh việc ngư dân đánh bắt thủy sản theo phương pháp giã cào đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học biển ven bờ; gây ảnh hưởng lớn đến rạn san hô dưới đáy biển... 

Do đó, các địa phương ven biển miền Trung cần phối hợp các ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ ngư dân tàu giã cào chuyển đổi phương pháp đánh bắt hợp lý hơn, góp phần bảo vệ tài nguyên biển…

Mấy hôm nay do máy tàu bị hỏng nên ngư dân Hồ Tăng Trấn (47 tuổi, trú thôn Tân Bình Trung, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) phải neo tàu ở cảng cá Tam Tiến để cùng với thợ máy từ Bình Định ra sửa chữa. Con tàu giã cào của ông Trấn có công suất 260CV, mang số hiệu QNa-90116TS, được ông cùng 2 ngư dân khác hùn vốn mua lại cách đây khoảng 3 năm, với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Ông Trấn chuẩn bị lưới cụ để ra biển hành nghề giã cào.

“Gia đình tôi có truyền thống đi tàu giã cào. Từ đời cha tôi đi rồi, đến đời tôi, con tôi cũng theo nghề giã cào. Con tàu của tôi là xác tàu thứ 7 gia đình tôi cùng chung tiền với mọi người để tham gia đánh bắt giã cào rồi. Thông thường tôi đi chuyến biển khoảng 7 ngày. Mỗi chuyến biển như vậy cũng cho tôi thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu đồng”, ông Trấn chia sẻ.

Khi được hỏi việc đánh bắt theo phương pháp giã cào có ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển tầng đáy không?, ông Trấn thẳng thắn là có ảnh hưởng, nhưng ông lý giải rằng: “Biết làm sao chừ?. Nghề giã cào truyền thống này cho thu nhập khá cao; mỗi năm thời gian đánh bắt giã cào có thể lên đến 9 tháng, trong khi như nghề chụp mực chỉ làm được khoảng 6 tháng trong năm. Hơn nữa, tôi cũng muốn đóng tàu lớn để vươn khơi, nhưng thiếu vốn. Giờ muốn đóng con tàu mới vươn khơi xa phải cần ít nhất vài tỷ đồng, tiền đâu có?”.

Để giảm sự tàn phá của phương pháp đánh bắt giã cào, ông Trấn dùng loại lưới có mắc to từ 10cm trở lên, chứ không dùng loại mắc lưới nhỏ; đồng thời ông cũng đánh bắt ở khu vực biển cách bờ tầm 40-50 hải lý…

Cách tàu giã cào của ông Trấn không xa là thuyền giã cào gần bờ có công suất 45CV của ngư dân Nguyễn Hữu Pháp (trú thôn Phúc Lộc, xã Tam Tiến). Sau một đêm dài đánh bắt giã cào trên biển, ông Pháp đưa thuyền về neo đậu tại bến để nghỉ ngơi, đến chiều lại tiếp tục với công việc.

Ông Nguyễn Thanh Rân, cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Tiến, cho biết đa phần các tàu thuyền giã cào đều làm ban đêm, còn ban ngày các ngư dân về nghỉ ngơi. Mỗi tàu thuyền giã cào trung bình có từ 3-4 người trong một chuyến đánh bắt.

Theo số liệu thống kê, toàn xã Tam Tiến hiện có 161 phương tiện đánh bắt trên biển, trong đó có đến 63 tàu, thuyền giã cào. Đây là địa phương có số lượng tàu thuyền giã cào lớn nhất của tỉnh Quảng Nam.

Ông Rân cho biết nghề giã cào đã có từ lâu ở xã biển Tam Tiến này, do đó việc vận động, tuyên truyền người dân không đánh bắt giã cào là một việc hết sức khó khăn, dù biết việc đánh bắt giã cào đe dọa nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ.

“Vài năm trở lại đây, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân đánh bắt giã cào chuyển đổi ngành nghề. Đồng thời, chúng tôi cũng tham mưu cơ quan chức năng không cấp giấy phép mới cho các tàu thuyền giã cào đóng mới, nâng cấp hay cải hoán nhằm từng bước xóa bỏ dần phương thức đánh bắt giã cào tại địa phương”, ông Rân cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, cho biết toàn tỉnh hiện có 201 tàu giã cào hoạt động. Từ năm 2014, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, quy định tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi trở ra, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. 

Tàu cá có công suất từ 20 - 90CV, khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả. Đối với tàu cá công suất dưới 20CV, hoặc tàu không lắp máy, khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ.

“Chúng tôi cũng đã lập quy hoạch ngành Thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chủ trương chung là đẩy mạnh phát triển tàu công suất lớn (trên 90CV); tàu công suất nhỏ rất hạn chế và ngày càng triệt tiêu dần nghề giã cào. Để từng bước xóa bỏ nghề giã cào trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cũng đã thành lập Đề án chuyển đổi nghề, đào tạo nghề và quy định chính sách hỗ trợ cho ngư dân; đồng thời, cơ quan chức năng còn thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra; nếu phát hiện tàu vi phạm vùng đánh bắt gần bờ, giã cào dùng mắc lưới nhỏ thì xử phạt nghiêm theo quy định”, ông Tấn nhấn mạnh.

Ngọc Thi

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

Giới chức Philippines ngày 5/11 ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân ở các khu vực hẻo lánh và đặt quân đội vào trạng thái trực chiến để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Yinxing dự kiến sẽ đổ bộ trong tuần này.

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

Sau gần 1 đêm nỗ lực tìm kiếm du khách nước ngoài đi lạc tại rừng Quốc Gia Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Lực lượng cứu nạn cứu hộ, Công an thị xã Sa Pa phối hợp cùng Vườn quốc gia Hoàng Liên đã tìm và đưa thành công ông Bryan Hanselman về địa điểm an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文