Cần quyết liệt xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
- Hà Nội còn 168 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo
- Sẽ cưỡng chế công trình nhà siêu mỏng mặt tiền 1m trên phố Lý Thường Kiệt
Mới đây nhất, Sở Xây dựng Hà Nội lại vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện về việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Thế nhưng, câu chuyện làm thế nào để những ngôi nhà có hình thù kỳ dị không còn tồn tại giữa Thủ đô là chuyện không dễ.
Mở đường, mở cả nhà siêu méo
Được gọi là con đường “nghìn tỷ”, dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long (thuộc đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), với tổng mức đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng, tuyến đường có chiều dài 5,5 km. Để mở rộng tuyến đường này, TP Hà Nội đã thu hồi trên 391.900m² đất, giải phóng mặt bằng đối với 796 hộ, 55 cơ quan và bố trí 609 căn hộ tái định cư. Đây là một trong những tuyến đường khi hoàn thành được đánh giá là hiện đại, đồng bộ bậc nhất Hà Nội.
Thế nhưng, sau khi giải phóng mặt bằng để mở rộng đường cũng là lúc nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu méo có hình thù kỳ dị lại xuất hiện “đu bám” trên tuyến đường mới hiện đại này. Đi dọc tuyến đường này, chỉ bằng mắt thường cũng có thể đếm được trên dưới chục trường hợp những căn nhà có hình thù không giống ai.
Những căn nhà này có diện tích khoảng từ 10m² đến 20m², với nhiều kiểu hình dáng đã được chủ nhân xây dựng để nhằm mục đích kinh doanh. Thậm chí, có những ngôi nhà siêu mỏng, nhìn như "lưỡi dao" khổng lồ mọc bên cạnh đường “nghìn tỷ”.
Ngôi nhà có diện tích khoảng 6m² trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: CTV |
Cũng trên tuyến đường “nghìn tỷ” khác là đường Võ Chí Công. Trên tuyến đường hiện đại này cũng có không ít những trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo dù TP Hà Nội đã thể hiện quyết tâm dẹp bỏ nạn những ngôi nhà có “kiến trúc” dị dạng này cả chục năm nay.
Khảo sát tại nhiều đoạn trên đường Võ Chí Công, những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” không chỉ có hình dáng kỳ dị, nghiêng lệch, chủ nhân của những ngôi nhà này còn tận dụng từng tấc đất, xây thêm những chòi hình tam giác phía dưới, nhỏ chỉ chừng 5m², nơi dùng làm cửa hàng may vá, nơi sửa xe, cũng có những chiếc chòi... khóa cửa im ỉm.
Sau khi giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường, nhiều ô đất không còn vuông vắn. Việc những căn nhà có diện tích nhỏ hình thù kỳ dị vẫn xuất hiện ở các tuyến đường mới mở rộng, dư luận không khỏi nghi ngờ về năng lực quản lý của các cấp chính quyền và đội ngũ thanh tra xây dựng sở tại.
Trách nhiệm của cấp quận, huyện đến đâu?
Những năm qua, nhiều giải pháp đã được TP Hà Nội đưa ra, hàng loạt văn bản được ban hành, thậm chí giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở hệ thống chính quyền cơ sở. Vậy nhưng các trường hợp cũ chưa thể giải quyết dứt điểm thì các trường hợp mới lại tiếp tục xảy ra. Trong một động thái mới nhất, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo).
Theo đó, đối với UBND các quận còn tồn tại các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" chưa được xử lý, Chủ tịch UBND các quận tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phòng ban chức năng thống kê, rà soát các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo'' phát sinh trên các tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 và các tuyến mới mở đang triển khai thực hiện trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp tồn tại. Các đơn vị khẩn trương tổng hợp tiến độ, kết quả xử lý cùng khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Một căn nhà siêu mỏng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) vừa mở rộng. |
Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội có dự án đường quy hoạch đi qua: Chủ động thống kê, rà soát xây dựng phương án xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng; thực hiện thu hồi các thửa đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng nêu rõ, UBND các quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh các trường hợp công trình "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thì nguyên nhân dẫn đến việc tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo chưa thể giải quyết dứt điểm được là vì việc hợp thửa, hợp khối để chống nhà siêu mỏng, siêu nhỏ có tính khả thi không cao. Giải pháp này cũng chỉ là biện pháp khuyến khích chứ không phải là giải pháp hành chính để giải quyết triệt để.
"Cần phải thu hồi triệt để diện tích nhỏ còn lại sau khi giải phóng mặt bằng, nếu để lại vô tình tạo cho người dân vi phạm”, ông Dục cho biết. Theo ông Dục, trong các chỉ thị về tăng cường quản lý trật tự xây dựng của thành phố nêu rõ trách nhiệm của địa phương. Chỉ có nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền sở tại và ý thức người dân thì công tác quản lý trật tự xây dựng mới hiệu quả và tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo mới được giải quyết triệt để.