Làm gì để tránh tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè

09:04 17/03/2017
Từ ngày 10-3, khi toàn TP ra quân lập lại trật tự vỉa hè, cũng là lúc hàng nghìn quán cóc, hàng ăn vốn quen sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán tạm đóng cửa. Tâm lý chung của những người kinh doanh hàng rong, quán cóc đều rất buồn, thậm chí, không thiếu những giọt nước mắt khi nguồn sống chính của cả một gia đình là vỉa hè từ nay đã chấm dứt.

Đã năm ngày trôi qua, cả đoạn phố Tô Hiến Thành vốn rất nhiều các gánh hàng ăn vỉa hè như bún đậu, bún riêu cua, bánh đa cá, xôi chè… bỗng nhiên lặng lẽ, không ồn ào như mọi ngày. Chỉ còn duy nhất một hàng bán trứng vịt lộn rong còn ngồi ghé tạm một góc phố giao với Bùi Thị Xuân. Chị bán hàng vừa bán vừa nhìn trước ngó sau, sẵn sàng “quẩy” quang gánh nếu thấy bóng trật tự phường.

Xe đẩy bán bánh đa cá trên phố Hồ Xuân Hương cũng không xuất hiện. Chị Đoan, bán hoa quả rong vẫn gánh hàng đi bán, nhưng số hàng đến quá trưa vẫn chưa vơi được bao nhiêu. Chị kể, quê chị ở Hưng Yên, sáng nào chị cũng đi từ 2-3h sáng sang chợ đầu mối Long Biên lấy hoa quả rồi gửi xe máy, dùng đòn gánh và sảo để nhờ tại chợ, gánh đi bán trên các phố.

“Chồng tôi mất sớm, tôi còn hai đứa con nhỏ mới học cấp 2. Mỗi tháng tiền học của hai con, tiền ăn của cả nhà chỉ trông chờ gánh hàng rong này. Nhưng mấy hôm nay chẳng bán được hàng. Những phố tôi hay dừng lại trên vỉa hè để ngồi bán thì đều không được ngồi bán nữa. Cũng tranh thủ ngồi nhưng chẳng mấy người mua vì họ ngại dừng xe máy. Vỉa hè không còn chỗ để xe thì họ cũng đi qua luôn, không mua nữa”, chị Đoan chia sẻ.

Chị cho biết, nếu tiếp tục ế ẩm thì chị đành bỏ nghề đã gắn bó hơn chục năm. “Tôi cũng chưa biết sẽ làm gì khác. Lo lắng lắm chứ, lấy gì nuôi con bây giờ, ruộng thì được chia không đủ cấy”, người đàn bà bán hoa quả rầu rĩ.

Hàng quán vỉa hè là nguồn sống đối với nhiều gia đình.

Nhiều người bán hàng rong đều chung một quê, rủ nhau lên Hà Nội mưu sinh. Đa số họ ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định… và đều chung gia cảnh nghèo. Họ tằn tiện từng đồng, bữa ăn đôi khi chỉ là cái bánh mì khô cứng, gánh hàng đi khắp các phố mong kiếm chút lãi. Ngay cả nhiều người có hộ khẩu Hà Nội, sinh sống ở những con phố lớn nhưng cũng nghèo, cả nhà sống nhờ quán trà đá vỉa hè cũng bỗng dưng thất nghiệp.

Ông Khôi, nhà ở sâu trong một con ngõ nhỏ phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) làm nghề chạy xe ôm. Hàng ngày ông dựng chiếc xe trên vỉa hè giáp với cổng phụ Công viên Thống Nhất chờ khách, còn vợ bày bán trà đá cách đó vài chục mét. Dù biết chủ trương của chính quyền sẽ không cho bán những hôm nay, vợ người xe ôm vẫn  bày vài cái ghế, vài chai nước ngọt, lọ kẹo vừng để bán. Hậu quả là hàng bị tịch thu.

“Không bán thì biết làm gì để sống bây giờ, làm sao một mình tôi chạy xe ôm đủ tiền nuôi cả nhà”, ông Khôi buồn rầu.

Ngược lại, nhiều người có hẳn kiốt bán hàng trong chợ nhưng lại không bán được hàng vì chính thói quen tiện đâu mua đấy của nhiều người và sự tồn tại của các gánh hàng rong bán trên vỉa hè. Cách đây mấy hôm, trên mạng xã hội có chia sẻ hình ảnh một người phụ nữ buộc dây vào vây con cá chép, xách đi bán dạo dọc đường Yên Phụ. Chị bán cá này có hẳn kiốt ở chợ Yên Phụ, nhưng chị chia sẻ, do thói quen của người mua hàng, không thích vào chợ mà thích mua dọc đường cho tiện, đỡ phải gửi xe nên nếu bán trong chợ thì chẳng ai mua. Chị phải buộc dây vào cá xách đi ra ngoài đường bán dạo. Và chị cũng đã buộc dây vào cá xách đi bán trên đường từ nhiều năm nay chứ không phải bị cấm bán trên vỉa hè chị mới làm như vậy.

Khác với tâm trạng của nhiều người bán hàng rong khác, chị rất mong muốn chính quyền làm thật quyết liệt, triệt để dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè bán hàng để người dân tự giác vào chợ mua bán, không còn cảnh buôn bán trên vỉa hè và những người bán hàng trong chợ như chị không bị ế ẩm, phải buộc cá xách đi bán dạo.

Vẫn biết không thể vì hoàn cảnh để biện minh cho hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, nhưng cũng không thể thờ ơ trước nỗi lo mưu sinh của hàng nghìn người dân. Được biết, ngày 14-3, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1 (TP Hồ Chí Minh) trực tiếp xuống đường đối thoại với người dân buôn bán.

Trong Hội nghị về trật tự đô thị Hà Nội đầu tháng 3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND quận Đống Đa khảo sát tất cả các phường, xem thực sự có bao nhiêu người nghèo bán nước chè trên vỉa hè, đưa phương án nếu những người bán nước chè thực sự khó khăn thì quận đề xuất phương án, có thể  hỗ trợ cho họ chuyển đổi nghề trong vòng 6 tháng.

Hy vọng, với cách làm vừa cương quyết, vừa hài hoà đảm bảo ổn định đời sống cho người dân, vỉa hè Hà Nội sẽ sạch đẹp và không còn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, nay dẹp ngày mai người dân lại tái chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán.

N.Yến – T.Huyền

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文