Chợ đá quý độc đáo nơi miền sơn cước
Thời “hoàng kim” của đá quý Lục Yên (Yên Bái) đã không còn nữa, những đại gia đá đỏ cũng thưa dần do nguồn đá quý bị khai thác cạn kiệt. Những con suối, cánh đồng một thời bị xới tung để tìm đá quý giờ màu xanh đã trở lại.
Giữa lòng thị trấn Yên Thế, chợ đá quý Lục Yên vẫn họp như thủa nào, nhưng chỉ khác là nó thưa thớt với quy mô nhỏ hơn trước rất nhiều. Đây là chợ đá quý duy nhất tại Việt Nam với cảnh mua bán thanh bình, làm nên điều đặc biệt cho Lục Yên.
Cho xe dừng ở trung tâm thị trấn Yên Thế, bên một hồ nước mà người dân ở đây gọi là hồ “phong thủy”, anh bạn dẫn đường cho chúng tôi giới thiệu “Chợ đá quý Lục Yên đấy”. Chợt sững người không chỉ bởi sự thưa thớt, sơ sài của chợ đá mà còn bởi sự thanh bình đến lạ của kẻ mua, người bán đá quý.
Thị trấn Yên Thế vốn đã nhỏ, chợ đá quý Lục Yên càng nhỏ hơn nữa khi nó chỉ có hơn chục chiếc bàn con bày đá quý. Chợ không bảng hiệu, không quảng cáo, không sầm uất như trong tưởng tượng của chúng tôi. Chợ cũng chỉ có duy nhất một lối đi do quá nhỏ, và đặc biệt nữa là chỉ họp từ 7h-9h30 sáng.
Nếu vô tình qua đây, tôi cũng như nhiều người sẽ bỏ qua vì không biết ở khu vực này lại có một chợ đá quý. Người dân Lục Yên luôn tự hào “đây là chợ đá quý duy nhất ở Việt Nam”.
Khách xem đá quý ở chợ đá Lục Yên. |
Mỗi bàn đá quý thường có từ 1 tới 2 người bán. Đủ các loại đá được bày, từ đá đỏ (ruby) đến saphire, thạch anh, sitilen, topaz, Aquamarine, Tourmaline… Mầu sắc của đá cực kỳ bắt mắt, đặc biệt những viên đã qua xử lý, mài rũa có độ ánh càng cao.
Tới một bàn đá khá đặc biệt - anh chồng ngồi che ô cho chị vợ bán hàng, chúng tôi được giới thiệu về nhiều loại đá đang bán ở chợ này. Đá ruby ở Lục Yên ngày một cạn kiệt, để có những viên ruby to là rất hiếm. Ruby ở Việt Nam có chất lượng cao bậc nhất trên thế giới, độ cứng chỉ sau kim cương. Một viên ruby đáng giá ngang ngửa một viên kim cương bằng kích thước.
Ở chợ đá người ta chỉ bày những viên nhỏ có giá trị trung bình, còn những viên to, có giá vài chục triệu, trăm triệu, tiền tỷ thì để ở nhà, nếu khách muốn mua thì vào nhà giao dịch.
Chỉ vào những viên đá sáng lấp lánh đang bầy trên bàn, chị Lê Tố Uyên, một chủ kinh doanh đá quý ở thị trấn Yên Thế cho biết: “Tất cả những viên đá này đều có giá vài trăm nghìn tới hơn 1 triệu đồng/viên, tùy vào độ tuổi. Vài chục nghìn một viên cũng có do màu xấu hơn”.
Theo chị Uyên thì vợ chồng chị làm nghề đá từ nhỏ, hơn mười tuổi đã đi đào đá nhưng hiện chỉ gia công và kinh doanh đá quý. “Đá ruby tự nhiên rất hiếm và đắt do chất đá, độ cứng và màu mà giá thành khác nhau. Có viên ruby, saphire giá 1 tỷ đồng cũng có”.
Cho chúng tôi xem một viên đá ruby thô, chị Uyên nói: “viên này mà qua xử lý sẽ có ánh rất đẹp. Càng đỏ đậm thì giá càng cao. Như viên đỏ này có giá 10 triệu, nhưng màu hồng cùng kích cỡ thì chỉ 2 tới 3 triệu thôi”.
Thị trường đá quý quả là muôn màu, người mua cũng phải có nghề mới không bị mua phải đá nhân tạo, mua hớ. Ruby có nhiều loại: đỏ, hồng còn tùy vào nước 1, 2 hay nước 3 để có giá khác nhau.
Theo chúng tôi được biết, tất cả các bàn đá ở chợ này chủ của họ đều là người dân địa phương và có cửa hàng kinh doanh đá quý ở Yên Thế. Họ mang đá tới chợ để giao dịch, mua bán hàng ngày và nó đã trở thành nét văn hóa ở Lục Yên.
Một chợ đá quý mà mỗi bàn có giá trị tài sản bằng cả một gia tài được bày bán ở ngay bên lề đường, nơi người xe qua lại mà không hề có thứ gì bảo vệ khiến chúng tôi đôi chút ngỡ ngàng.
Đem chuyện này trao đổi với Thượng tá Bùi Việt Hùng, Trưởng Công an huyện Lục Yên, anh cho biết: “Nhiều năm nay chợ đá Lục Yên chưa xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản, đặc biệt là không có cướp giật đá quý. Nhiều người đến đây cũng thắc mắc, lo lắng hỏi thăm. Do làm tốt công tác phòng ngừa và vận động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ nên tình hình ANTT ở khu vực chợ đá quý nói riêng và thị trấn Yên Thế nói chung ổn định và bình yên”. Việc mua bán, giao dịch ở chợ đá diễn ra khá thanh bình, đây là cảm nhận thú vị của chúng tôi khi tới đây.
Theo Thượng tá Lê Tất Ái, Phó trưởng Công an huyện Lục Yên thì từ năm 1992 chợ đá quý bắt đầu nhen nhóm hình thành vì lúc này ở Lục Yên đã bắt đầu có người đi đào đá đỏ. Thời hoàng kim, chợ đá quý tấp nập kẻ mua, người bán, có người dắt lưng vài trăm triệu một ngày. Trước đây, chợ có biển nhỏ đề “chợ đá quý” nhưng giờ không còn nữa. Tuy là chợ tự phát nhưng được sự cho phép của UBND huyện Lục Yên.
“Nguồn đá quý dần cạn kiệt, người dân Lục Yên đi đào đá cũng ít đi, một số bỏ vào trong Nam và các tỉnh làm ăn, do vậy mà quy mô bị thu hẹp lại, chợ chỉ mang tính chất giao lưu là chính” – đồng chí Ái cho biết.
Thời hoàng kim, đá quý ở Lục Yên không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn xuất hiện nhiều thương gia nước ngoài đến đây săn lùng. Ở Lục Yên xuất hiện nhiều đại gia đá đỏ. “Nghề này cũng còn do cái may mà có. Chấp nhận bỏ tiền mua một viên đá đặc, nếu chặt ra bên trong có lõi đẹp thì giá mua viên đá là 10 triệu có thể lãi đến vài trăm triệu. Nhưng nếu bên trong không có lõi thì chỉ bỏ đi”- ông chủ đá quý lớn nhất nhì Lục Yên - Bùi Đình Hiệp cho biết.
Chính vì thời hoàng kim đã hết nên giờ đây nghề buôn đá quý ở Lục Yên ngày càng cạnh tranh gay gắt. “3 năm trước, không chỉ đá quý mà tranh đá quý bán rất chạy. Nhưng hiện nay khách ít hơn” – một chủ kinh doanh đá quý ở thị trấn Yên Thế cho biết. Vì sao lại thế? Theo giải thích của ông chủ này thì là do đá quý khan hiếm và thị trường bị thu hẹp. Vì khan hiếm đá quý nên người ta càng lo ngại mua phải đá nhân tạo, đá quý rởm.
Theo chị Nguyễn Thị Hằng, chủ cửa hàng tranh đá quý Hồng Ngọc, thị trấn Lục Yên thì “nhìn viên đá thấy yêu là đá đẹp, nếu nhìn mà rạn, xấu là đá rẻ tiền. Đá thật là phải có bảo hành của nơi bán cho khách”.