Chủ đầu tư lẫn cư dân đều lơ là phòng cháy
- Cháy căn hộ tầng 8 chung cư Parc Spring là do cục sạc dự phòng1
- Rùng mình với những chung cư… cháy là chết!
Điều này cho thấy, vẫn rất nhiều người dân “lơ là” khi tham gia các hoạt động này. Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung, Chuyên gia Quản lý Tư vấn vận hành kĩ thuật tòa nhà, CBRE Hà Nội đồng tình quan điểm và cho rằng, tình trạng người dân lơ là khi tham gia diễn tập PCCC xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay.
“Người dân thường vô tình phó mặc tính mạng, sự an toàn của mình cho ban quản lý tòa nhà, cho rằng tòa nhà có ban quản lý rồi thì việc gì phải tham gia các hoạt động này. Song họ không hiểu rằng, nếu xảy ra cháy, thì các lực lượng PCCC trong tòa nhà phải căng ra để xử lý tình huống. Tâm lý người dân lúc đó thì hoảng loạn, cho nên sẽ rất dễ xảy ra hỗn loạn do nhận thức của người dân về PCCC còn hạn chế”, ông Trung nói.
Theo ông Trung cho biết, phương án PCCC của các tòa nhà đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt thì sẽ rất sát với thực tế, để cho lực lượng PCCC tiếp cận và xử lý. Tuy nhiên, có một lỗ hổng mà các tòa nhà hiện nay đang mắc phải, là phương án xử lý tình huống phối hợp giữa các bộ phận khi xảy ra sự cố trước khi lực lượng cảnh sát PCCC tiếp cận được, việc này rất ít tòa nhà thực hiện được.
Rất nhiều người chủ quan khi tham gia các buổi diễn tập PCCC. |
Lý do một phần do công tác diễn tập PCCC chỉ mang tính hình thức, đối phó, họ cho là đã có phương án có cơ sở pháp lý rồi thì không cần xây dựng thêm phương án nào nữa.
Cho nên, khi xảy ra cháy thật, thì các bộ phận liên quan phối hợp với nhau không ăn ý và dễ bị lúng túng, từ đó mất thời điểm vàng để dập tắt đám cháy. Về việc đầu tư công tác diễn tập, theo quy định của pháp luật đã rất rõ ràng, chi phí đầu tư cho những buổi diễn tập không lớn.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thành, Giám đốc Cty CP quản lý tòa nhà ECH cũng khẳng định, cư dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn PCCC và giám sát lại ban quản lý tòa nhà trong việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC.
Đặc biệt, khi bắt đầu xảy ra sự cố, nếu cư dân nắm bắt được kỹ năng xử lý đám cháy, thì sẽ không xảy ra sự cố cháy nổ lớn vì đám cháy chỉ có thể bùng phát khi có đầy đủ các yếu tố thời gian, vật liệu cháy nổ. Cư dân phải tích cực chủ động trang bị cho bản thân và các thành viên trong gia đình kiến thức cơ bản về PCCC, cứu hộ, cứu nạn trong khu chung cư.
Các vụ cháy tại chung cư đã xảy ra nhiều lần, và sau mỗi lần thì các đơn vị liên quan đều vào cuộc giải quyết, điều tra... tưởng chừng rất quyết liệt, dư luận cũng “dậy sóng” hoang mang lo lắng... Thế nhưng, sau một thời gian mọi chuyện lại đâu vào đó, các vụ cháy vẫn cứ diễn ra. Nguyên nhân là do đâu? Không thể cứ đợi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc CTCP Bảo hiểm Quân đội MIC cho rằng, bản chất là liên quan đến hướng dẫn trong công tác phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư, thứ hai là ý thức của người dân, tức là cách đào tạo về phòng cháy chữa cháy quan trọng.
Hiện nay, có một thực trạng là, các công cụ thiết bị phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư chỉ mang tính hình thức là chính, khi xảy ra hỏa hoạn tại các công trình này sẽ là quá muộn.
Trong khi đó, Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho rằng, khi có sự việc xảy ra thì tác động lên tâm lý của cư dân và dư luận rất nhiều. Ví dụ, sau vụ cháy quán Karaoke ở Trần Thái Tông Hà Nội thì rộ lên các thông tin và tâm lý lo lắng, chính quyền vào cuộc rất ghê gớm, nhưng sau đó lại lãng quên, và sau 1 năm mới đưa ra xử, có 3 người bị xử lý hình sự.
“Tôi nghĩ một trong tâm lý của người Việt, đó là tâm lý đám đông, khi có vấn đề đặt ra thì hùa vào, xong rồi quên. Tuy nhiên, dư luận, trong đó có các cư dân chung cư thì vẫn rất chủ quan với bản chất của các vụ hỏa hoạn. Ai cũng nghĩ, chắc nhà mình bê tông, bao năm ở có sao đâu, và từ đó ý thức tự giác chấp hành các quy định PCCC bị xao nhãng, và khi xảy ra nhỏ thì không sao, khi xảy ra lớn thì lại rộ lên tâm lý hoang mang”, Đại tá Ngô Văn Xiêm phân tích.
Đại tá Ngô Văn Xiêm đánh giá, các quy định về PCCC luôn được hoàn thiện dần và đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân. Ở đây không hẳn là "mất bò mới lo làm chuồng", cái chính là ý thức tự đảm bảo an toàn cho mình chưa cao, ỷ lại vào chỗ nay chỗ kia. Đại tá Nguyễn Văn Xiêm khẳng định, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ hỗ trợ, người thực hiện vẫn phải là người dân.
Đề cập đến sự chủ quan của chính cư dân, ông Vũ Hồng Thành, Giám đốc Công ty CP Quản lý tòa nhà ECH cũng cho rằng, có lẽ nguyên nhân xuất phát từ tâm lý chủ quan của người dân cũng như trong cuộc sống mọi người quá bận rộn nên chưa quan tâm nhiều tới công tác PCCC.
Ngoài ra, công tác truyền thông tại các tòa nhà chưa được thực hiện tốt trong thời gian qua, dẫn tới tình trạng người dân không có thông tin về hệ thống PCCC và các thông tin cảnh báo.