Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Chúng tôi không đặc cách cho Formosa"
Cụ thể, QCVN 51:2013/BTNMT quy định hàm lượng oxy tham chiếu là 7%, tuy nhiên dự thảo mới cho phép áp dụng làm lượng oxy tham chiếu là 15%.
Lí giải điều này, Tổng cục Môi trường cho rằng, ở các nước tiên tiến như Mỹ, EU… đang áp dụng nồng độ oxy tham chiếu từ 6-11%, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc là 15%, phụ thuộc vào loại nhiên liệu đốt và công nghệ đốt. Sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Công thương, Tổng công ty thép Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam… Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất nồng độ oxy tham chiếu là 15%, tương tự như quy định của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo ông Thức, công nghệ sản xuất thép truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn, từ luyện cốc, sang luyện gang rồi mới tới luyện thép. Trên thế giới, từng công đoạn này có ngưỡng oxy tham chiếu riêng. Tại Việt Nam, hàm lượng 7% được áp dụng cho tất cả các loại lò đốt, công nghệ đốt, điều này là chưa hợp lí.
Ông Thức cho biết đã đưa Formosa vào danh mục kiểm soát đặc biệt |
Ông Thức cũng nói thêm, sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, để tránh bị động trong công tác quản lý nhà nước, Bộ đã lập danh mục những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao vào danh mục các cơ sở cần kiểm soát đặc biệt. Hiện có 28 doanh nghiệp được đưa vào danh mục này, trong đó có Formosa, bôxit Tây Nguyên, mỏ khai thác quặng đa kim Núi Pháo…Ngoài ra, còn có khoảng 300 cơ sở cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhưng ở mức độ thấp hơn.
Trước đó, ngày 6-11, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét việc FHS đang xả khí thải vượt chuẩn. Công văn nêu rõ, theo kết quả quan trắc khí thải hàng ngày của Viện Công nghệ Môi trường tại xưởng thiêu kết cho thấy, thông số SO2, NOx có nhiều thời điểm vượt quy chuẩn cho phép từ 1,07 đến 2,47 lần nếu tính theo hàm lượng oxy tham chiếu là 7%. Tuy nhiên, nếu tính theo hàm lượng oxy tham chiếu là 15% thì vẫn nằm trong giới hạn cho phép.