Nghị lực và tấm lòng của cô giáo "có H"

15:56 04/12/2019

Trong thời gian qua trên cả nước nhiều người đã sống chung với HIV hoặc chịu ảnh hưởng của HIV nhưng nhờ điều trị, sức khỏe của họ được cải thiện, có tương lai và đã thành công trong học tập, làm việc và giúp đỡ cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS. Có nhiều người đã vươn lên làm giàu, giúp đỡ gia đình, tạo việc làm cho những người có cùng hoàn cảnh và nhiều người khác, đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Nhiều người trong số họ đã tìm được tình yêu và hạnh phúc không chỉ với những người cùng cảnh và cả với những người trái dấu (không có HIV).  


Chúng tôi gặp chị Trần Thị Thanh Vân trong những ngày Hà Nội trở gió, trời rét lạnh khác xa với thời tiết nắng nóng ở vùng sông nước An Giang. Chị bảo, nhiều lần ra Hà Nội nhưng đây là lần được trải nghiệm mùa đông, thật thú vị. Chị Vân, một người phụ nữ có HIV đã hơn 20 năm, tuy nhiên khi biết về H chị đã vượt qua tất cả để vươn lên, hiện giờ chị còn trong ban điều hành của Mạng lưới phụ nữ có HIV Việt Nam. Trải lòng với chúng tôi, chị bảo, chị phát hiện khi có H là lúc sinh con trai đầu lòng. Với một cô giáo, khi nhận tin chồng nhiễm HIV giai đoạn cuối lúc sinh con xong thì mọi thứ vỡ vụn, cả bầu trời sụp đổ dưới chân”, chị Vân nói.

Cô giáo Trần Thị Thanh Vân trong giờ lên lớp

 Kể lại cuộc đời mình những tháng ngày đó, chị Vân trải lòng, “Tôi sinh năm 1969 trong một gia đình nông dân nghèo vùng sông nước An Giang tôi là chị cả của 7 đứa em. Vào những năm 80 khi mà cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, cái thời mà ít ai nghĩ đến chuyện cái chữ, nhưng tôi vẫn nỗ lực để đi học đến nơi đến chốn. Năm 1988, tôi thi đỗ á khoa trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh – khoa Nữ công Gia chánh, nhưng do nhà nghèo không đủ chi phí học đại học nên tôi chọn vào trường Cao đẳng Sư phạm An Giang.

Ở đây, dù trường có học bổng, tôi vẫn phải vừa học vừa nhận thêm đồ thêu xuất khẩu để có đủ chi phí theo đuổi mơ ước của mình. Trong suy nghĩ của tôi, chỉ có việc học mới giúp được bản thân thoát nghèo. Năm 1991 tôi tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành hoá học với tấm bằng thủ khoa. Những năm 90 đồng lương giáo viên ít ỏi lắm nên ngoài việc dạy học tôi phải đi làm thêm. Ngày ngày với công việc gấp đôi mọi người để có thu nhập nuôi các em nhỏ ăn học. 

Ba mươi tuổi muộn màng lắm, tôi mới lấy chồng. Cứ ngỡ hạnh phúc đến với mình khi tôi sinh được một bé trai kháu khỉnh, nào ngờ cả bầu trời sụp đổ dưới chân khi tôi nhận được tin chồng có HIV giai đoạn cuối. Tôi đội tang chồng năm 1999 khi mà đứa con mới tròn 7 tháng tuổi.”  

Mặc dù nhiễm HIV đã hơn 20 năm nhưng luôn lạc quan và sử dụng thuốc ARV đều đặn nên cuộc sống, sức khoẻ của chị Vân vẫn tốt.

 Năm 1999, thời điểm ấy thông tin về HIV còn quá ít, nên khi nói đến HIV là nói đến cái chết, ai cũng sợ và sự kỳ thị người có H tại các vùng quê còn rất nặng nề. Đến giờ cái cảm giác khi đi mua hàng mà bị người dân kỳ thị, xa lánh vẫn cứ ám ảnh tôi “ Tôi nhớ mãi ngày ấy khi tôi đi mua ổ bánh mì người ta cũng không dám bán vì bán cho tôi rồi người khác không ai dám mua. Bị người ta khinh rẻ, tôi đau đớn, xót thương cho mình, cho con, cho gia đình,” chị Vân cho hay.

Tuy nhiên, may mắn luôn mỉm cười với tôi khi biết tin tôi có H, gia đình luôn đồng hành và chia sẻ, động viên để tôi vươn lên trong cuộc sống. Chị bảo, tình yêu gia đình và người con trai nhỏ bé đã giúp tôi vươn lên chống chọi nghịch cảnh, chống lại sự kỳ thị của mọi người. Tôi tâm đắc câu danh ngôn “Giá trị một người không phải được đo bằng chiều dài cuộc sống mà được đo bằng nghững gì người đó cống hiến cho xã hội". Và ai trong cuộc đời mà không gặp phải khó khăn; cái khác giữa người này và người khác là chọn cách vượt qua. Tôi lấy những lời dạy đó làm kim chỉ nam để phấn đấu vươn lên.

Có H, gặp phải sự kỳ thị của cộng đồng, bản thân lại là một giáo viên đứng lớp, rất nhiều áp lực đè nặng lên vai chị, có thể nói người ta bắt đầu sự nghiệp bằng con số không còn chị phải bắt đầu từ số âm. Trước thực tế đó, bản thân chị Vân phải nỗ lực rất nhiều. Những cố găng đó đã được cán bộ, giáo viên nhà trường tín nhiệm, cơ cấu vào đội ngũ quản lý trong nhà trường. 

Từ năm 2001, chị là người đầu tiên được Hội đồng Bộ môn Địa lý huyện Châu Thành công nhận là giáo viên dạy giỏi. Chị cũng  là người đầu tiên của trường THCS Cần Đăng được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen. Năm 2002 được,  chị được Phòng Giáo dục huyện Châu Thành mời làm thanh tra viên, rồi làm thành viên Hội đồng cho Bộ môn Hoá học của huyện, được cử vào đội ngũ giảng viên nguồn cho Sở Giáo dục An Giang.

Không ai thấu nỗi đau cũng như biết cái mà người có HIV cần hơn chính bản thân họ, do vậy việc hỗ trợ cộng đồng được chị Vân đặt lên hàng đầu trong hoạt động của nhóm Hy vọng.

Có tiếp xúc với những người có HIV, mới thấy được những nỗ lực của họ vươn lên trong cuộc sống thật đáng trân trọng, họ sức khoẻ kém hơn người bình thường, bị tổn thương tâm lý, bị sự kỳ thị của nhiều người nhưng họ vẫn khát vọng vươn lên, vượt qua chính mình để sống tốt, cống hiến cho xã hội. Họ biết mình cần gì và giúp gì cho những người có HIV, như chị Vân đã nỗ lực hết mình cho công tác trồng người, được nhà trường ghi nhận tuy nhiên chị đã từ chối tất cả điều kiện tiến thân trong sự nghiệp dạy học để thực hiện tâm nguyện của mình là dành hết thời gian cho các hoạt động phòng, chống HIV của tỉnh An Giang. “Năm 2008 tôi được mời làm đồng đẳng viên cho Phòng Tư vấn và Trợ giúp pháp lý cho người sống chung với HIV An Giang. 

Một lần tôi cùng các thành viên văn phòng trợ giúp pháp lý đến thăm câu lạc bộ người có HIV ở Cần Đăng, chính là nơi mà tôi đang sinh sống. Về nhà tôi trăn trở mãi và cuối cùng tôi quyết tâm gắn bó mình với những người cùng bệnh ở đây. Tôi lên kế hoạch xây dựng và phát triển nhóm Hy Vọng. Đầu tiên là tham mưu cùng Đảng uỷ xã Cần Đăng để tìm nguồn xây dựng văn phòng cho nhóm, đồng thời đi gõ cửa mạnh thường quân tìm nguồn tài chính cũng như miệt mài nghiên cứu nhiều tài liệu để xây dựng chủ đề để duy trì sinh hoạt hàng tháng nhằm làm sao trang bị kiến thức, kỹ năng cho anh em thành viên trong nhóm,” chị Vân nói.

Nhóm Hy vọng đến nay đã có thâm niên 11 năm, nhiều thành viên đã gắn bó với nhóm và cùng giúp đỡ nhiều số phận khác nhau, tạo cho nhau niềm tin vào cuộc sống, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, có thu nhập. Nhiều người hỏi tôi đã giúp được bao nhiêu người bệnh rồi? Tôi lắc đầu vì không thể nào nhớ nỗi. Có người sau khi được tôi hỗ trợ tiếp cận điều trị đồng ý tham gia sinh hoạt nhóm nhưng cũng có nhiều người không muốn tham gia vì một số lý do. Tôi chỉ nhớ trong nhóm có 44 đứa trẻ và gần 30 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt nhóm và hầu hết các bạn đều được tôi giúp đỡ tiếp cận, điều trị, hỗ trợ vốn làm ăn, xin nhà tình thương, xin hộ nghèo, học bổng cho con...

Dù tất bật với việc nhà, việc nhóm, nhưng việc giảng dạy ở trường lúc nào vẫn là ưu tiên quan trọng. Năm nào cũng vậy, chị luôn đạt thành tích xuất sắc trong giảng dậy. Chị Vân hiện là Chủ tịch công đoàn của trường. Công đoàn trường nhiều năm được nhận được bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam; bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang. Chị luôn được đồng nghiệp tín nhiệm, học sinh yêu thương và cha mẹ học sinh quí mến.

Khi nói về hiện tại, chị bảo rằng, với những việc đã và đang làm thì mọi thứ đều hài lòng với nhưng gì đang có. Sống vui vẻ giúp đẩy lùi bệnh hơn. Việc dùng thuốc ARV đều đặn giúp người có H có sức khoẻ tốt. Tương lai ở phía trước nhưng mình phải biết nắm bắt nó, HIV giờ không còn đáng sợ như mọi người nghĩ nữa và người có HIV có thể tự tin bước ra “ ánh sáng”, để làm việc, sống và cống hiến cho xã hội.


Lưu Hiệp

Chiều 7/1, phiên tòa xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (cựu Đại biểu Quốc hội) và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn. Trước khi thẩm vấn, Hội đồng xét xử tiến hành cách ly bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cùng hai bị cáo khác là Lê Thanh Vân (cựu Đại biểu Quốc hội) và Nguyễn Văn Vương (cựu Chuyên viên Vụ pháp luật, Văn phòng Chủ tịch Nước) khỏi phòng xử án.

Chiều 7/1, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, lãnh đạo TP Hải Phòng tổ chức gặp mặt, biểu dương và khen thưởng Thủ môn đội tuyển bóng đá Việt Nam Nguyễn Đình Triệu, với số tiền thưởng lên tới 550 triệu đồng cùng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.

Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng 363 Công an TP Hồ Chí Minh đã kịp thời phát hiện, truy xét các đối tượng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc hung khí, sử dụng xe độ chế không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoạt động tín dụng đen… Từ đó kịp thời ngăn chặn, không để các đối tượng có điều kiện gây án…

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính tới ngày 31/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 15,08%, đạt quy mô 15,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2024, hệ thống ngân hàng đã bơm thêm 2,1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế.

Chiều 7/1, thông tin từ Ban ATGT TP Hải Phòng cho biết, cơ quan chức năng địa phương đang vào cuộc xử lý vụ tai nạn giao thông liên hoàn do lái xe vi phạm nồng độ cồn xảy ra trên địa bàn.

Human metapneumovirus (HMPV) không phải là virus mới, đây là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trong các năm 2023-2024 và đã được ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, chiếm tỷ lệ thấp (12.5% ở trẻ em) so với các tác nhân khác như rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%). Thông tin này được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đưa ra ngày 7/1 trong tình cảnh virus HMPV đang bùng phát tại Trung Quốc, gây ra đợt bệnh hô hấp diện rộng khiến người dân lo lắng…

Ngày 7/1, Hội đồng Anh và IDP Việt Nam, hai đơn vị được cấp phép tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS tại Việt Nam đã cùng thông báo việc các kỳ thi IELTS tại Việt Nam sẽ chuyển sang thi trên máy tính từ sau ngày 29/3.

Sáng 7/1, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963, trú tại tổ 11, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Phó Trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội) về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文