Chuyện những ngư dân lượm, vớt xác người tử nạn trên biển
Trong một lần về vùng biển Thuận An, chúng tôi tình cờ gặp lão ngư Lê Hữu Tây, khi ông tranh thủ quét dọn những ngôi mộ trong nghĩa trang gia đình ở gần nhà.
Thắp nén nhang lên những nấm mồ có gắn bia được đánh số thứ tự và ngày tháng năm chôn cất chứ không có tên tuổi, quê quán... ông Tây ngậm ngùi kể: “Năm 1994, trong một đêm mưa gió lớn, tui chạy xuống bờ biển neo chiếc ghe để khỏi bị sóng biển cuốn trôi thì tình cờ phát hiện thi thể một người đàn ông nằm bên cạnh chiếc ghe. Do đang trong thời kỳ bị phân hủy nên cái xác có mùi hôi rất khó chịu, lúc đó tui liền chạy lên xóm gọi thêm mấy thanh niên nữa xuống phụ đưa cái xác lên bờ rồi tiến hành khâm liệm và mai táng ở cồn cát gần nhà”.
Ông Lê Hữu Tây trong một lần viếng mộ người xấu số tử nạn trên biển được ông tự tay mai táng. |
Nhưng không ai ngờ rằng, “cái nghiệp” nhặt xác chết trôi dạt trên biển đã vận vào số lão ngư này, để rồi hơn 20 năm sau, ông còn nhặt được thêm rất nhiều xác chết không may tử nạn và trôi dạt vào vùng biển Thuận An.
Dẫn chúng tôi về căn nhà cấp 4, tường bờ lô chưa tô trét, trong nhà chỉ có vài vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình, trong khi nghĩa trang có gần đến 20 ngôi mộ đều do ông bỏ tiền túi xây thành quách để an táng người tử nạn trên biển mà chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.
Thấy tôi thắc mắc, bà Huỳnh Thị Lái (52 tuổi, vợ ông Tây) trải lòng: “Ai cũng nghĩ như chú hết đấy!. Nhiều người cứ tưởng gia đình tui giàu có mới lo chuyện bao đồng là nhặt xác, xây mộ cho người xấu số. Nhiều người còn lời ra tiếng vào nhưng tui nghĩ, mình làm việc thiện, có đắp mồ mả cho người ta cũng là chuyện nên làm. Vì thế mà tui và 5 người con luôn ủng hộ việc ông nhà nhặt xác, xây mồ...”. Đã có nhiều người từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh... tìm đến gặp ông Tây để xin nhận lại xác người thân. Ông đã không ngần ngại cất bốc hài cốt những người xấu số gói ghém cẩn thận, rồi trao cho thân nhân đưa về quê mai táng...
Ở thị trấn Thuận An còn có lão ngư Trần Doanh cũng nhiều năm liền theo “nghiệp” nhặt xác người gặp nạn trên biển. Tâm sự cùng chúng tôi, ông Doanh cho biết, mỗi lần đi đánh cá trên vùng biển xa bờ, hễ gặp xác chết bị trôi nổi giữa biển khơi là ông không ngần ngại vớt lên tàu và sau đó đưa vào bờ chôn cất.
Cũng như ông Tây, ông Doanh đã lập một nghĩa địa riêng và bàn thờ ở trước sân vườn để thờ cúng những người xấu số mà mình cứu vớt, đồng thời chọn một ngày để làm giỗ chung cho họ. “Mấy năm trước, khi đi biển còn thuận lợi, thu về nhiều tôm cá thì gia đình có điều kiện để làm giỗ riêng cho từng người. Còn giờ vì không có điều kiện nên gia đình chỉ làm ngày giỗ chung vào dịp giữa năm mà thôi. Mỗi lần trước lúc ra khơi, bà con ngư dân trong thôn đều đến những ngôi mộ này để thắp nhang, khấn vái cho chuyến đi biển dài ngày được bình yên”, ông Doanh bày tỏ tấm lòng chân thành của mình.
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Thuận An, việc làm của ông Tây và ông Doanh là nghĩa cử cao đẹp mà không phải ai cũng làm được và dám làm. Vì thế, có những trường hợp 2 ông nhặt được xác chết thì chính quyền địa phương đã vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp tiền ủng hộ để lo nhang đèn, mua sắm quan tài và tổ chức việc mai táng, chôn cất người xấu số.