“Cò đặc sản Đà Lạt” gây phiền nhiễu du khách

07:54 30/04/2019
Lợi dụng du khách đổ lên TP Đà Lạt (Lâm Đồng) nghỉ lễ, “cò đặc sản Đà Lạt” lại tái xuất, bám theo từng xe mồi chài, chèo kéo, thậm chí là lừa gạt, gây ra không ít phiền toái, bực bội cho du khách.

Sáng 29-4, ngày thứ ba trong đợt cao điểm nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, du khách đổ lên Đà Lạt, tìm tới các khu du lịch, vui chơi giải trí khá đông. Sau một thời gian dài tạm thời lắng xuống khi các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt quyết liệt vào cuộc, đội quân “cò đặc sản Đà Lạt” nay đồng loạt tái xuất, hoạt động mạnh trở lại. 

Các nhóm “cò” đứng án ngữ tại một số tuyến đường tập trung khách du lịch thường xuyên đi qua hoặc ngay trước những điểm, khu du lịch của TP Đà Lạt, sẵn sàng mồi chài, chèo kéo du khách đi “tham quan vườn dâu tây” mà thực chất là lừa đưa họ vào các quầy hàng để mua sản phẩm khô.

Theo tìm hiểu của PV, đội quân “cò đặc sản Đà Lạt” đông tới mức hầu hết các xe ôtô khách, xe máy mang biển kiểm soát ngoài tỉnh Lâm Đồng lập tức bị những người này bám theo, mồi chài, giới thiệu bằng những câu từ mĩ miều, với nội dung mời khách đi tham quan vườn dâu và hái dâu tây miễn phí... Tuy nhiên, thực chất lại không như lời giới thiệu.

Những ngày qua, trước cổng Vườn hoa Đà Lạt thường trực có khoảng 10 người, tuổi từ 20 tới 35 dùng xe máy gặp bất cứ ôtô khách và xe máy biển kiểm soát ngoài tỉnh Lâm Đồng liền lập tức áp sát, đưa mẫu giấy bằng card visit, nội dung giới thiệu về địa điểm bán “đặc sản Đà Lạt” và tham quan miễn phí vườn dâu tây. Nhiều du khách sau đó bị những người này “áp tải” tới một số địa điểm chuyên kinh doanh “đặc sản Đà Lạt” trên đường Nguyên Tử Lực, cách bờ hồ Xuân Hương khoảng 200m.

Tại đây, không có vườn dâu tây nào “đẹp như trong tranh” mà “cò đặc sản” trước đó đã giới thiệu, hứa hẹn. Vì lỡ bước vào quầy hàng kinh doanh, hầu hết du khách đều phải móc tiền mua các loại thực phẩm khô dưới mác “đặc sản Đà Lạt” mà thực chất các loại thực phẩm này đều không được trồng tại Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng, thậm chí có những loại trái cây đã sấy khô, đóng vào bao bì với dòng chữ “đặc sản Đà Lạt” nhưng lại hoàn toàn xa lạ và chưa bao giờ được ghi nhận trồng trên lãnh thổ Việt Nam. 

Sau khi đưa khách tới các “quầy đặc sản”, những thanh niên này nhanh chân rời đi nơi khác. Lúc này, du khách có phản ứng vì không được đưa đi tham quan, hái dâu miễn phí như lời hứa hẹn trước đó cũng không tìm thấy “cò” đâu nữa.

Hai “cò đặc sản” đang bám theo xe của du khách trước cổng Vườn hoa Đà Lạt.

Tương tự, tại vòng xoay đầu đường Nguyên Tử Lực và đỉnh Dốc Đá, đường Phù Đổng Thiên Vương, TP Đà Lạt, từng nhóm “cò” tấp bên lề đường, theo hướng lên Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu - Mộng Mơ, cứ thấy du khách đi trên đường là bám theo mồi chài, mời đi “tham quan vườn dâu tây miễn phí”. Nhiều du khách nhẹ dạ, tin tưởng vào lời giới thiệu của những thanh niên này đã bị đưa vào quầy “đặc sản Đà Lạt”, mua sản phẩm mà không được đi tham quan vườn dâu tây.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hương cùng nhóm bạn 9 người đến từ TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, sáng 28-4, nhóm của chị vừa kết thúc điểm tham quan Vườn hoa Đà Lạt, ra lấy xe thì gặp hai thanh niên khoảng 25 tuổi mời đi tham quan vườn dâu tây. Do đang có nhu cầu đi tham quan vườn dâu nên cả nhóm đồng ý đi theo hai thanh niên trên. 

Nhóm của chị Hương sau đó được đưa vào một quầy “đặc sản Đà Lạt” trên đường Nguyên Tử Lực. Hai thanh niên này khuyên nhóm chị Hương vào xem và mua “đặc sản” làm quà tặng rồi sẽ được dẫn tới vườn dâu tham quan, chụp hình miễn phí. 

Tin lời, nhóm chị Hương vào mua mứt dâu tây, nước cốt trái cây, quả kiwi sấy khô... hết gần 1 triệu đồng. Cả nhóm quay ra để đi tham quan vườn dâu thì không thấy hai thanh niên này nữa. “Lúc này cả nhóm mới biết mình đã bị lừa, dụ mua đặc sản chứ không phải là được đi tham quan và chụp hình ở vườn dâu tây!..”, chị Hương kể lại.

Nhiều năm qua, lợi nhuận lớn từ kinh doanh “đặc sản Đà Lạt” đã phát sinh ra một “đội quân đi cò” người mua các loại sản phẩm này. Những người dắt mối, đưa khách tới mua sản phẩm được chủ các quầy đặc sản sẵn sàng chi hoa hồng tới 40% tổng số tiền khách bỏ ra mua sản phẩm. 

Người đi “cò” đặc sản phần lớn đến từ các tỉnh, thành phía Bắc và miền Trung, trong đó có không ít đối tượng thường có những biểu hiện hung hăng, đe dọa, thậm chí hành hung du khách. Tại Đà Lạt, đã từng có án mạng do các nhóm cò tranh giành khách, thanh toán lẫn nhau. 

Nạn “cò đặc sản” trở nên nhức nhối, gây bức xúc, phiền hà, thậm chí là lừa gạt du khách bùng phát mạnh trong những năm qua. Trong một lần giao ban báo chí, ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, chính ông cũng bị những đối tượng “cò đặc sản” bám theo mồi chài, mời đi “tham quan vườn dâu” khi ông đang điều khiển xe trước khu vực Vườn hoa Đà Lạt. 

Đã có thời điểm nạn “cò đặc sản” bùng phát khiến Thủ tướng Chính phủ phải ra văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng trên. Tuy nhiên, sự việc hầu như chỉ tạm lắng xuống một thời gian khi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt, sau đó các đối tượng lại hoạt động, nhất là mỗi khi Đà Lạt bước vào mùa du lịch, hoặc các đợt lễ, tết.

Trong năm 2018, Công an TP Đà Lạt đã triệu tập nhiều đối tượng “cò đặc sản Đà Lạt” tới làm việc, răn đe và xử phạt hành chính nhiều trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật. 

Khắc Lịch

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文