Còn nhiều vi phạm kinh doanh thức ăn đường phố
- Bất lực với vi phạm quán thức ăn đường phố
- Chưa phát hiện chất gây nghiện trong thức ăn đường phố
- Thức ăn đường phố: Kinh hãi thực phẩm bẩn
Phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội) được xây dựng là mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi khi có mặt ở đây thì một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thức ăn không được bày bán trong tủ kính.
Thức ăn bày bán trên vỉa hè, không che đậy, nơi có người và phương tiện qua lại đông. Đây là nguy cơ gây mất VSATTP cao. Trung Liệt có 75 cơ sở thức ăn đường phố, chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ, thường xuyên biến động như ở vỉa hè, nhà ga, bến xe.
Theo đánh giá của Chi cục VSATTP TP Hà Nội thì hầu hết các cơ sở thức ăn đường phố của Trung Liệt đã đảm bảo được 10 tiêu chí ATTP của thức ăn đường phố như có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch sẽ, có túi đựng dụng cụ, rác thải hợp vệ sinh.
Nhưng, điều lo lắng của người tiêu dùng hiện nay chính là nguồn gốc thực phẩm của các cơ sở này liệu có đảm bảo hay không khi trong một đợt kiểm tra của Chi cục VSATTP đã phát hiện nhiều cơ sở không có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm? Và việc kiểm tra chỉ “đếm trên đầu ngón tay” này ai dám bảo đảm nguồn thực phẩm dùng để chế biến thức ăn đường phố đảm bảo sự an toàn?
Hàng ăn bán ngay trên vỉa hè. |
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội thì thành phố đã triển khai thí điểm quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố từ năm 1998 và đến nay đã triển khai ở 100% xã, phường, thị trấn.
Phường Trung Liệt, tuyến phố Núi Trúc và 30 tuyến phố văn minh của 30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng mô hình điểm kiểm soát ATTP đối với thức ăn đường phố. Hà Nội cho biết đã triển khai đồng bộ các hoạt động và nhiều biện pháp để tăng cường kiểm soát ATTP đối với dịch vụ kinh doanh ăn uống và thức ăn đường phố.
Qua quá trình triển khai đến nay đã có 99% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã ký cam kết đảm bảo đủ điều kiện ATTP với chính quyền địa phương. Kiến thức thực hành các nhóm đối tượng tăng so với năm 2013 (người quản lý tăng từ 59,1% lên 86,8%; người kinh doanh, chế biến tăng từ 58% lên 82,9%; người tiêu dùng tăng từ 72,6% lên 83,5%). Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng thức ăn đường phố vi phạm VSATTP, chưa đảm bảo 10 tiêu chí vẫn còn khá nhiều.
Trưa 19-4, có mặt ở tuyến phố Triệu Quốc Đạt – Phủ Doãn, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hàng ăn la liệt trên vỉa hè, người ngồi, người đứng ăn uống rất mất mỹ quan đô thị. Xét về tiêu chí thức ăn đường phố thì các điểm trên đều vi phạm nghiêm trọng. Tại phố Liên Trì, một cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố do quá đông khách đã mượn vỉa hè của cửa hàng bán cá bên cạnh để kê bàn ghế cho khách ngồi ăn. Ngay gần đó là một dãy xe chở rác và bát đĩa được rửa ngay bên cạnh.
Vi phạm nhiều nhất của thức ăn đường phố ở Hà Nội là chế biến, bày bán ngay trên vỉa hè không che đậy, cơ sở chật hẹp, chung với nơi sinh sống của gia đình. Nhiều điểm bán hàng rong không có dụng cụ đảm bảo vệ sinh, bán hàng ngay cạnh rãnh thoát nước. Nhiều chủ cơ sở chưa tuân thủ quy định đảm bảo ATTP, vì lợi nhuận mà coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Ngày 14-4-2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 08/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Theo chỉ thị này thì Hà Nội hiện có khoảng 17% cơ sở thức ăn đường phố chưa đạt các điều kiện ATTP như cơ sở chật hẹp, mặt nền chưa gọn sạch, trang thiết bị dụng cụ chưa thay thế kịp thời, chưa kiểm soát hết được nguồn gốc thực phẩm… Những tồn tại này gây bức xúc trong dư luận, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì hiện nay việc thanh, kiểm tra VSATTP đã phân cấp xuống các quận, huyện, xã, phường nên cơ sở là nơi kiểm soát thường xuyên nhất. Với tình hình vi phạm như hiện nay, Hà Nội đã có chỉ thị yêu cầu các quận, huyện, thị xã quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, các đơn vị chức năng trong việc quản lý cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử phạt khi có vi phạm, kịp thời thông báo tên cơ sở vi phạm lên đài phát thanh xã, phường để người tiêu dùng biết không sử dụng...
Thiết nghĩ, để loại hình kinh doanh thức ăn đường phố của Hà Nội có chuyển biến trong thời gian tới, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng thì việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng được phân cấp cần phải quyết liệt và ráo riết hơn nữa.