Cuộc trùng phùng kỳ diệu sau hơn 44 năm ly tán

15:50 17/05/2015
Ngày đó, giặc càn quét, đốt phá xóm làng, hai chị em họ còn nhỏ nên bị chúng bắt đi và ly tán mỗi người một nơi. Song, không ngờ điều kỳ diệu đã xảy ra, sau hơn 44 năm lưu lạc, họ lại được trùng phùng nhờ chính những người con ruột thịt của mình bằng linh cảm đã nhận ra nhau là anh em khi cùng chung một giảng đường đại học...

Đó là câu chuyện cảm động của hai chị em ruột, bà Hồ Thị Trà (56 tuổi) và bà Hồ Thị Vinh (52 tuổi), quê ở xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Cụ Nguyễn Thị Dần (85 tuổi), trú ở thôn Hưng Lộc, xã Bình Định Nam, là mẹ kế của chị em bà Trà, kể rằng, cụ không nhớ ngày, nhưng chính xác hồi đó là tháng 10/1970. Trong khi chồng cụ thoát ly đi hoạt động cách mạng, ở nhà chỉ có 5 mẹ con, thì bất ngờ quân Mỹ hành quân càn quét. Chúng đã hùng hổ xông vào nhà 2 lần và bắt hai người con gái của cụ là bà Trà và bà Vinh dẫn đi biệt tích. “Khi đó con Trà mới có 11 tuổi, còn con Vinh chưa tròn 8 tuổi. Tui đã khóc hết nước mắt mà không làm gì được”, đôi mắt cụ Dần mờ đục xa xăm.

Đã vào tuổi 85, nhưng cụ Dần còn minh mẫn lắm. Cụ nhắc lại chuyện của hơn 44 năm về trước mà như mới ngày hôm qua. “Những lính Mỹ bắt hai con tui là lính của Sư đoàn 2 đóng tại Tuần Dưỡng, ở Quán Gò, huyện Thăng Bình. Quê tui ngày đó bị giặc càn quét, lùng sục dữ lắm. Tui nhớ như in, hôm đó tui và các con đang ngồi ở nhà thì nghe tiếng chó sủa bên ngoài xóm, biết là lính Mỹ kéo đến nên tui chỉ kịp bồng con Vinh chui xuống hầm phía sau nhà núp. Còn con Trà, con Tấn là em con chú ruột của Trà, bị bọn lính ập vào bắt bỏ lên xe tăng chở đi đâu không ai biết.

Đến sáng hôm sau, chúng quay trở lại. Lúc này, tui đang dọn dẹp dưới hầm trú ẩn, còn con Vinh ngồi chơi trước hiên. Bọn lính lại xông vào bồng con Vinh bỏ lên xe tăng chở đi luôn. Sau đó, gia đình tui có tìm tới chỗ lính Sư đoàn 2 của Mỹ đóng quân để tìm 3 cháu nhỏ, nhưng không có dấu vết nào hết. Bao nhiêu ngày tháng lặn lội tìm con là bấy nhiêu ngày đau đớn, đứt ruột, đứt gan!”.

Cụ Nguyễn Thị Dần (bên phải) kể lại chuyện mất hai con gái hồi chiến tranh.

Tiếp lời cụ Dần, ông Hồ Văn Phước (51 tuổi), em ruột của bà Tấn - người bị lính Mỹ bắt, kể: “Ngày chị Tấn bị bắt, tui khoảng 6 tuổi. Hằng ngày chị em tui thường hay qua nhà bác Dần chơi. Vì ba tui và chồng bác Dần đều tham gia hoạt động cách mạng xa nhà hết. Lúc bấy giờ lính Sư đoàn 2 của Mỹ hay đến lùng sục chỉ bắt cóc phụ nữ và trẻ em chở đi biệt tăm nên ai cũng sợ.

Sau ngày giải phóng, gia đình tui đi khắp nơi tìm chị Tấn và các chị Trà, chị Vinh, nhưng không có manh mối, tung tích nào hết. May là nhờ các con của chị Trà, chị Vinh học cùng trường tình cờ gặp nhau rồi kể cho nhau nghe hoàn cảnh của các mẹ mình và điều kỳ diệu đã đến. Gia đình tui được trùng phùng bên nhau. Niềm vui quá lớn khó nói nên lời!”.

Chúng tôi liên lạc với chị Lê Thị Mỹ Châu (31 tuổi, trú tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai), con ruột của bà Vinh. Khi được hỏi, do đâu mà anh em chị nhận ra nhau, để rồi hai người mẹ xa cách hơn 44 năm gặp được lại nhau. Chị Châu nói rằng, vào năm 2004, chị và anh Khê (con ruột bà Trà) cùng học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. Một hôm, tại quán nước, chị hỏi chuyện mới biết, anh Khê quê ở Quảng Nam. “Thế rồi em hỏi, anh ở Quảng Nam có biết chỗ nào có trái sim nhiều và có hầm trú ẩn cách mạng hay không. Nghe vậy, anh Khê hỏi lại là em hỏi chuyện ấy để làm gì. Em trả lời là quê mẹ em ở Quảng Nam, hồi nhỏ do chiến tranh nên mẹ bị lính Mỹ bắt lưu lạc từ nhỏ cho đến ngày nay vẫn chưa tìm được. Thật bất ngờ khi anh Khê cũng nói là mẹ anh cũng như trường hợp của mẹ em và anh kể về hoàn cảnh của mẹ mình cho em nghe, rằng mẹ anh tên Trà cũng có chị gái đầu tên Thức và em gái út tên Vinh. Câu chuyện tiếp nối dài ra, em và anh Khê linh cảm chúng em là anh em, là con của những người mẹ bị thất lạc. Chúng em lấy số điện thoại của hai mẹ để họ liên lạc với nhau...”, chị Châu tâm sự. Khi bà Trà gọi điện thoại cho bà Vinh, hai người kể hết thông tin, tên tuổi cha mẹ, có bà con chú bác, cô dì tên gì thì cả hai đều nhớ và cũng phần nào nhận ra được có sự trùng khớp với nhau. Đến năm 2006, anh Khê mới sắp xếp thời gian đưa mẹ mình là bà Trà xuống nhà chị Châu ở Đồng Nai gặp bà Vinh để hai người trực tiếp ngồi nói chuyện với nhau. Lúc này hai người nhận được ra nhau là chị em ruột, rồi ôm nhau khóc nức nở.

Thế là hai chị em bị quân Mỹ ập vào nhà bắt chở đi ly tán mỗi người một nơi, mất tích hơn 44 năm đã tìm ra nhau và cùng nhau tìm về lại quê nhà để đoàn tụ với mẹ già đã 85 tuổi. Khó có thể nói hết sự hạnh phúc của họ trong ngày vui đoàn tụ. Thật cảm động khi cụ Dần chân tình: “Tui mong mỏi gặp lại những đứa con từng ngày, từng giờ, bây giờ chúng nó đoàn tụ, tui vui mừng quá. Giờ đây tui có thể nhắm mắt được rồi”. Còn người thân, hàng xóm ai ai cũng mừng cho họ. Ngôi nhà cụ Dần những ngày này rất nhiều người đến chia sẻ niềm vui.

Thành Nhân

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文