ĐBSCL: Đê bao làm mất khả năng trữ nước ngọt

09:20 24/03/2017
Việc xây dựng đê bao được xem là giải pháp cải tạo đất, đem lại hiệu quả lớn trong canh tác lúa. Tuy nhiên, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước cho rằng, hệ thống đê bao đã làm mất khả năng trữ nước của khu vực.


Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT), hiện đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xây dựng trên 23.687km đê bao thủy lợi. Trong đó, 4 tỉnh thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An có tới 17.128km đê bao. 

Việc xây dựng đê bao được xem là giải pháp cải tạo đất, đem lại hiệu quả lớn trong canh tác lúa. Đặc biệt là tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, từ những “cánh đồng hoang” đã trở thành những cánh đồng canh tác lúa 3 vụ. 

Trong 12 năm (2000 – 2012) diện tích canh tác lúa tại 2 vùng trũng này tăng 7 lần, từ 53.000 ha lên 403.000ha. Nhiều nhất là ở 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Tuy nhiên, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước cho rằng, hệ thống đê bao đã làm mất khả năng trữ nước của khu vực. Lượng nước hàng năm mất khoảng 16 tỉ mét khối nước ngọt, nên ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy trong mùa kiệt, gây xâm nhập mặn ở các địa phương cuối nguồn.

Hệ thống đê bao ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang), bị trận lũ tháng 9-2011 “đánh sập”. 

Ghi nhận tại tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười khả năng trữ nước tại tiểu vùng này không đáp ứng đủ cho sản xuất tại chỗ trong mùa khô và không còn khả năng tích trữ nước cho cả vùng ĐBSCL trong mùa kiệt. 

Tháng 3-2016, vào cao điểm đợt hạn hán lịch sử, người dân vùng Đồng Tháp Mười phấn khởi khi hay tin Trung Quốc xả đập thủy điện để có nước cứu lúa Hè - Thu vì nước trong kênh nội đồng đã kiệt. Nhờ nguồn nước thượng nguồn xả về nên 12.000ha lúa Hè -Thu của địa phương vào thời điểm đó được giải cứu, giúp nông dân giảm chi phí bơm tưới; ao hồ có nguồn nước mới đỡ ô nhiễm… 

Không chỉ trong cơn đại hạn lịch sử 2016, từ nhiều năm trước, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên phải thường xuyên đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn trong mùa kiệt.

Trước đó, tại hội thảo “Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL” tổ chức tại Hậu Giang vào tháng 7-2016, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, cho biết: 

“Để ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL cần phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước chung của 6 nước trong lưu vực sông Mê Kông với tinh thần hợp tác cùng phát triển. Các Bộ, Ủy ban Mê Kông Việt Nam, cùng các nhà khoa học phải phát hiện, theo dõi, đánh giá tác động của các dự án khai thác nguồn nước ở thượng nguồn; tiến hành rà soát lại quy hoạch tổng thể bằng cách tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như một tài nguyên”. 

TS Ngô Quang Toản, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đề xuất, rà soát lại quy hoạch lũ ĐBSCL trong bối cảnh có xét đến các tác động bất lợi về dòng chảy lũ, số lượng lũ vừa và nhỏ sẽ tăng. Bên cạnh đó, ưu tiên xây dựng các cống ngăn mặn cặp theo sông Tiền, sông Hậu để ứng phó với các trường hợp mặn xuất hiện sớm và sâu bất thường. 

Còn PGS-TS Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện đổi mới công nghệ thủy lợi Mê Kông, cho rằng: “Công tác nạo vét kênh rạch ở ĐBSCL là rất quan trọng nhằm duy trì sự phát triển châu thổ một cách bền vững. Trong bối cảnh hiện nay việc nạo vét kênh rạch ở khu vực này càng trở nên cần thiết và luôn là sự đầu tư không hối tiếc”…

Theo ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, hiện ĐBSCL luôn bị hạn, mặn, lũ lụt nên phải có biện pháp vừa chống lũ lụt vừa phòng chống hạn, mặn. Trước tiên, chúng ta phải trữ nước. Với tầng nước mặt có 2 cách, thứ nhất là trữ tại những khu dự trữ ở vùng đất ngập nước như Đồng Tháp Mười; thứ hai là từng nông dân, từng địa phương thực hiện nạo vét sâu kênh rạch, trữ nhiều nước nhất trong mùa mưa để dùng trong mùa khô và phải tái bổ cấp nước ngầm. Điều này Trung ương làm chứ từng địa phương không thể làm được, đòi hỏi công nghệ, tài chính và thời gian…

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái độc lập ĐBSCL cho biết, trước kia Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười là hai vùng trũng tự nhiên. Hằng năm ngập đến 3,5m, có thể hấp thu từ 9 đến 10 tỉ mét khối nước mỗi vùng. Trong 20 năm qua, không gian hấp thu lũ của 2 vùng này đã bị chiếm nhiều bởi các ô đê bao khép kín canh tác 3 vụ lúa/năm. Riêng vùng Tứ giác Long Xuyên, khả năng hấp thu lũ đã giảm từ 9,2 tỉ khối/năm năm 2000 xuống còn 4,5 tỉ khối/năm  năm 2011 (giảm 4,7 tỉ khối).
Đức Văn

Tổng thống Nga vừa thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc trong hai ngày 16-17/5 và đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh.

Trong “Ngày hội hiến máu tình nguyện (HMTN) năm 2024” do Ban Thanh niên cùng Bệnh xá Công an TP Đà Nẵng phát động, tổ chức (thu được hơn 400 đơn vị máu) vừa qua có vợ chồng một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Đà Nẵng xung phong hiến những giọt máu hồng đầu tiên.

Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng cho biết, đơn vị không chức năng giải tỏa các hộ đã lấn chiếm hơn 153ha đất tại khu tái định canh và mong muốn sớm chuyển giao khu đất cho UBND huyện Bảo Lâm quản lý, giải tỏa.

Ngày 16/5, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hong Jungpyo (SN 1995, quốc tịch Hàn Quốc) về hành vi “Mua dâm người dưới 18 tuổi”; Đỗ Văn Tuấn (SN 1986) và Bùi Đức Thắng (SN 1972, cùng quê Vĩnh Phúc) về hành vi “Môi giới mại dâm”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文