Du khách "cứu” Voọc Chà Vá bị thương trên bán đảo Sơn Trà
Cụ thể, vào chiều tối 16/2, chị Hoàng Thị Bích Thùy trú tại đường Phan Thanh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cùng nhóm bạn đèo nhau lên khu sinh thái Bán đảo Sơn Trà để tham quan, ngắm cảnh đã bắt gặp một cá thể Voọc chà vá chân nâu giới tính đực, còn non, nặng khoảng 350g. Cá thể Voọc trong tình trạng sức khỏe rất yếu, nằm bên mép cống số 18 rừng đặc dụng Sơn Trà.
Cá thể Voọc trong tình trạng sức khỏe yếu, nằm bên mép cống số 18 rừng đặc dụng Sơn Trà đã được nhóm du khách kịp thời phát hiện và giải cứu. |
Ngay lập tức, chị Bích Thuỳ đã liên lạc điện thoại đường dây nóng của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng nhờ trợ giúp.
Sau khi nhận được thông tin, nhân viên Tổ Trật tự du lịch Sơn Trà và trực ban của Hạt Kiểm lâm đã đến vị trí chị Thùy cung cấp và đưa cá thể Voọc về Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn để chăm sóc sức khỏe trước khi đưa cá thể Voọc trở lại rừng.
Du khách Thùy cùng nhóm bạn kịp thời giải cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cá thể Voọc và bàn giao về Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn để đưa trở lại rừng. |
Được biết, Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km không chỉ là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng bởi nơi đây có khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là ngôi nhà của loài Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) được mệnh danh “Nữ hoàng linh trưởng”. Là loài linh trưởng chỉ phân bố tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiện loài đang đối mặt trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao, Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục đỏ Quốc tế (IUCN, 2015) xếp loài ở mức độ nguy cấp (EN).
Rừng Sơn Trà là ngôi nhà của loài Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) hiện đang được chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm, có những chiến lược bảo tồn một cách bền vững nhằm gìn giữ không gian sống cho loài được mệnh danh “Nữ hoàng linh trưởng” này. |
Năm 2016, các nhà khoa học đồng ý nâng mức độ bảo tồn loài lên Cực kỳ nguy cấp (CR)… Do đó, chính quyền thành phố đã và đang có những chiến lược bảo tồn một cách bền vững nhằm gìn giữ không gian sống, hạn chế tối đa tác động nguy hại đến sự sinh trưởng và phát triển của voọc chà vá.
Việc chị Bích Thùy cùng nhóm du khách kịp thời “giải cứu cá thể voọc chà vá non là hành động đầy ý thức và trách nhiệm để bảo vệ môi sinh môi trường mà chính quyền TP. Đà Nẵng và người dân TP. Đà Nẵng đang hướng đến, bảo tồn.