Đảm bảo an toàn khi sử dụng điện trong mùa khô
- Số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,6%
- Sử dụng điện tăng đột biến ngày nắng nóng
- Xả nước vào mùa khô, thủy điện không cần cảnh báo?
- Chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô
Để ngăn ngừa các vụ cháy nổ do sử dụng điện, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) thành phố thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, kiểm tra khắc phục các sự cố…
Theo đó, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Cảnh sát PC&CC, Sở Xây dựng… và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn; Kiểm tra an toàn cháy nổ trong địa bàn dân cư, đặc biệt ở các chung cư, trung tâm thương mại, chợ, hộ gia đình và khu vực sản xuất, đề xuất và phối hợp xử lý các nguy cơ mất an toàn về điện, cháy nổ.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, bên cạnh công tác kiểm ra, rà soát của các cơ quan chức năng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc phòng chống cháy nổ do sử dụng điện tại gia đình, cơ quan, đơn vị...
Một vụ cháy do sự cố về điện. |
Để ngăn ngừa các vụ cháy nổ do sử dụng điện, cũng như để bảo vệ sự an toàn cho chính gia đình mình, người sử dụng điện nên chủ động rà soát toàn bộ hệ thống điện, thiết bị điện tại nơi mình sinh sống, kinh doanh, sản xuất… nhằm kịp thời khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót.
Đồng thời trang bị, bổ sung thêm kiến thức cho bản thân và gia đình nhằm đảm bảo an toàn khi thiết kế, lắp đặt, sử dụng điện tại hộ gia đình, doanh nghiệp...
Người sử dụng điện cũng cần nắm rõ một số nội dung cơ bản về tuân thủ các quy định về an toàn PCCC, tính toán, lựa chọn dây dẫn điện phù hợp với khả năng chịu tải tiêu thụ điện, hệ thống điện trong nhà cần có thiết bị bảo vệ (aptomat) tổng, thiết bị bảo vệ cho từng khu vực, cho từng thiết bị điện; Không câu mắc dây điện tùy tiện, các mối nối dây dẫn phải đảm bảo đúng kỹ thuật – nối so le và được quấn băng cách điện; nên đặt dây dẫn trong ống, hộp bảo vệ, lựa chọn thiết bị điện có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng các thiết bị điện đúng yêu cầu kỹ thuật, không đặt các thiết bị điện gần các đồ dùng dễ cháy, không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn trên cùng một ổ cắm và tắt thiết bị điện khi không sử dụng; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa, thay thế dây dẫn, thiết bị điện bị hư hỏng một cách kịp thời để ngăn ngừa cháy nổ.
Theo Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, năm 2017, có 15.507 hộ được khảo sát đánh giá tình trạng sử dụng điện, phát hiện 2.018 hộ có những tồn tại có thể gây mất an toàn trong sử điện với 6.174 lỗi liên quan đến yếu tố kỹ thuật, 2.236 lỗi liên quan đến thói quen sinh hoạt của người dân. Các lỗi mất an toàn như dây điện câu móc qua khe cửa sổ, mối nối hở, băng keo lão hóa hoặc bị bong tróc.
Thượng tá Nguyễn Đức Vinh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ trong tháng cao điểm về PCCC, đơn vị đã thực hiện công tác kiểm tra 805 lượt chung cư, nhà cao tầng và trung tâm thương mại, đã phát hiện 139 cơ sở vi phạm về phòng cháy.
Qua vi phạm thực tế cho thấy, phía người dân, mặc dù Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng và các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức cơ bản về PCCC, các kiến thức trong việc sử dụng điện, gas, quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt… nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức chấp hành.
Do nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh, họ đã tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hành lang, lối đi, bố trí khu vực sinh hoạt, kinh doanh trong bãi giữ xe, làm mất tác dụng của cửa đi vào buồng cầu thang thoát hiểm, câu mắc, đấu nối thêm các thiết bị điện không đảm bảo.
Nhiều vụ cháy nghiêm trọng từng xảy ra do sử dụng điện không đúng quy định, để lại hậu quả đau lòng, vì vậy công tác phòng ngừa cháy nổ từ việc sử dụng điện là hết sức quan trọng để hạn chế xảy ra cháy trong mùa khô.