Để dẹp thực phẩm "bẩn", cần tăng thẩm quyền cho cơ sở
- Thực phẩm sạch lên hồ sơ, thực phẩm bẩn vào bếp
- Nhân rộng mô hình tiểu thương nói không với thực phẩm bẩn
Lý giải câu chuyện vì sao năm này qua năm khác, dù được quan tâm của nhiều ban, ngành, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc nhưng vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn... nhức nhối, người dân vẫn bức xúc trước vấn nạn ngộ độc thực phẩm xảy ra, ông Lê Thanh Hải, Phó Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh thừa nhận tại hội nghị tổng kết công tác thanh, kiểm tra ATTP vừa qua, rằng: Quản lý ATTP vẫn có sự chồng chéo của các đơn vị. Khi có sự cố, vẫn "mạnh" sở nào sở ấy "chạy". Theo ông Hải, cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đội quản lý ATTP thuộc Ban với các đơn vị thuộc quận, huyện, tránh tình trạng chồng chéo trong thanh, kiểm tra.
3 tiêu chí tăng cường giám sát
Theo ông Hải, công tác phối hợp làm sao được thống nhất xuyên suốt từ quận 1 tới tận huyện Cần Giờ, nhất là dịp Tết này. "Trên địa bàn thành phố đang quản lý hơn 50.000 cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm đang hoạt động thì mỗi cơ sở phải được thanh, kiểm tra ít nhất 1 lần/năm. Với với 300 nhân sự đang làm công tác thanh tra, giám sát trên địa bàn cũng còn chưa đủ. Nếu thiếu phối hợp, thì dù nỗ lực tới đâu cũng không hiệu quả", ông Hải nhấn mạnh.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP, việc thanh kiểm tra vô cùng quan trọng, nó được coi là một mắt xích trong thực hiện mục tiêu "xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn" do UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo. Lực lượng này có nhiệm vụ "dọn cỏ dại" để có nguồn thực phẩm an toàn cho người dân.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, trong 50.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong năm 2018 đã có 37.000 cơ sở được kiểm tra về thực hiện quy định trong ATTP. Thành phố cũng đang dẫn đầu cả nước về số cơ sở thực phẩm được thanh, kiểm tra về ATTP. Nhưng việc phối hợp bất cập nên chưa phát huy được sức mạnh của thanh tra.
Ngoài ra, cán bộ làm việc dưới quận, huyện phải kiêm nhiệm quá nhiều; chưa có lực lượng tăng cường tại chỗ. Nhiều khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, cần phối hợp cán bộ chuyên trách dưới địa bàn nhưng đoàn công tác có khi đợi "dài cổ" mà không thể có mặt ngay vì còn bận nhiều việc khác như: đi ghi nhận, xử lý ngộ độc, lấy mẫu, kiểm dịch...
Trong khi đội quản lý ATTP của Ban ngoài việc kiểm tra các doanh nghiệp, còn phải tập trung làm nhiệm vụ thanh kiểm tra theo chuyên đề. Do vậy, trước tình hình việc kinh doanh, sản xuất, nhất là vận chuyển thực phẩm cho dịp Tết sẽ có nhiều biến động do nhu cầu người dân tăng cao.
“Từ nay tới hết Tết Nguyên đá 2019, các đơn vị tập trung tăng cường thanh kiểm tra theo 3 tiêu chí: nguồn gốc thực phẩm, nhận thức người tham gia kinh doanh, sản xuất, chế biến, và qui trình vận chuyển thực phẩm. Nghị định 115 đã đưa ra mức xử lý xử phạt rất rõ nhưng phải thực hiện kiên quyết, thể hiện tính răn đe thực thi của pháp luật với cơ sở vi phạm chứ không còn áp dụng hình thức chủ yếu là nhắc nhở nữa”, bà Lan nói.
Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh kẹo. Ảnh minh họa |
Việc thanh kiểm tra ATTP tại chợ truyền thống, theo bà Lan cũng sẽ "áp" theo 3 tiêu chí trên. Trước hết là tại chợ thí điểm, chợ mẫu về ATTP. “Ít nhất mỗi quận, huyện có một chợ đăng kí về ATTP thí điểm. Nhất thiết các tiểu thương phải có sổ sách ghi chép chứng minh nguồn gốc thực phẩm, các đoàn thanh kiểm tra từ nay tới Tết sẽ bất ngờ đột xuất lấy mẫu truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, bà Lan nói thêm.
"Cách làm trên là một giải pháp tạm thời để bịt lỗ hổng quá lớn về ATTP là chợ truyền thống mà ta còn chưa quản lý được triệt để", bà Lan nhấn mạnh và cho rằng, nếu chỉ kêu gọi người dân là hãy mua thực phẩm tại siêu thị để an toàn cũng không khả thi vì thói quen, hiện, tới 80% người dân vẫn có nhu cầu mua thực phẩm tại chợ truyền thống.
Do đó, khi làm tốt ở chợ truyền thống thì hạn chế tiến tới xoá bỏ hoàn toàn chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát là những địa chỉ đen mang nhiều nguy cơ của thực phẩm bẩn lọt vào mâm cơm của người dân, còn làm nhếch nhác bộ mặt đô thị của thành phố.
Đề xuất giao quyền
Khi đề cập tới việc xem xét tăng thẩm quyền xử lý xử phạt với các vi phạm về quy định ATVSTP tại các địa phương hiện nay, bà Phạm Khánh Phong Lan đề xuất giao cho Phó Chủ tịch UBND địa phương có toàn quyền xử lý, xử phạt vi phạm về ATTP.
Song song đó là tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ thanh, kiểm tra thực phẩm, nhất là tại các quận, huyện để việc xử lý vi phạm được nghiêm minh; cần công khai thông tin những doanh nghiệp, cơ sở vi phạm các quy định về ATTP trong kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm.
Vì phạt vài chục triệu đơn vị vi phạm sẽ không hề sợ nhưng nếu công khai danh tính, hành vi vi phạm trên các phương tiện truyền thông thì chủ cơ sở vi phạm sẽ rất "ngán ngại". Việc động viên biểu dương những đơn vị làm tốt cũng rất hiệu quả bằng cách thành lập mô hình các công ty tự đánh giá.
Những cơ sở làm tốt cần đưa lên công khai để người dân biết mà lựa chọn thực phẩm an toàn. Những cơ sở tái vi phạm thì cần phải chuyển danh sách để thanh tra làm việc, kiểm tra thường xuyên. Bà Lan cho biết Ban Quản lý ATTP thành phố đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật xem xét, đề xuất thêm thẩm quyền xử lý xử phạt ATVP, trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, quận, huyện có toàn quyền xử lý xử phạt với các vi phạm về quy định ATTP.
Ảnh minh họa |
Riêng với mục tiêu thiết lập dần tới xoá bỏ dần các quán thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP, đến nay trên địa bàn thành phố đã xây dựng được những khu phố, tuyến đường thức ăn đường phố an toàn tại quận 1, quận 4, quận Tân Phú; và mới đây là chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình.
Trong đó, UBND địa phương cùng ban, ngành đã hỗ trợ bộ phận giám sát tại quận, huyện trước hết là các công cụ hỗ trợ như test nhanh tìm hàn the, formol; các công cụ thiết bị đánh giá độ thực phẩm nhiễm vi sinh... tạo điều kiện cho bộ phận giám sát thực phẩm tại quận, huyện được hoàn thành vai trò.
Riêng hệ thống trường học tại các quận, huyện, 100% các trường đã có kí kết liên tịch với các bộ phận liên quan đảm bảo chỉ nhận nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho bếp ăn tập thể của khối trường học là nơi đáng lo ngại nhất về nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể.