Nới khung thời gian làm thêm giờ: Chỉ nên tăng nếu có lợi cho người lao động

07:36 05/05/2019
Mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là một trong những đề xuất đáng quan tâm trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Bộ LĐ - TBXH trình Chính phủ. Người lao động có thêm cơ hội để cải thiện thu nhập, tuy vậy vẫn có không ít băn khoăn.


Ở góc độ bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, vấn đề này cần phải được xem xét tổng thể và chỉ nên tăng thời gian làm thêm khi có lợi cho người lao động.

Mở rộng lên 400 giờ/năm

Trong dự thảo, Bộ LĐ-TBXH đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Lý do để đưa ra đề xuất này theo Bộ LĐ - TBXH là để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Theo PGS - TS Vũ Quang Thọ, một số ngành nghề không nên cho nới thêm khung thời gian làm thêm giờ.

Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp , nhà đầu tư nước ngoài cho rằng giới hạn làm thêm giờ tối đa theo tháng, theo năm đang ở mức thấp và đề xuất sửa đổi. Do đó, việc mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, tăng tính linh hoạt khi tổ chức làm thêm giờ và góp phần tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Một lý do quan trọng nữa được đưa ra là việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động và góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi tiền lương của người lao động. Theo Bộ LĐ - TBXH, thực tiễn thực hiện quy định về làm thêm giờ cho thấy, một bộ phận không nhỏ người lao động cũng mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bộ LĐ - TBXH lý giải, một số doanh nghiệp khó tuyển dụng người lao động vì không tổ chức làm thêm giờ hoặc nếu không có cam kết làm thêm giờ thì người lao động sẽ bỏ việc để chuyển sang doanh nghiệp khác có làm thêm giờ.

Do đó, việc mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người lao động, bảo vệ tốt hơn quyền lợi tiền lương của người lao động nếu họ có nhu cầu làm thêm giờ.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, dự thảo quy định rất rõ về việc doanh nghiệp phải trả lương và đãi ngộ hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ. Cụ thể, tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết (Điều 99 dự thảo Bộ luật). Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định việc trả lương lũy tiến cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận.

Chỉ tăng nếu có lợi cho người lao động

Thực tế hiện nay, một số lĩnh vực, mức lương giờ làm chính thức của công nhân chỉ bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với lương tối thiểu vùng. Tức chỉ bình quân 3-5 triệu đồng/tháng. Do đó, để có thu nhập cao hơn, người lao động buộc phải tăng ca.

Trao đổi với PV, PGS - TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn chia sẻ, đời sống công nhân lao động hiện nay vẫn đang rất khó khăn. Những công nhân có lương và thu nhập chưa đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống (có nghĩa là có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu), số này chiếm tới 60%.

Cần quy định rõ việc tăng ca phải được người lao động đồng thuận. Ảnh: CTV

“Ai có cơ hội cứ vào khu vực Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng thì sẽ thấy phần lớn công nhân ở các tỉnh đó, số công nhân đồng bào dân tộc chiếm khoảng 30%, họ cứ âm thầm làm việc suốt ca sản xuất. Ca sản xuất của họ không phải 8 giờ vàng ngọc như công chức mà là 10 tiếng, 12 tiếng mà thu nhập chưa đến 4 triệu/tháng. Như thế để thấy được thực trạng của công nhân hiện nay”, ông Thọ nói.

Theo PGS - TS Vũ Quang Thọ thì người lao động không ai muốn tăng ca, tuy nhiên, do mức lương cơ bản còn thấp nên bắt buộc phải tăng ca. Chính vì thế, lao động còn trẻ, còn có sức khỏe thì có điều kiện là sẵn sàng tăng ca để cải thiện thu nhập.

Theo PGS - TS Vũ Quang Thọ thì nên quy định giờ làm thêm ở các văn bản dưới luật, để điều chỉnh theo từng thời kỳ. Ðặc biệt, cần quy định rõ việc tăng ca phải được người lao động đồng thuận, với các chế tài mạnh để ngăn chặn doanh nghiệp ép lao động tăng ca.

Ngoài ra, hiện tại một số lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử lâu nay đã tăng ca rất nhiều không nên cho tăng thêm giờ làm. PGS - TS Vũ Quang Thọ cho rằng, vấn đề căn bản của người lao động hiện nay là cải thiện chính sách tiền lương, tăng thêm thời gian làm thêm để cải thiện thu nhập không phải là giải pháp.

Trong khi đó, dưới góc độ cơ quan đại diện người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi là vấn đề hết sức quan trọng với người lao động. Trong điều kiện hiện nay, việc mở rộng giờ làm thêm cần được xem xét tổng thể từ vấn đề sức khỏe của người lao động, việc làm, an toàn lao động cũng như xu hướng trên thế giới.

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đề xuất nâng thời giờ làm thêm chỉ hợp lý trong điều kiện người lao động phải được lợi. Doanh nghiệp huy động làm thêm giờ phải đúng kế hoạch, tức là để xử lý các trường hợp bất khả kháng, đảm bảo đơn hàng trong từng thời điểm chứ không phải quanh năm ngày tháng nào cũng làm thêm”, ông Quảng cho biết.

Phan Hoạt

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Một quan chức cấp cao tại bang Baja California (Mexico) hôm 4/5 thông tin, các thi thể được tìm thấy dưới một đáy giếng ở khu vực Ensenada của bang này rất có thể là của các vận động viên lướt sóng quốc tịch Mỹ và Australia, vốn được thông báo mất tích hồi tuần trước. 

Giới chức Pháp hôm 4/5 cho biết, ít nhất một người đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương trong vụ xả súng xảy ra ở ngoại ô phía Bắc Thủ đô Paris. Vụ xả súng này được cho là liên quan tới các băng nhóm buôn bán ma túy.

Không chỉ thúc các địa phương tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương phân bổ vốn và giải ngân vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文