Di dời 7 hộ dân ven sông Rạch Tôm vì nguy cơ sạt lở đất
- Vết nứt kéo dài, dân thức trắng đêm lo "hà bá" nuốt nhà
- Xảy ra sạt lở, 26 hộ dân bị ảnh hưởng ở Cà Mau
Theo thông báo của Sở GTVT cho biết, vết nứt dài hơn 40m, rộng 20-60cm, cách mép sông 1-6m tại hẻm 1740 do Khu Quản lý đường thủy nội địa làm quản lý.
Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nhận định: “Vết nứt tại con đường nông thôn này rất nguy hiểm, có nguy cơ gây sạt lở rất cao, đặc biệt sắp đến mùa mưa tình trạng sạt lở tại các khu vực ven sông dễ xảy ra. Vì thế, chúng ta cần khẩn trương, khắc phục”.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trước mắt chúng tôi sẽ đề nghị UBND huyện Nhà Bè khẩn trương di dời 7 hộ dân đến nơi ở mới. Theo quan sát vết nứt, chúng ta không nên chủ quan, có thể gây sạt lở bất cứ lúc nào. Tôi sẽ giao cho Sở GTVT 5 ngày để kiểm tra, rồi báo cáo lên thành phố. Qua đó, cần khảo sát lại 44 điểm sạt lở ở thành phố để có biện pháp khắc phục như nghiên cứu các phiến kè… để tránh tình trạng sạt lở”.
Ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khảo sát khu vực sạt lở sông Rạch Tôm |
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra vết nứt ven sông Rạch Tôm |
Ông Lê Văn Khoa cho biết, cần phải di dời 7 hộ dân tại khu vực có vết nứt, thi công ngay sửa chữa tránh tình trạng sạt lở nghiêm trọng. |
Đại diện Khu Quản lý đường thủy nội địa cho hay, nếu sạt lở xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống hạ tầng và các hộ dân đang sinh sống trên diện tích khoảng 500 - 600m2 với khoảng 7 - 8 nhà dân.
“Hạ tầng bị ảnh hưởng gồm toàn bộ phần đường bê tông nhựa từ trước nhà số 1740/33 đến cuối hẻm (40m x 3m), hai trụ điện bê tông cốt thép và hệ thống ống cấp nước dân sinh đặt dưới lòng đường, một cầu dân sinh bê tông cốt thép rộng 2m cuối hẻm”, vị đại diện cho biết.
Để khắc phục tình hình sạt lở khu vực nói trên, UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở GTVT thành phố, Khu Quản lý đường thủy nội địa, UBND huyện Nhà Bè, UBND xã Nhơn Đức chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện ngay việc vận động, di dời tài sản và bố trí nơi tạm trú an toàn cho các hộ dận đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, rào chắn toàn bộ khu vực không để người và phương tiện không lưu thông qua lại, theo dõi sát diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra thực tế hiện trạng khu vực, đánh giá tổng thể về nguy cơ xảy ra sạt lở để có chỉ đạo kịp thời về giải pháp, biện pháp ứng phó nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường vào sáng 1-6, ngoài vết nứt dài trên đường, bức tường nhà dân cũng bị nứt và mặt đất phía bên ngoài bờ sông đã bị lún 3-5cm so với mặt đường. Hiện trường đã được lực lượng chức năng giăng dây, cảnh báo điểm sạt lở, rào chắn, phong tỏa toàn bộ khu vực xảy ra vết nứt. Một nhà dân bị nứt toát cũng được địa phương vận động, di dơi qua nơi ở tạm khác.
Vết nứt kéo dài khoảng 40m |
Khu vực có vết nứt đã được rào chắn |
Nhà của một hộ dân bị nứt toát đã được di dời đến nơi ở mới |
Theo anh Đỗ Đức Lợi (34 tuổi, nhà cạnh hiện trường) cho hay: “Trước đây nhiều năm, ở đây cũng đã có vết nứt nhỏ, ngay sau đó, chúng tôi báo cáo vụ việc lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, không ai xuống ghi nhận, đồng thời khắc phục sự cố. Để tránh gây nguy hiểm, chúng tôi đã dùng xi măng và đá đổ bê tông, san lấp những vết nứt.
Theo đó, sáng 30-5, vết nứt kia càng lớn, sau cơn mưa đổ xuống vào chiều cùng ngày, khiến mặt đường bị nứt nẻ, phạm vi vết nứt càng lớn hơn và hở rộng, phía dưới khoét hàm ếch nham nhở.
“Sau khi nhận tin báo từ người dân, chính quyền địa phương đã đến kiểm tra và lên phương án di dời một số hộ dân ở khu vực này nhằm bảo đảm an toàn trước khi khắc phục. "Tuy nhiên, gia đình tôi cũng như các hộ khác vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nên vẫn đang rất lo lắng", chị Nguyễn Thị Diệu Hiền thông tin.
Trong khi đó, chị Hồng lo lắng vì những vết nứt dài, rộng có thể gây sạt lở bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa đang sắp đến. “Từ khi xuất hiện vết nứt lớn, gia đình luôn lo lắng, ngủ mà cứ sợ nhà sập xuống sông. Hy vọng chính quyền địa phương sớm có giải pháp đóng cừ tràm, xây kè, khắc phục sớm cho người dân an tâm”, chị Hồng cho hay.