Xử lý dứt điểm khiếu kiện đất đai kéo dài ở các quận huyện
Ngày 5-7, tại kỳ họp thứ 4, HĐND Hà Nội đã dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về những vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Đặc biệt là các vấn đề đang tồn tại “nhức nhối” ở Thủ đô như vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), vi phạm phòng cháy chữa cháy... Đây là các vấn đề đã từng được chất vấn trong kỳ họp trước nhưng chưa được UBND TP giải quyết thấu đáo.
- Hà Nội lập 5 đoàn kiểm tra vi phạm trật tự xây dựng
- Thanh tra, xử lý cá nhân để vi phạm trật tự xây dựng kéo dài
- Hà Nội: Xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng
- Hà Nội yêu cầu báo cáo tình trạng vi phạm trật tự xây dựng
Báo cáo tổng hợp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND, UBND TP Hà Nội tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến tình hình an ninh nông thôn đang có dấu hiệu “nóng” xuất phát từ sai phạm trong quản lý và sử dụng đất chậm xử lý; hoạt động “tín dụng đen”, lô đề diễn ra công khai trắng trợn, tổ chức đánh bạc lén lút tinh vi.
Lý giải vấn đề trên, UBND TP Hà Nội cho biết, Thủ đô đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với “áp lực” lớn về sự phát triển, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân diễn biến phức tạp, có mặt còn diễn ra gay gắt.
Qua công tác nắm tình hình, UBND TP Hà Nội chỉ rõ, trên địa bàn thành phố hiện còn 14 vụ việc phức tạp về an ninh nông thôn, đô thị, diễn ra tại 12 quận, huyện. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, tố cáo cán bộ tham nhũng, tiêu cực chậm bị xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, gây mất lòng tin trong nhân dân... UBND TP Hà Nội nhận định, các vụ việc trên nếu không xử lý dứt điểm sẽ tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.
Về hoạt động “tín dụng đen”, lô đề, cờ bạc trên địa bàn, UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian qua tình trạng này vẫn diễn ra tuy không công khai nhưng quy mô, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, nhất là ở các địa bàn nông thôn.
Theo UBND TP Hà Nội các ổ, nhóm cờ bạc thường xuyên thay đổi phương thức, địa điểm hoạt động, nhất là tại một số địa bàn có địa hình phức tạp như sông hồ, đồi núi, hoặc địa bàn giáp ranh. Đặc biệt, tình hình cờ bạc lợi dụng công nghệ cao (lô đề, cá độ bóng đá, xóc đĩa qua mạng), diễn ra trên mạng internet, có sự liên kết giữa các đối tượng tại thành phố Hà Nội với các đối tượng tỉnh ngoài và nước ngoài.
Báo cáo từ lãnh đạo TP cho thấy, các vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, người bị hại ít khi trình báo cơ quan công an hoặc không hợp tác vì nhiều lý do như đối tượng cho vay đe dọa… dẫn đến khó khăn cho công tác điều tra, khám phá.
Tham mưu với Bộ Công an, TP kiến nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng tăng chế tài xử phạt đảm bảo tính giáo dục, răn đe; bổ sung hình phạt đối với nhóm hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh, xử lý đối với các hành vi này…
Phiên chất vấn ngày 5-7, kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội |
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Vũ Ngọc Anh cho biết, trên địa bàn Hà Nội đang có hơn 900 công trình vi phạm chưa xử lý dứt điểm dù thanh tra xây dựng đã lập biên bản, thậm chí là Chủ tịch UBND TP đã có chỉ đạo xử lý. “Đơn cử là những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại các địa bàn Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh ... Dù tại kỳ họp thứ 3, chủ toạ đã kết luận chỉ đạo các địa phương phải giải quyết tình trạng này nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Vậy nguyên nhân là do đâu ? Giải pháp nào cho vấn đề này?”, ông Vũ Ngoc Anh đặt câu hỏi.
Một đại biểu khác nêu ý kiến, vi phạm TTXD trên đất nông nghiệp đang diễn ra rất phức tạp, công trình vi phạm từ trước chưa được xử lý dứt điểm nhưng đã có công trình mới xuất hiện dù từ năm 2014, TP đã có quy định tăng cường quản lý về quản lý xây dựng trên đất nông nghiệp trong đó quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận huyện thị xã.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Văn Châm, địa phương có nhiều sai phạm trong lĩnh vực TTXD thừa nhận có tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn mình quản lý, đặc biệt nghiêm trọng tại các xã như Hải Bối và Nguyên Khê. Ông Châm thừa nhận, nguyên nhân nằm ở sự quản lý yếu kém của chính quyền cơ sở tại một số thời điểm, trách nhiệm thuộc về cán bộ chuyên môn, lãnh đạo cơ sở, chưa xử lý kiên quyết và 3 khóa liền đều phải xử lý cán bộ, thậm chí là hình sự từ Bí thư đến Chủ tịch xã.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cũng đưa ra thời điểm xử lý dứt điểm tình trạng trên ở xã Nguyên Khê là trước 15/7 và xã Hải Bối là trong vòng 6 tháng cuối năm. Ông Châm cam kết, sau xử lý mà vẫn tái diễn vi phạm sẽ chuyển cơ quan pháp luật để xử lý.
Ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch huyện Mê Linh cũng thông tin, trong năm 2016, huyện Mê Linh đã đình chỉ nhiệm vụ của hai chủ tịch xã để chấn chỉnh việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Ông Trọng cho biết việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, huyện "xin nhận trách nhiệm về công tác tuyên truyền". Đối với các địa phương để xảy ra vi phạm nhiều như thị trấn Quang Minh sẽ có chấn chỉnh cụ thể với chính quyền cơ sở.
Trao đổi thêm về lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thừa nhận việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn là phổ biến. Và trong năm vừa qua dù các cấp chính quyền có cố gắng, có tập trung nhưng việc thực hiện chưa nhiều. Những sai phạm cũ chưa được xử lý triệt để, những phát sinh mới chưa được xử lý sớm. Vì vậy diễn biến còn phức tạp. "Chúng ta còn nhận dạng trước đây vi phạm trật tự xây dựng chủ yếu ở nội thành thì nay còn xuất hiện ở ngoại ô, đất nông nghiệp và cả hành lang an toàn của đê điều, điện lực", ông Hùng nói.