Du lịch biển miền Trung khởi sắc trở lại sau sự cố môi trường biển
Chị Nguyễn Thị An, chủ nhà hàng Bình An ở biển Thái Lai, xã Vĩnh Thái, phấn khởi cho biết: “Vợ chồng em mở quán trở lại cách đây đã 4 tháng, đặc biệt từ 2 tháng nay, lượng khách đến đây ăn uống, tắm biển và nghỉ dưỡng rất đông. Bình quân mỗi ngày, vợ chồng em thu vào trên 10 triệu đồng, cá biệt có ngày trên 20 triệu đồng. Doanh thu này là lớn nhất từ trước đến nay, kể cả so với thời điểm trước khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung”.
Khu du lịch tắm biển, ăn hải sản và nghỉ dưỡng Thái Lai được hình thành từ năm 2012. Thời điểm trước tháng 4-2016, khu du lịch này có 18 nhà hàng, quán nhậu, thu hút hàng trăm lượt khách đến đây mỗi ngày. Tuy nhiên, đến 9-2016, tức 5 tháng sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, khu du lịch trở nên hoang phế. Đến đầu tháng 3-2017, sau khi các bộ, ngành chức năng công bố thông tin biển miền Trung đã an toàn rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, bà con ngư dân Vĩnh Thái đã bắt tay sửa sang, xây mới, mở lại các nhà hàng, quán xá, đi vào hoạt động trở lại, lượng khách đến đây ngày càng đông.
Ông Trần Văn Thận, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, vui mừng nói: “Không chỉ biển Thái Lai, mà các bãi tắm biển khác trên địa bàn xã Vĩnh Thái cũng đã đông khách trở lại từ 3-4 tháng nay. Đây là một trong những hướng phát triển kinh tế biển bền vững do có nhiều thuận lợi nhờ vào đặc thù biển của địa phương. Trong đó đặc biệt nguồn hải sản đều do bà con ngư dân tự làm ra với ưu điểm vừa tươi ngon, vừa có giá bán rẻ hơn so với nhiều nơi khác do không phải mua bán lại”.
Tại Khu du lịch biển Cửa Việt, huyện Gio Linh, mùa hè này thu hút đông khách nhất so với các bãi tắm biển khác ở Quảng Trị. Nơi đây có trên 50 nhà hàng, quán xá, chủ yếu do bà con ngư dân thị trấn Cửa Việt và các địa phương lân cận đầu tư kinh doanh từ nhiều năm qua.
Du khách đến tắm, ăn hải sản ở biển Cửa Việt đông đúc trở lại. |
Theo ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, sự cố môi trường biển miền Trung đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của bà con ngư dân trên địa bàn. Đối với các hộ kinh doanh, bà con đã phải đóng cửa nhà hàng, quán xá 8-9 tháng liền do khách sợ không ăn hải sản và không tắm biển. Đến giữa tháng 5-2017, khách tắm biển có đến nhưng thưa thớt. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng nay, khách đã không còn ngần ngại, vừa tắm biển, vừa ăn hải sản, nghỉ ngơi tại đây rất đông.
Cũng như ở Quảng Trị, theo ghi nhận của chúng tôi, tại bãi tắm biển Nhật Lệ (TP Đồng Hới, Quảng Bình) trong các ngày 9 và 10-8-2017, khách du lịch tập trung về đây đông kín nhà hàng, quán xá và bãi biển. Chị Bùi Thị Tình, chủ nhà hàng Tình Vượng, xởi lởi cho biết: “Khách đông từ 2 tháng nay rồi mấy chú nờ. Bình quân mỗi ngày, tui bán thức ăn đồ uống cũng trên 15 triệu đồng”.
Tại bãi tắm biển Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), du khách Nguyễn Hữu Thành đến từ tỉnh Đắk Nông cho hay, mùa hè năm nay, gia đình anh đã 2 lần đi du lịch biển. Lần trước đến biển Nhật Lệ, Quảng Bình, lần này chọn biển Cảnh Dương và thêm một điểm đến nữa gần với Cảnh Dương là Vườn Quốc gia Bạch Mã. Điều làm anh và các thành viên trong gia đình yên tâm đi du lịch biển, là bởi vì biển đã được công bố an toàn; các món ăn hải sản ở biển lại luôn tươi và ngon…
Ông Hồ Xuân Hòe, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, chia sẻ: “Việc đông du khách trở lại tắm biển và ăn hải sản là một tín hiệu rất đáng mừng. Bởi điều này không chỉ là niềm tin vào khoa học, mà còn là điều kiện, cơ sở để phục hồi lại một cách mạnh mẽ nền kinh tế biển, trong đó có du lịch, kinh doanh từ biển”.