Hà Nội dự kiến thu 10.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất

08:22 05/02/2017
Năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề xuất các giải pháp có hiệu quả để tăng thu ngân sách Nhà nước; trong đó, dự kiến thu từ công tác đấu giá quyền sử dụng đất đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 40.000 tỷ đồng, thu tiền đấu giá khoáng sản 82,5 tỷ đồng.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan về việc phân cấp cho chính quyền cấp huyện được đứng ra đấu giá và phê duyệt giá khởi điểm quyền sử dụng đất đối với các dự án nhỏ lẻ và những diện tích đất xen kẹt quy mô dưới 5.000m2.

UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc triển khai Luật Đất đai năm 2013 trong đấu giá quyền sử dụng đất đã có thuận lợi. Đặc biệt, việc cải cách thủ tục hành chính và phân cấp thí điểm cho UBND cấp huyện đã đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo lý giải của UBND TP Hà Nội, hiện nay các điểm đấu giá đất nhỏ lẻ, xen kẹt trên địa bàn các huyện, nhiều nơi chỉ 1 triệu đồng/m2, số lượng thửa đấu giá có khi chỉ có một hoặc một vài thửa xen kẹt. Trong khi đó, quy định của Chính phủ về giá đất xen kẹt dưới 5.000m2 phải có giá khởi điểm quyền sử dụng đất dưới 30 tỷ đồng.

Nếu cấp quận, huyện, thị xã được giao và thực hiện tốt sẽ vừa gắn trách nhiệm của cấp huyện trong giải quyết vấn đề đất đai, vừa tránh những diện tích đất xen kẹt không nằm trong quy hoạch bị lấn chiếm, đấu giá thấp. Thực tế, qua rà soát tại các địa phương của Hà Nội cho thấy, tình trạng lấn chiếm đất công ích đang có dấu hiệu gia tăng.

Năm 2016, trên địa bàn Hà Nội có 20 đơn vị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, với diện tích đất tổ chức đấu giá là 23,8 ha, số tiền trúng đấu giá là 4.221 tỷ đồng/3.050 tỷ đồng được giao, đạt 138% kế hoạch.

Tiền thu từ đất đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, tương đương 15% tổng thu ngân sách thành phố; trong đó, tiền sử dụng đất khoảng 22.400 tỷ đồng, tiền thuê đất 4.256 tỷ đồng và các khoản thu khác.

Cũng theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2016, mặc dù ngành đã hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu của thành phố trong các lĩnh vực như đấu giá quyền sử dụng đất, cấp sổ đỏ, bảo vệ môi trường, cải cách thủ tục hành chính, xử lý vi phạm đất đai…, song công tác giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp vẫn còn rất chậm. Nguyên nhân do nguồn lực cho giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật quỹ đất dịch vụ còn hạn chế.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cùng các ngành làm việc với các quận, huyện có số lượng lớn về nhu cầu đất dịch vụ, như: Mê Linh, Hà Đông, Thạch Thất, Hoài Đức... để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ cho các hộ đã tổ chức xét duyệt.

Minh Nghĩa

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文