Hạn chế các hoạt động chưa cần thiết để khắc phục hậu quả thiên tai
- Mưa kết hợp triều cường dâng cao gây thiệt hại hàng ngàn ha diện tích lúa, cây ăn trái
- Lũ về sớm gây thiệt hại nặng cho diện tích lúa tại ĐBSCL
Những ngày qua, do liên tục bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới; bão số 5, số 6 và số 7, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xảy ra mưa lớn, lốc xoáy, kết hợp triều cường dâng cao, làm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 4.585m; sập 18 căn nhà; tốc mái 56 căn; ngập 20.981 ha lúa, 267 ha rau màu, 3.806 ha nuôi trồng thủy sản.
Nhiều tuyến đường bị ngập, hư hỏng cục bộ ảnh hưởng đến giao thông đi lại, nghiêm trọng nhất là các tuyến đường nội ô TP Cà Mau...
Nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị đổ, mọc mầm. |
Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 20-10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn hỏa tốc yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của tỉnh về phòng chống thiên tai.
Theo đó, giao Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình, thông báo kịp thời về diễn biến cơn bão, các thiệt hại có thể xảy ra và biện pháp ứng phó. Tăng tần suất tuyên truyền, cảnh báo liên tục trên các phương tiện thông tin truyền thông.
Chính quyền địa phương, các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, cảnh báo trên hệ thống truyền thanh cấp xã, tin nhắn, mạng xã hội... để người dân biết, chủ động thực hiện theo đúng hướng.
Lực lượng vũ trang địa phương giúp người dân huyện Trần Văn Thời thu hoạch lúa bị ngập úng. |
Đặc biệt, chú ý cảnh báo thiệt hại và biện pháp phòng, chống đối với diện tích lúa hè thu tại huyện Trần Văn Thời; lúa - tôm đang xuống giống, diện tích thủy sản nuôi, các khu vực sạt lở đất, có nguy cơ sạt lở đất ven sông, ven biển, rừng phòng hộ và phương tiện hoạt động trên biển.
Hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê kịp thời, đầy đủ, chính xác các thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, đặc biệt thiệt hại đối với lúa hè thu và xuống giống lúa – tôm.
Trên cơ sở kết quả thống kê, rà soát thiệt hại, các huyện, thành phố đủ điều kiện khẩn trương thực hiện hồ sơ, thủ tục và hỗ trợ hộ bị thiệt hại khôi phục sản xuất sau thiên tai theo quy định.
Giao UBND các huyện, thành phố rà soát, tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp các hộ có nhà ở bị thiệt hại sớm sửa chữa, khắc phục để ổn định chỗ ở.
Huy động tối đa máy móc, nhân lực để giúp dân thu hoạch lúa; vận động doanh nghiệp thu mua hết lúa đã thu hoạch; gia cố bờ bao, đắp đập tạm để khoanh ô thủy lợi ở những nơi có khả năng khép kín, lúa ít bị thiệt hại hoặc có thể thu hoạch, tích cực bơm nước ra bên ngoài, kết hợp vận hành hệ thống cống khi thủy triều xuống thấp để chống ngập úng, bảo vệ sản xuất.
Rà soát, điều chỉnh lịch thời vụ, thông báo đến các địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân sản xuất; vận động người dân chủ động chuẩn bị lúa giống để khôi phục sản xuất đối với diện tích lúa - tôm bị thiệt hại, không để trễ mùa vụ.
Sở GTVT rà soát các vị trí ngập sâu, đoạn đường hỏng bị ngập, vị trí cống bị hư hỏng... thông báo trên phương tiện thông tin truyền thông và cắm biển cảnh báo để người tham gia giao thông biết, tránh để xảy ra tai nạn…
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người dân tạm thời hạn chế tổ chức các liên hoan, vui chơi, giải trí và các hoạt động chưa thật sự cần thiết, nhằm tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân…