Hàng quán “hồn nhiên” bủa vây trạm biến áp, trụ - bốt điện

09:06 21/11/2016
Vụ nổ bốt điện xảy ra ở quận Hà Đông (Hà Nội) vào chiều 17-11, khiến 1 người tử vong và 4 người bị thương thêm một lần nữa cảnh báo về những nguy cơ tai nạn đi kèm với hoạt động kinh doanh, mua bán gần khu vực trạm biến áp, trụ - bốt điện hoạt động.


Đến giờ khi nhắc đến vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến bốt điện trên địa bàn quận Hà Đông vào chiều 17-11, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng. Tai nạn liên quan đến trạm biếp áp, trụ - bốt điện thật khó lường. Vụ tai nạn đau lòng trên càng cho thấy, mối nguy hiểm khi sinh hoạt, kinh doanh gần khu vực có trạm biến áp, trụ - bốt điện hoạt động.

Thực tế cho thấy, nhằm phân bổ kịp thời nguồn điện cho các hộ dân, thời gian qua, ngành điện lực đã triển khai lắp đặt hệ thống các trạm biến áp, trụ - bốt điện… trên các tuyến phố, xen lẫn trong khu dân cư. Tuy nhiên, có một điều dễ thấy, hành lang an toàn trạm biến áp, trụ - bốt điện trên nhiều tuyến phố thuộc khu vực nội thành Hà Nội đang bị xâm hại bởi một số người dân chủ quan, thiếu ý thức khi kinh doanh, mua bán.

9h30, ngày 20-11, tại khu vực gần nút giao phố Đội Cấn - Giang Văn Minh (Ba Đình), chúng tôi thấy, hoạt động mua bán rau, quả đang diễn ra khá nhộn nhịp. Cảnh mua bán này diễn ra hàng giờ đồng hồ bất chấp nguy cơ tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào.

Bán rau ngay trước cổng Trạm biến áp Đội Cấn. Ảnh chụp sáng 20-11.

Tại Trạm biến áp Tam Đa 4, gần số nhà 254 Thụy Khuê (quận Tây Hồ), cũng có một “cửa hàng” bày bán hoa quả hoạt động ngay dưới chân trạm biến áp này. Khảo sát trên một số tuyến phố Lê Duẩn, Thụy Khuê, La Thành..., chúng tôi cũng bắt gặp tại nhiều vị trí đặt trạm biến áp, trụ - bốt điện… vì cuộc sống mưu sinh, một số bà con đã phớt lờ những nguy hiểm đang rình rập, vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Công tác phòng chống cháy nổ tại những khu vực này đang bị bỏ ngỏ. Khi được hỏi: “Không sợ tai nạn cháy nổ liên quan tới điện xảy đến sao, mà thản nhiên kinh doanh dưới chân trạm biến áp, trụ - bốt điện?”, nhiều người trả lời rất vô tư: “Từ trước đến nay, có xảy ra cháy nổ bao giờ đâu mà lo!”.

Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, đã quy định rõ, hành vi trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác… đều bị nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, đối với các trạm điện không có tường, rào bao quanh, hành lang bảo vệ được giới hạn bởi không gian bao quanh trạm điện có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm điện theo quy định như sau: Điện áp đến 22kV, khoảng cách là 2m; điện áp 35kV, khoảng cách là 3m… Còn đối với các trạm biến áp, trạm phân phối điện hợp bộ, có vỏ bằng kim loại thì hành lang bảo vệ được giới hạn đến mặt ngoài của phần vỏ kim loại v.v... Quy định là thế, vậy nhưng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Ông Đặng Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Hồ (Hà Nội) cũng thừa nhận rằng, mặc dù khi đơn vị lắp đặt hệ thống trạm biến áp, trụ - bốt điện trên các tuyến phố, trong khu dân cư đều gắn biển cảnh báo nguy hiểm, cấm lại gần, nhưng vì một bộ phận người dân thiếu ý thức, vì cái lợi trước mắt, đã phớt lờ biển báo cấm, kinh doanh ngay trong hành lang an toàn, bảo vệ trạm biến áp, trụ - bốt điện.

Một số người dân còn căng, phơi cả quần áo ngay trên trụ - bốt điện. Những việc làm trên sẽ gián tiếp làm giảm tuổi thọ các thiết bị cách điện, khiến nguy cơ bén lửa, chập điện gây cháy nổ rất dễ xảy ra, nhất là khi một số người còn sử dụng nguồn lửa, bếp than… Trước những vi phạm nêu trên, Công ty Điện lực Tây Hồ cũng chỉ biết tuyên truyền, nhắc nhở tới bà con vì không có thẩm quyền cưỡng chế, xử lý các vi phạm.

Rõ ràng để tránh “mất bò mới lo làm chuồng”, trước thực trạng vi phạm nêu trên, bên cạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng, trong đó đi đầu là chính quyền địa phương - nơi để xảy ra vi phạm, cần kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm.

Diễm Lệ

Sáng 18/11, trong quá trình lực lượng chức năng thực hiện đảm bảo ANNT, cưỡng chế thu hồi đất, nhóm các đối tượng thành viên trong gia đình bà Nhan – ông Điền đã dùng bom xăng, xe cuốc, hung khí tấn công lực lượng chức năng, khiến 5 CBCS bị thương, nhiều phương tiện, máy móc của đơn vị thi công công trình bị hư hại.

Khoảng 16h ngày 18/11, tại khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc địa bàn xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh đều sinh năm 2011, học sinh trường THCS xã Hiền Quang mất tích, hiện mới tìm thấy 1 thi thể.

Để tránh sự phát hiện, các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả ngụy trang trên trang thương mại điện tử Lazada hoặc trên sàn giao dịch điện tử Bambooship để tạo các đơn vận chuyển với nội dung giả là sản phẩm linh kiện điện tử. Thực tế, trong mỗi kiện hàng là thuốc lá nhập lậu để gửi đến các tỉnh, thành phố để tiêu thụ. 

Tâm thấy dải phân cách trồng nhiều bụi cau kiểng có chiều cao che khuất tầm nhìn các bảng quảng cáo nên nảy sinh ý định thuê người cưa các bụi cây cau kiểng để tạo khoảng trống, không bị khuất tầm nhìn. Tâm đã thuê 3 đối tượng chặt 9 cây cau kiểng với giá 15 triệu đồng.

Ngày 18/11, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa bắt giữ 2 phụ nữ dùng xe ôtô vận chuyển ma túy từ thị xã La Gi tới TP Phan Thiết, Bình Thuận để kiếm 500 nghìn đồng tiền công.

Sau 2 tuần lao dốc, giá vàng đã có phiên đảo chiều tăng mạnh, kéo kim loại quý trở lại “quỹ đạo” tăng giá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文