Hàng trăm tàu cá háo hức “xông biển” đầu năm

08:54 20/02/2016
Sau một thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, sáng 19-2, hàng trăm tàu cá của ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất bến ra khơi “xông biển” đầu năm và đánh bắt cá vụ Nam…


Tại khu vực cảng cá tỉnh Thừa Thiên - Huế, hàng trăm tàu cá của các xã biển Phú Hải, Phú Diên, Phú Thuận, thị trấn Thuận An... (huyện Phú Vang) neo đậu san sát bên nhau, bà con ngư dân tất bật chuyển ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm… lên tàu để chuẩn bị cho chuyến đi biển đầu năm mới. 

Tàu cá ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế ra khơi dịp đầu năm mới Bính Thân.

Sau khi đã cùng các bạn tàu khuân vác gần 400 cây đá lên tàu cá TTH-96800TS, anh Nguyễn Văn Diễn (38 tuổi, trú thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An) cho biết, trước đây anh và các bạn tàu thường đánh bắt hải sản trên chiếc tàu cá công suất 250CV. Nhờ những chuyến biển trúng đậm, năm ngoái, gia đình anh đã đóng mới được tàu cá công suất 820CV để làm dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản của ngư dân trên biển. 

“Trong năm 2015, tàu của gia đình thu mua được trên 500 tấn hải sản, trong đó, chủ yếu thu mua từ các tàu đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và các ngư trường ở vùng biển miền Trung để đưa vào cảng ở đất liền tiêu thụ. Tui hy vọng rằng, khi có chiếc tàu mới này thì sản lượng thu mua trong năm 2016 sẽ tăng cao”, đứng trên tàu cá còn thơm mùi gỗ mới, anh Diễn phấn khởi chia sẻ. 

Trong không khí háo hức chuẩn bị cho chuyến “xông biển” đầu năm mới, lão ngư Lê Văn Mậu (trú xã Phú Hải) chủ tàu cá TTH-50018TS, công suất 600CV, nói rằng, sau một thời gian neo thuyền “nằm bờ” nghỉ ăn Tết cổ truyền, đến hôm nay tàu cá do ông làm thuyền trưởng khởi động máy để vươn khơi đánh bắt cá vụ Nam và đồng thời đây cũng là chuyến đi biển đầu năm mới. Theo ông Mậu, trước khi tàu xuất bến, hầu như chủ tàu nào cũng chuẩn bị một mâm cỗ để cúng bái các vị thần cầu mong cho một năm đi biển được sóng yên bể lặng, khoang thuyền luôn đầy ắp tôm cá…

Ông Nguyễn Đặng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, đến nay, trên địa bàn thị trấn có 383 tàu cá công suất từ 90-800CV, trong đó có trên 20 chiếc được đóng mới với tổng sản lượng hải sản đánh bắt trong năm 2015 đạt trên 7.500 tấn. 

Đặc biệt, trong ngày lễ xuất quân ra khơi đầu năm, những tàu cá này đều đồng loạt treo mới lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu nhằm thể hiện quyết tâm đoàn kết vươn khơi, bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Theo thống kê, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 300 tàu cá công suất lớn tham gia đánh bắt ở vùng biển xa bờ, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng đánh bắt hải sản. 

Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định: Trong năm 2016, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tạo điều kiện hơn nữa để ngư dân ở các xã bãi ngang được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, đồng thời kêu gọi ngư dân tiếp tục cải hoán, nâng công suất máy, thành lập các tổ tàu đoàn kết nhằm nâng cao năng suất và sản lượng đánh bắt hải sản, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc ngư trường và biển đảo Tổ quốc.

Anh Khoa

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文