Hồi sinh cánh rừng ngập mặn khu đầm phá lớn nhất Đông Nam Á
- Hơn 2 triệu USD cho phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình
- 8,8 triệu euro để bảo vệ rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long
- Khôi phục rừng ngập mặn ven biển để thích ứng với biến đổi khí hậu
Rú Chá (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế) được biết đến là cánh rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn lại trên phá Tam Giang - khu đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Thế nhưng ít ai biết được rằng, từ những năm 80 trở về trước, khu rừng ngập mặn này từng đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.
Ông Nguyễn Lợi, một cao niên ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong cho biết, do sự quản lý lỏng lẻo cộng thêm việc người dân chưa có ý thức bảo vệ rừng ngập mặn nguyên sinh nên đã có thời điểm, rừng Rú Chá bị người dân đốn hạ không thương tiếc để lấy cây làm củi đốt hoặc lất đất nuôi tôm, gây nên tình trạng đất rừng bị xói lở nặng nề, mất cân bằng sinh thái hệ đầm phá...
“Từ chỗ là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, thủy sản nên khi những cây chá bị đốn chặt, chim chóc lẫn các loài tôm cá cũng dần biến mất, Rú Chá ngày ấy gần như là khu rừng “chết”. Thế nhưng, kể từ khi Nhà nước quy hoạch vùng bảo vệ rừng thì người dân địa phương đã biết chung tay bảo vệ, rừng Rú Chá dần được hồi sinh từ đó”, ông Thành chia sẻ.
Trồng rừng mở rộng diện tích khu rừng ngập mặn Rú Chá trên phá Tam Giang. |
Theo UBND xã Hương Phong, sau nhiều năm nỗ lực bảo vệ rừng, hiện khu rừng Rú Chá còn giữ được diện tích gần 5ha, trong rừng có nhiều cây chá cổ thụ gần 100 năm tuổi. Khu rừng được người dân địa phương ví như bức bình phong che chắn gió bão, ngăn lũ lụt và trở thành nơi cư ngụ của nhiều loại tôm, cá, chim, cò, diệc, vạc...
Một trong những người có công lao giữ gìn để khu rừng ngập mặn trên phá Tam Giang hồi sinh như bây giờ đó chính là vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (72 tuổi, ở thôn Thuận Hòa, Hương Phong). Nhận thấy cánh rừng không có người giữ như “nhà vắng chủ” nên năm 1988, vợ chồng ông Đáp đã tình nguyện ra khu rừng này dựng căn nhà tre nứa tạm bợ để ở và giữ rừng, ngăn cản những ai có ý định đốn hạ cây chá...
“Lúc đầu vợ chồng tôi chuyển ra khu rừng sinh sống thì làng xóm bảo chúng tôi bị điên khi đất liền không ở lại ra ở giữa đầm phá mênh mông, biết lấy gì mà sống? Nhưng lúc ấy tôi đâu nghĩ nhiều như thế, thấy rừng bị chặt hạ xơ xác mà xót lắm. Lo sợ cánh rừng biến mất nên vợ chồng tôi bàn nhau ra đây ở để giữ rừng...”, ông Đáp nói.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vợ chồng ông Đáp đã có gần 30 năm gắn bó với từng mảnh đất, từng gốc cây để bảo vệ khu rừng ngập mặn Rú Chá. Từ việc làm ý nghĩa của vợ chồng ông Đáp nên đến nay, người dân ở Hương Phong đã nâng cao được ý thức bảo vệ rừng, cánh rừng Rú Chá vì thế dần được hồi sinh mạnh mẽ.
Ngoài nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn và bảo vệ rừng Rú Chá ngập mặn nguyên sinh, mới đây Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế còn đầu tư nhiều tỷ đồng để trồng 10.000 cây dừa nước, đước, bần trên diện tích 4,6ha, góp phần mở rộng diện tích rừng Rú Chá lên trên 9ha.
Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên- Huế cho hay, với mục đích phát triển rừng ngập mặn cùng với xây dựng mô hình thủy sản, tạo sinh kế cho người dân nên trong năm 2017, đơn vị sẽ tiến hành trồng mới thêm 10ha rừng ở vùng Rú Chá, tạo vành đai bảo vệ khu dân cư, diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân.
“Ngoài khu rừng Rú Chá, Chi cục còn tiến hành trồng mới 50ha rừng ngập mặn trên phá Tam Giang tại xã Quảng Lợi, tổ chức phân phát 100.000 cây ngập mặn để các địa phương trồng tại các cửa sông, cửa biển và ven vùng phá Tam Giang. Qua đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng xói lở, tạo môi trường tốt cho các loài thủy sản cư ngụ và hình thành điểm xanh trên vùng đầm phá rộng lớn bậc nhất Đông Nam Á này để phục vụ phát triển du lịch sinh thái”, ông Dũng cho biết thêm.