Không đồng ý với kiến nghị của nhà máy xử lý rác TP Cà Mau
- Cà Mau tồn đọng hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt
- Người dân bức xúc vì nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm môi trường
- Dân chặn xe vận chuyển rác thải vào nhà máy xử lý rác
- Nhà máy xử lý rác Phương Thảo tiếp tục ngưng hoạt động1
Ngày 1-11, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trả lời trực tiếp các kiến nghị của chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau đưa ra đối với tỉnh sau khi kiểm tra thực tế tình hình bảo trì, bảo dưỡng của nhà máy trong 3 tháng qua.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận cho Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau ngưng hoạt động 3 tháng để bảo trì, bảo dưỡng (kể từ ngày 27-7). Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư tiếp tục xin gia hạn thời gian ngưng tiếp nhận rác thêm 3 tháng; đồng thời đề nghị tăng mức hỗ trợ xử lý rác; giao thêm 10 ha đất theo kế hoạch...
Rác thải vất bừa bãi bên đường ở huyện Cái Nước (Cà Mau). |
Theo ông Lâm Văn Bi, tỉnh chia sẻ những khó khăn của doanh nhiệp. Tuy nhiên, thời gian UBND tỉnh cho phép nhà máy ngưng hoạt động đến nay đã hết và không cho phép nhà máy tiếp tục ngưng hoạt động.
“Đề nghị chủ đầu tư sớm khắc phục khó khăn để vận hành lại nhà máy. Việc chậm trễ thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm” - ông Bi nói và cho biết hiện tại địa phương đang gặp khó trong khâu xử lý rác ở các bãi chứa tạm.
Và việc chủ đầu tư yêu cầu tăng thêm mức hỗ trợ từ 350.000/tấn rác lên 500.000đ/tấn, ông Bi cho rằng, chính quyền địa phương đang áp dụng định mức hỗ trợ chi phí xử lý rác, chứ không phải thuê nhà máy xử lý rác.
“Cà Mau đang hỗ trợ cho nhà máy không thấp hơn so với các tỉnh, nên chủ đầu tư cần chia sẻ khó khăn với ngân sách của địa phương, nên hiện tại không thể tăng thêm mức hỗ trợ” - ông Bi khẳng định. Ông Lâm Văn Bi cũng giao cho các ngành chức năng nghiên cứu, tạo điều kiện hỗ trợ cho chủ đầu tư tiêu thụ các sản phẩm sau xử lý rác.
Hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt chưa được xử lý ở TP Cà Mau (Cà Mau). |
Được biết, Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau là nhà máy xử lý rác thải duy nhất của tỉnh Cà Mau, đi vào hoạt động năm 2012, tổng công suất 200 tấn rác mỗi ngày với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Việc nhà máy ngưng hoạt động 3 tháng qua khiến nhiều địa phương, như các huyện Trần Văn Thời, Năm Căn, Cái Nước... bị tồn đọng một lượng lớn rác thải, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt và đời sống của hàng ngàn hộ dân.