Không kiểm soát được hoạt động khai thác cát, ĐBSCL sẽ lâm nguy!

08:17 28/04/2017
Những năm qua, hoạt động khai thác cát và hút cát lậu trên các tuyến sông đã gây sạt lở nghiêm trọng. Vào mùa khô, tình trạng này càng xảy ra dữ dội hơn. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có hơn 260 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450km. Mỗi năm sạt lở lấy đi gần 500ha đất trong vùng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, trên các tuyến sông Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên qua thuỷ phận Vĩnh Long, Trà Vinh và tuyến sông Tiền, sông Hậu qua Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, lực lượng Công an liên tục bắt giữ các sà lan xáng cạp khai thác cát trái phép.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp được cấp phép nhưng vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm, khai thác sai vị trí được cấp phép. Chiều 12-4 vừa qua, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang xáng cạp ĐN-0176 và ghe gỗ không biển số đang khai thác cát trái phép trên sông Hậu, phía bờ Cần Thơ.

Chủ phương tiện Trần Ngọc Thắng (ngụ tỉnh Đồng Nai) đã xuất trình giấy phép do Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang ký và được gia hạn từ 3 năm lên 6 năm (kể từ ngày 22-10-2014), khai thác tại mỏ Tân Bình 2 (Bình Tân, Vĩnh Long). Tuy nhiên khi kiểm tra, phương tiện đã khai thác lấn sang vị trí thuộc thủy phận phường Trà Nóc, quận Bình Thủy (Cần Thơ) 18m.

Đại tá Nguyễn Hữu Lập, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ cho biết, trên phương tiện trang bị cả ống nhòm để quan sát lực lượng chức năng từ xa. “Khi phát hiện lực lượng, sà lan liền di chuyển sang vị trí được cấp phép. Vì vậy để bắt quả tang, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ phải bố trí trinh sát theo dõi rất vất vả”, Đại tá Lập nói.

Các phương tiện hoạt động rầm rộ trên tuyến sông Tiền, qua huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp).

UBND tỉnh An Giang vừa ký quyết định xử phạt Công ty TNHH Thiện Phúc 140 triệu đồng và tịch thu 2 sà lan đặt cần mang BKS LA.07027 và LA.07038. Doanh nghiệp này được cấp phép nhưng lợi dụng đêm khuya đã khai thác cát ra ngoài vị trí cấp phép về phía bờ sông thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) khoảng 120m.

Người dân sống ven khu vực các tuyến sông phản ứng rất gay gắt với các hoạt động khai thác cát. Bởi tình trạng sạt lở đất bờ sông đang diễn ra phức tạp, cuốn trôi nhiều nhà cửa, cây trồng. Ngày 20-4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương ký công điện khẩn về tình hình sạt lở bờ sông Tiền tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Từ đầu tháng 4-2017, tại khu vực này xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng hơn 2km, ảnh hưởng đến khoảng 200 hộ dân. Nhiều nơi sạt lở chỉ cách QL30 từ 15 - 25m.

Theo người dân, sạt lở là do các phương tiện hoạt động khai thác cát tại huyện Chợ Mới (An Giang). Cũng trong ngày 20-4, tại khu dân cư trên tuyến lộ liên xã thuộc khu vực bờ sông Vàm Nao (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới), xuất hiện vết nứt với chiều dài khoảng 70m cùng vết nứt khác ở nền nhà gần bờ sông.

Đến sáng 22-4, ngành chức năng đang tổ chức họp để xử lý thì 16 căn nhà của người dân bất ngờ sụp xuống lòng sông. Tỉnh An Giang đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Vụ sạt lở gây ảnh hưởng thêm đến 90 hộ dân khác cùng 1 nhà máy, buộc phải di dời. “Ở đầu và cuối 2 đoạn sông này đều có điểm khai thác cát. Đây là nguyên nhân gây sạt lở”, ông Trần Văn Bi – người có hai căn nhà bị nhấn chìm xuống sông bức xúc.

Theo ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khu vực sạt lở ở mức đặc biệt nguy hiểm. Đây là đoạn bờ sông có trường tiểu học, khu hành chính xã, khu dân cư sinh sống tập trung với nhiều nhà dân và các cơ sở sản xuất. Hiện tình hình vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái sông Mekong nhận định, các tỉnh ở thượng nguồn khai thác cát thì chắc chắn sẽ gây sạt lở chỗ khác. Dòng chảy “đói” cát làm cho xói lở bờ sông, sạt lở bờ biển sẽ dữ dội. “Nếu những hố sâu dưới lòng sông do khai thác cát hình thành, chắc chắn rằng sạt lở sẽ càng hung hăng và những hiểm họa môi trường với ĐBSCL là rất khó lường”, thạc sĩ Thiện cho hay.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích, cát ở ĐBSCL được lắng đọng lâu dài, từ vài chục năm đến cả trăm năm trước, mới tạo ra nền của đáy sông, cù lao và các tầng lưu trữ nước ngọt trong đất. Hiện nay lượng cát về không đủ và lượng cát hằng năm biển kéo đi quá nhiều nên bờ biển đang bị xói lở.

“Mấy năm nay, bờ biển lở kinh khủng do phần bù cát ít hơn phần biển lấy đi. Chúng ta đang thiếu hụt cơ sở dữ liệu đồng bộ, chưa khảo sát mặt cắt của toàn bộ dòng sông, chưa làm mặt cắt thềm đồng bằng ra biển. Vì vậy, cần phải có một nghiên cứu toàn bộ địa hình dòng sông, đặc biệt là thềm đồng bằng”, Tiến sĩ Ni nói và cảnh báo: Hiện nay, các tỉnh cấp phép khai thác cát nhiều và “mạnh ai nấy cấp” là nguyên nhân gia tăng sạt lở. Về lâu dài chúng ta phải ý thức được chuyện ĐBSCL sẽ không còn cát. Nếu không có cát, ĐBSCL sẽ lâm nguy!

Tỉnh Đồng Tháp đã cấp cho 4 doanh nghiệp, với 18 giấy phép khai thác, với tổng công suất 8,9 triệu m3/năm. Ngoài ra, còn có 3 dự án nạo vét tuyến đường thuỷ nội địa do Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho phép và 2 dự án nạo vét khu vực đậu tàu, thuyền cửa khẩu quốc tế Thường Phước, dự án nạo vét thí điểm cồn Linh do tỉnh cho phép. Đến tháng 3-2017, có 85 phương tiện đang khai thác và thi công nạo vét trên sông Tiền, sông Hậu qua địa phận tỉnh Đồng Tháp.

Trên địa bàn tỉnh An Giang có 8 đơn vị khai thác cát tuyến sông Tiền và sông Hậu. Riêng địa bàn xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép. Tuyến sông Hậu từ cầu Cần Thơ lên đến cầu Vàm Cống (quận Thốt Nốt) có 26 xáng cạp đang hoạt động tại 10 mỏ cát, trong đó, Cần Thơ cấp phép 2 mỏ (7 xáng cạp), Vĩnh Long 4 mỏ (10 xáng cạp)...

Văn Vĩnh

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文