Không thể chủ quan khi bị ong đốt
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Vì khu điều trị Trung tâm Chống độc của Bệnh viện chưa đủ rộng, cùng một lúc hơn 100 người (gồm 52 học sinh, phụ huynh đi kèm và cán bộ y tế địa phương) đã gây quá tải mặt bằng, khiến chúng tôi phải tư vấn để chuyển sang khoa Nhi của Bệnh viện, nhằm xử trí kịp thời. Qua khai thác thông tin và xem xét xác ong thì các bác sĩ sơ bộ nhận định các cháu bị ong ruồi đốt - loài ong thuộc nhóm ong mật nhưng nhỏ như con ruồi. Thông thường ong này đốt không gây độc tính nhưng có thể gây dị ứng và đau.
BS. Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết: Ngay sau khi nhận được tin phối hợp, chúng tôi đã chỉ đạo bác sĩ trực liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện và Trung tâm Chống độc để cùng phối hợp xử lý. Khoa Nhi lập tức tăng cường thêm ngay hai bác sĩ và hai điều dưỡng đến hỗ trợ kíp trực để cùng xử trí, sao cho không ảnh hưởng đến việc cấp cứu cho các bệnh nhân nặng khác đang cần khám và điều trị. Chính nhờ có các giải pháp kịp thời này mà các cháu học sinh đã được thăm khám và đã xử trí ngay. Chỉ trong vòng 2h đồng hồ, hầu hết các cháu bị nhẹ đã được về nhà. Chỉ còn hai cháu có trên 10 nốt đốt, chúng tôi quyết định lưu lại Khoa Nhi để theo dõi thêm. 4h sau khi có kết quả xét nghiệm không có vấn đề gì nghiêm trọng hai học sinh đó cũng đã ra viện.
Bệnh nhân Lý Quỳnh Tr., 13 tuổi ở Mai Châu, Hoà Bình bị ong đốt tới 115 mũi. |
Theo các phụ huynh kể lại, vụ việc ong đốt học sinh trường Tiểu học Yên Sở xảy ra lúc 15h chiều, bởi trong giờ ra chơi, một vài học sinh nam đã dùng đá ném vào tổ ong gây vỡ tổ, khiến ong bay tứ tung và đốt cùng lúc nhiều học sinh.
Trước tình hình này, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng đã cảnh báo mức độ nguy hại khi bị ong đốt. Theo đó, ong đốt có thể không gây nguy hiểm nếu vết đốt ít, nhưng nếu bị đốt nhiều vết hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ... hoặc nếu cơ địa bị dị ứng, đề kháng kém... thì nhiều nguy cơ có thể xảy ra, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi bị ong đốt, nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể chết ngay trong 30 phút đầu tiên. Nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc ong mà tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người. Điều này có nghĩa là chỉ một con ong cũng có thể làm chết người.
Bị ong đốt, người bệnh có thể có các biểu hiện tại chỗ và toàn thân như sưng đau, ngứa, đỏ, hoặc nổi mề đay, ngứa, sau đó là sốc phản vệ, khó thở, phù nề thanh quản, đớ lưỡi. Tiếp theo, có thể suy hô hấp, phù nề các phế nang, nôn, tụt huyết áp, tiêu chảy. Do không đi tiểu được nên cơ thể bị ứ nước, urê không thải ra ngoài và thận không làm việc dẫn đến suy thận cấp.
Để giúp các em học sinh, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh có thể xử lý nếu gặp hoàn cảnh tương tự, BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc đã tư vấn cách xử trí khi bị ong đốt: Khi bị ong thường hoặc các loại côn trùng đốt thì cần vệ sinh chỗ bị đốt bằng cồn 70 độ, rồi bôi bằng mỡ corticoid (4-6 lần/ngày) và Phenaegan (8 – 10 lần/ngày). Các gia đình nên dữ trữ sẵn các loại thuốc trên trong tủ thuốc gia đình để khi có sự cố xảy ra có thể xử trí ngay và đưa người nhà đến cơ sở y tế gần nhất. Khi bị trên 10 nốt ong đốt thì bệnh nhân nên ở bệnh viện để theo dõi. Đối với trường họp ong vò vẽ, ong bắp cày đốt thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có xử trí kịp thời. Vì đây là 2 loại ong đốt có gây độc tính. Trong trường bị đốt vào vùng đầu, mặt, cổ có thể gây phù nề thanh môn dẫn đến bít đường thở, hoặc sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh. Sau khi được xử trí sơ bộ tại y tế địa phương, tuỳ tình trạng bệnh nhân, nếu cần thiết sẽ chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Tuyệt đối không nên tự ý đưa bệnh nhân từ xa vượt tuyến thẳng về Trung ương khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
Được biết, từ đầu năm 2015 đến nay Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 10 trường hợp bị ong đốt, trong đó có một ca tử vong. Ngoài hơn 50 học sinh trên, Trung tâm Chống độc cũng đang điều trị cho bệnh nhân Lý Quỳnh Tr., 13 tuổi ở Mai Châu, Hoà Bình bị ong đốt tới 115 mũi khắp người. Tình trạng của bệnh nhi này rất nặng, hiện đang được các bác sĩ điều trị tích cực.