Kiến nghị gắn logo trên xe Uber, Grab
Tại Hội thảo, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, trong khi doanh nghiệp taxi truyền thống không được gia tăng số lượng xe trong 6 năm qua, số lượng xe của Uber và Grab trong năm 2016 hoạt động như taxi tăng gần 10.000 xe.
Cũng theo ông Bình, trong khi taxi truyền thống phải gánh chịu nhiều loại thuế cao như: thuế giá trị gia tăng 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20% thì theo công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Uber và Grab đang được hưởng mức thuế doanh thu chỉ 3% trên 80% doanh thu. Do vậy, thực chất Uber và Grab đang được hưởng ưu đãi với mức thuế 2,4% trên doanh thu và 1,6% thuế thu nhập. Điều này gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng, taxi truyền thống đang phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh của Uber, Grab.
Với lợi thế không phải chịu sự quản lý nào, họ đang sử dụng mọi chiêu trò như giảm giá, trợ giá cho lái xe, chủ xe nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường, đẩy doanh nghiệp taxi trong nước vào nguy cơ phá sản.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, Uber, Grab là loại hình vận tải hợp đồng dưới 9 chỗ, hoạt động tương đồng như taxi. Tuy nhiên, công tác quản lý đối với loại hình này đang còn lỗ hổng, chưa bắt kịp với phát triển của thực tế.
Mặc dù xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, nhưng đến năm 2016 chúng ta mới bắt đầu thu được thuế của Uber. Đề xuất cách quản lý, ông Thanh cho rằng, Uber, Grab cần được cấp phù hiệu, phải có logo và phải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải.