Kỹ sư người Mông thông thạo 6 'ngoại ngữ'

11:04 29/03/2015
Ngoài tấm bằng kỹ sư, A Lồng còn thông thạo tiếng Anh, có thể giao tiếp trôi chảy với người nước ngoài. Hơn nữa, nhiều năm học tập, sinh hoạt cùng các bạn trong trường dân tộc nội trú nên A Lồng còn biết 5 thứ tiếng dân tộc khác.

Đồng Ruộng là bản 100% người dân tộc Mông sinh sống, ngàn đời nay nằm ẩn mình giữa rừng già âm u, là bản nghèo đói và khó khăn bậc nhất huyện Trấn Yên, Yên Bái. Chuyện ăn no, mặc ấm đến nay vẫn còn là bài toán khó đối với đồng bào nơi đây. Tốt nghiệp cấp 3 đã là chuyện lạ nên việc Giàng A Lồng (34 tuổi) đi học đại học, rồi trở thành người Mông đầu tiên và duy nhất được biên chế vào làm việc ở huyện Trấn Yên lại càng khó tin như một câu chuyện cổ tích.

A Lồng (A Lòng) là con thứ 4 trong gia đình, năm anh 12 tuổi thì bố mất. Một mình mẹ anh, bà Vàng Thị Máy ở vậy nuôi 9 người con. Mãi năm 8 tuổi, anh mới xuống núi đi học lớp 1, cũng bắt đầu trọ học một mình. Gần 30 năm trước, từ Đồng Ruộng ra trung tâm xã còn chưa có đường đi. Anh trai A Lử lúc ấy phải vạch cả chục km đường rừng đưa em đi học, được vài lần thì anh phải tự đi.

A Lồng kể: “Có lần, thấy con beo (hổ - PV) vồ chết trâu giữa rừng, mình sợ quá trèo vội lên cây, nín thở đợi cả mấy tiếng đồng hồ mới dám tụt xuống đi tiếp. Vừa đi vừa chạy đến tụt cả dép cũng không dám nhặt. Cuối tuần về, bố phải làm cho cây nỏ để phòng thân”.

Khi học hết lớp 2 Trường Tiểu học Kiên Thành, anh đã được Trường Dân tộc nội trú huyện Trấn Yên về tận nơi tuyển đi học. Suốt 7 năm học nội trú, cậu bé người Mông đều được giấy khen vì thành tích học tập xuất sắc. Cấp 3, A Lồng lên Thái Nguyên để theo học trường Vùng cao Việt Bắc. Chăm chỉ, sáng tạo trong học tập, anh vinh dự nhận được 1 trong 4 suất học bổng Học sinh nghèo vượt khó trị giá gần 1.000 đôla Mỹ của một tổ chức nước ngoài.

A Lồng trong một chuyến đi bản phổ biến kiến thức cho người dân.

Năm 2001, anh là chàng trai người Mông đầu tiên và duy nhất ở Kiên Thành thi đỗ Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Để có tiền đi học, A Lồng xin làm bốc vác, cột giấy ca đêm ở Nhà máy giấy Yên Bình. Anh em trong nhà máy thương cậu thanh niên dân tộc thiểu số bé nhỏ, gầy gò nhưng thật thà, chăm chỉ nên cứ rảnh rỗi là lại làm đỡ việc, mỗi dịp lấy lương, hay lễ tết đều cho anh một khoản nho nhỏ để giúp trang trải các khoản, cũng có thể mua sắm thêm cho các em.

Ra trường với tấm bằng giỏi, dù được nhiều nơi mời về làm việc nhưng anh cương quyết trở về rừng núi, đem kiến thức của mình giúp đỡ bà con. Sau hai năm công tác ở Hạt Kiểm lâm huyện, năm 2011, anh được chuyển về làm cán bộ văn hóa xã hội xã Kiên Thành. Công việc nghe chừng đơn giản như vậy, nhưng là người đầu tiên có bằng đại học chính quy làm trong bộ máy chính quyền địa phương, cộng với đức tính cẩn thận, chăm chỉ, thật thà, nên anh được tín nhiệm giao kiêm nhiệm công tác thủ quỹ, kế toán lại cả phụ trách công tác trồng rừng.

Với kiến thức được học trong nhà trường, anh hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc tre măng bát độ. Đã có thời gian, Kiên Thành trở thành “vựa măng” lớn nhất Yên Bái, kinh tế, đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt. 

Ngoài tấm bằng kỹ sư, A Lồng còn thông thạo tiếng Anh, có thể giao tiếp trôi chảy với người nước ngoài. Hơn nữa, nhiều năm học tập, sinh hoạt cùng các bạn trong trường dân tộc nội trú nên A Lồng còn biết 5 thứ tiếng dân tộc khác là: Dao, Thái, Tày, Cao Lan, Mường. Điều này giúp anh rất nhiều trong công tác tiếp xúc, tuyên truyền cho bà con nhân dân.

Đặc trưng của Kiên Thành là xã có nhiều thành phần dân tộc cùng chung sống, không phải ai cũng biết tiếng Kinh nên bằng vốn kiến thức và ngôn ngữ đa dạng của mình, anh dễ dàng phổ biến kiến thức nông, lâm nghiệp, pháp luật, các chế độ chính sách, thậm chí là cả sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho nhân dân. Với đức tính ham học hỏi, Giàng A Lồng còn có bằng C tin học, hệ thống máy tính sử dụng tại UBND xã Kiên Thành đều do anh cài đặt, bảo hành và hướng dẫn mọi người sử dụng,

Nhờ có người cán bộ văn hóa tận tụy A Lồng mà mấy năm trở lại đây, Đồng Ruộng đã xóa bỏ được hầu hết những tập tục lạc hậu, sinh nở hay ốm đau, nhân dân đều đến cơ sở y tế.

Anh Triệu Kim Tư, bố cháu Triệu Tiến Lâm, cháu bé người Dao ở thôn Đồng Phay, được mổ tim miễn phí luôn xúc động khi nhớ đến “bố Lồng của con trai”: “Năm 2011, may mà nhờ có anh ấy đến tận nhà, cùng vợ chồng tôi đưa cháu đi khám, rồi làm giúp các thủ tục để cháu có thể được mổ tim miễn phí thì bây giờ con bé mới khỏe mạnh hoàn toàn và có thể đi học được như thế này. Không có anh ấy, chúng tôi cũng đành bó tay trước bệnh tình của con, nhà nghèo, lấy đâu ra mấy chục triệu mà chữa trị”.

A Lồng là người đã góp công lớn trong xóa bỏ hủ tục tang ma để người chết trong nhà cả tuần mới đem chôn của dân tộc mình. Cùng với cán bộ y tế xã, anh đến từng nhà trong bản để tuyên truyền, vận động và thuyết phục bà con. Ngoài ra, tất cả đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đều đã có thẻ bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho bà con trong công tác khám và chữa bệnh.

Đặc biệt, Kiên Thành giảm hẳn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Như cặp Giàng A Súa (17 tuổi) và Sổng Thị Mảy (14 tuổi). Súa là con người em trai út của anh, biết tin sớm mai Súa chuẩn bị đi “cướp” cô bé cùng bản về làm vợ, anh đang đi tập huấn ở dưới thành phố cũng lặn lội về ngay trong đêm “quán triệt” cháu.

Nhắc đến chuyện “cướp vợ hụt” của mình, Súa bảo: “Nếu đợt ấy chú Lồng không can thì em đã bỏ học giữa chừng để lấy vợ là đứa em họ rồi. Giờ em không lấy nó nữa, chú bảo, lấy thế vừa phạm pháp, vừa làm họ nhà mình yếu đi”.

Ông Dương Kim Hưng, Bí thư thường trực UBND xã Kiên Thành cho biết: “A Lồng là người Mông duy nhất được biên chế vào làm việc trong toàn huyện Trấn Yên. Cậu ấy không chỉ là một đảng viên gương mẫu mà còn là một cán bộ xông xáo, tận tụy và thật thà. Cậu ấy luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ công tác được giao nên không chỉ nhân dân mà đồng nghiệp và cấp trên rất quý mến và tin yêu”.

Anh Thư

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文