Lạc vào “ma trận” số nhà ở TP Đà Lạt

08:11 27/08/2018
Hàng chục con đường chưa được đặt tên, người dân tự tiện đánh số nhà, đánh số không theo thứ tự, nhiều nhà dùng chung một số… là thực trạng đang xảy ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Sự lộn xộn, tùy tiện trong việc đánh số nhà đã gây ra không ít phiền toái, bực bội cho những người có nhu cầu đi tìm nhà, nhất là nhân viên bưu điện, giao hàng hóa suốt nhiều năm qua và ngay chính gia chủ.

Mờ mắt đi tìm số nhà

Không chỉ ở rất nhiều khu dân cư tại vùng ven Đà Lạt, ngay cả khu vực trung tâm thành phố, số nhà rất lộn xộn, tùy tiện, khiến người đi tìm số nhà quan sát “mỏi mắt” vẫn không ra nhà cần tìm, hoặc tìm ra số nhưng không đúng địa chỉ gia chủ ở.

Anh Thương, nhân viên chuyên giao hàng hóa, bưu phẩm cho một doanh nghiệp cho biết, việc tìm số nhà để giao bưu phẩm, hàng hóa là công việc tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và… sự bực bội. “Có khi xác định được chủ nhà ở đường đó rồi, tìm đúng số nhà nhưng lại không đúng người cần tìm vì nhiều nhà cùng dùng chung một số. Hai bên gọi đi gọi lại cho nhau cả chục cuộc vẫn không gặp được nhau.

Những lúc thế này, mình phải xác định một vị trí dễ nhận biết nhất, ví dụ đang đứng ở đầu đường, bên cạnh khách sạn, trường học, gần quán ăn nọ kia, thậm chí góc cây, cột điện… rồi chờ người ta tới nhận. Có trường hợp người gửi hàng hóa, bưu phẩm quên ghi số điện thoại người nhận, tôi phải tới nhà tổ trưởng dân phố để hỏi, nhờ họ đưa tới nhà thì mới ra!...

Nói chung, ở Đà Lạt, số nhà trên nhiều con đường, khu dân cư chỉ là “vật trang trí” chứ không có ý nghĩa về mặt xác định địa chỉ, vị trí!..”, anh Thương cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, tại một khu vực đối diện đường Hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt, có khoảng như 70% gia đình chưa có số nhà. Ông Lê Mạnh Huy (57 tuổi) có nhà tọa lạc ngay cổng tổ dân phố hồ Than Thở phản ánh, tại khu vực này nhiều năm qua chưa có gia đình nào được cơ quan chức năng gắn số nhà, việc này khiến nhiều hộ gặp vướng mắc, bất tiện khi cần xác định địa chỉ cụ thể để liên lạc.

Tổ dân phố hồ Than Thở, phường 12, TP Đà Lạt có khoảng 300 hộ nhiều năm qua chưa có số nhà.

Để giải quyết bất cập này, ông Huy tự gắn biển ghi “số 149 đường vòng Lâm Viên” trước nhà gần một năm nay. “Thấy nhà đối diện bên đường ghi số nào, tôi ghi đại số đó để người ta tìm nhà, có gửi đồ đạc gì cho dễ nhớ, chứ đợi thành phố đánh số nhà thì chưa biết đến khi nào!”, ông Huy giải thích. Cách làm bất đắc dĩ trên của ông Huy khiến nhiều gia đình trong tổ dân phố xem là có lý, tự ý đánh số nhà và làm biển gắn lên.

Tại tổ dân phố hồ Than Thở, phường 12, TP Đà Lạt, từ nhiều năm nay có khoảng 300 hộ chưa được gắn số nhà. Việc “nhà không số” đã khiến cho các gia đình tại đây gặp rất nhiều bất tiện, phiền toái trong việc xác định địa chỉ để liên lạc. “Nhiều lần đi làm các giấy tờ hành chính cần phải ghi địa chỉ chi tiết nhưng nhà không có số tôi buộc phải điền bừa vào một số nào đó!…”, anh Hưng, người có nhà nhưng không có số ở tổ dân phố hồ Than Thở nói.

Không chỉ ở vùng ngoại ô, ngay ở nhiều tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TP Đà Lạt tình trạng số nhà lộn xộn, không theo trình tự, nhiều nhà chung một số xảy ra khá phổ biến. Bà Hoàng Thị Nguyên, đường Hùng Vương cho biết, gia đình bà đã xây xong nhà từ lâu nhưng nay vẫn chưa được cấp số nhà. Nhìn số nhà bên cạnh bà Nguyên tự nghĩ ra và đặt số cho nhà mình rồi gắn bảng.

Tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường 1, TP Đà Lạt, mặc dù nhà mặt đường chính nhưng lại xuất hiện gần chục căn nhà có cùng một số là  2/1 và 2/3. Tương tự, tại một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, nhiều căn nhà cùng dùng chung số 6B khiến ai muốn tìm người thì phải tới gõ cửa từng nhà để hỏi tên gia chủ. Trên đường Bùi Thị Xuân, hai nhà ở sát nhau nhưng một mang số 9A, nhà kế bên lại là số 53A.

Chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều

Ông Nguyễn Văn Ron, Chủ tịch UBND phường 12, TP Đà Lạt cho biết, hiện nay trên địa bàn phường còn khoảng gần 1.000 hộ dân chưa được cấp hoặc đổi số nhà cũ. UBND TP Đà Lạt mới tiến hành cấp địa chỉ nhà cho hơn 400 hộ dân trên địa bàn phường và sắp tới thành phố sẽ tiến hành rà soát, xem xét cấp số nhà cho các hộ tiếp theo.

“Các hộ dân chưa được cấp số nhà do đường một số khu vực chưa được đặt tên, tổ dân phố mới tiến hành dãn dân chưa lâu nên việc cấp số nhà cũng có khó khăn chung”, ông Ron nói.

Theo UBND TP Đà Lạt, hiện tổng số giấy chứng nhận nhà (biển số nhà) đã cấp trên địa bàn là 20.315 trường hợp. Quá trình cấp giấy chứng nhận và gắn biển số nhà cho người dân thành phố hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các tuyến đường hẻm và khu dân cư mới hình thành. Nguyên nhân là do số lượng nhà chia tách, thay đổi rất lớn, cùng với đó là các khu dân cư tự phát, không theo quy hoạch hình thành ngày càng nhiều.

Đến thời điểm này, UBND TP Đà Lạt mới hoàn thành việc điều chỉnh, cấp lại biển số nhà cho phù hợp, theo đúng thứ tự tại các phường 1, 2 và một phần của phường 3. Tới tháng 8-2018, TP Đà Lạt vẫn cón 23 tuyến đường chưa được đặt tên. Điều này đồng nghĩa với việc nhà cửa của người dân trên các tuyến “đường không tên” chưa có số nhà, trong đó có tuyến đường quanh Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng, ngay giữa trung tâm TP Đà Lạt.

Khắc Lịch

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文