Lạm dụng rượu, bia đang ở mức báo động
Tại buổi tọa đàm, BS Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada Việt Nam cho biết: Tiêu thụ cồn bình quân đầu người tại Việt Nam đang có xu hướng tăng từ 3,8 lít/người năm 2005 lên 6,6 lít/người năm 2010; tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013, trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 4 ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; tiêu thụ rượu tăng hơn 7,5% chỉ trong một năm, từ 63 triệu lít năm 2012 lên gần 68 triệu lít năm 2013. Đáng nói hơn, tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng về tỷ lệ cũng như mức độ lạm dụng rượu, bia ở thanh, thiếu niên.
Việc lạm dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa và gây ra nhiều hệ lụy. |
Cụ thể, 79,9% nam và 36,5% nữ từ 14-25 tuổi có sử dụng rượu, bia (2008) tăng 10% đối với nam và 8% đối với nữ so với năm 2003. Trong đó, có 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong nhóm từ 14-17 tuổi tăng từ 34,9% lên 47% và nhóm 18 đến 21 tuổi tăng từ 55,9% lên 67%; 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau khi uống rượu, bia và bị các chấn thương phải nghỉ học một tuần trở lên. Việc sản lượng tiêu thụ rượu, bia tăng hàng năm và độ tuổi tiêu thụ đang ngày càng trẻ hóa đang gây ra nhiều tổn thất lớn cho cả cá nhân và xã hội khi rượu, bia là yếu tố nguy cơ thứ 4 trong 8 yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam năm 2008.
Bên cạnh đó, kết quả thống kê cho thấy, có 66,8% người lái xe ôtô và 36% người đi xe máy nhập viện vì chấn thương giao thông có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép; gần 1/5 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam là do rượu, bia. Ngoài ra, rượu, bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình; 11% trẻ em bị nhục mạ, mắng chửi vì tình trạng lạm dụng rượu, bia của người lớn và 6,5% bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc, thậm chí bị đánh đập gây đau đớn về thể xác (3,8%).
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc lạm dụng rượu, bia tại Việt Nam cũng đang tăng nhanh và nghiêm trọng. Hệ quả là gây tác hại cho sức khỏe, tai nạn giao thông, đâm chém nhau, vi phạm hình sự ngày càng tăng… Để hạn chế tác hại của rượu, bia, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ. Đó là quy định chặt chẽ việc dùng tiền ngân sách để chi cho chiêu đãi, rượu, bia, nghiêm cấm dùng rượu mạnh, rượu ngoại trong chi ngân sách. Tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt vào bia, rượu, gia tăng giá bán rượu, bia; kiểm soát nghiêm ngặt việc nấu rượu tại các vùng nông thôn. Vận động thanh niên, sinh viên giảm hẳn rượu, bia, giảm thời gian ngồi quán nhậu, tăng hoạt động thể dục thể thao lành mạnh. Cấm quảng cáo rượu, bia trên truyền hình và tăng cường chiếu phim về tác hại của rượu, bia. Các trường học, đoàn thanh niên cũng cần mở các cuộc vận động giảm lạm dụng rượu, bia, vốn đang ngày càng trở nên trẻ hóa ở mức đáng báo động.