Làm gì để chống sạt lở ở các tỉnh đầu nguồn châu thổ Cửu Long?

08:13 12/07/2021
Mặc dù chỉ mới bắt đầu mùa mưa nhưng tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng gia tăng.

Tuy đã có nhiều giải pháp được triển khai ứng phó, xử lý các điểm sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định đời sống người dân nhưng chưa có tính căn cơ, lâu dài…

Sạt lở chưa có hồi kết

Hiện nay, trên toàn tỉnh An Giang có hơn 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn đặc biệt nguy hiểm. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 12 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch... 

Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ sông. Huyện Chợ Mới là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở. 

Trong năm 2020, toàn huyện xảy ra 200 đoạn sạt lở lớn, nhỏ trên tuyến đê bao, đường giao thông, ước tổng thiệt hại khoảng 88,5 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2021, địa bàn huyện xảy ra 13 đoạn sạt lở lớn, nhỏ; tổng chiều dài sạt lở 449m, di dời 14 hộ dân. 

Ngày 21/5, tại khu vực ấp Long Hòa (xã Long Điền B) xảy ra sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 40m, độ sâu từ -0,3m đến -1m, lấn sâu vào mép nhựa hơn 4m. 

Sạt lở không thiệt hại về người nhưng đã làm ảnh hưởng đến một trong những tuyến đường giao thông chính của huyện, gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân. Cũng trong tháng 5, tuyến bờ rạch Ông Chưởng thuộc 2 xã Kiến An và Kiến Thành đã liên tiếp xảy ra 4 đoạn sạt lở. 

Tháng 6/2021, UBND tỉnh An Giang đã 2 lần ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở nghiêm trọng bờ rạch Ông Chưởng, trên tuyến Tỉnh lộ 946. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, đoạn sụp lún nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở cấp độ nguy hiểm, độ sâu đoạn sông theo cảnh báo phổ biến khoảng 8-10m.

Không riêng huyện Chợ Mới, sạt lở còn diễn biến phức tạp tại các địa phương như An Phú, Châu Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên... 

Theo báo cáo của UBND huyện An Phú, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn các xã Nhơn Hội, Khánh Bình, Quốc Thái, Vĩnh Lộc, thị trấn An Phú… xảy ra sạt lở 21 đoạn, với tổng chiều dài gần 450m, tổng diện tích mất đất do sạt lở khoảng 2.364m2. Sạt lở đã gây ảnh hưởng 15 căn nhà, buộc người dân phải di dời khẩn cấp, tổng thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn về thời gian sắp tới, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, Tô Hoàng Môn khẳng định: "Nguy cơ sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao và có chiều hướng phức tạp trong thời gian sắp tới". 

Lí giải về nhận định trên, ông Môn cho biết, năm 2021, dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm 5-15%, có khả năng xuất hiện mưa lớn kéo dài nhưng lượng nước trên sông MeKong về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn thiếu hụt. 

Tại An Giang, năm nay khô hạn đến sớm và kéo dài, mưa lớn tập trung vào giai đoạn cuối năm, mực nước trên sông thấp, nước trong đất bị mất cân bằng nên vào đầu mùa mưa nếu có mưa lớn cục bộ sẽ làm mặt đất thấm nước nhanh, kết cấu đất mềm, yếu, trong khi mực nước sông còn thấp, dẫn đến sạt lở ở những nơi mái bờ dốc thẳng đứng. 

Ngoài ra, dòng chảy bắt đầu mạnh khi nước lũ từ thượng nguồn sông MeKong đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tạo thành hàm ếch rỗng chân ăn sâu vào bờ phía bên dưới, khi đó khối đất sẽ mất mái ta-luy và khả năng xảy ra sạt lở, đổ ụp xuống sông rất cao...

Sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng gia tăng.

Đâu là giải pháp lâu dài ?

Với tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện Chợ Mới, chỉ tính 13 đoạn sạt lở trong 6 tháng đầu năm, ước tính kinh phí khắc phục hơn 21,7 tỷ đồng. Hiện, tỉnh An Giang đang hỗ trợ khắc phục đoạn sạt lở Tỉnh lộ 946 tại xã Long Điền B với kinh phí 3,5 tỷ đồng. Đáng quan tâm, có 39 đoạn cần khắc phục ngay với kinh phí gần 35,3 tỷ đồng.

Ông Ngô Hoàng Hiếu, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết, hiện nay có trên 2.000 hộ dân sinh sống trong khu vực cảnh báo sạt lở cần phải di dời. Riêng, rạch Ông Chưởng có 11 đoạn cảnh báo nguy hiểm với chiều dài hơn 10km, trong đó có trên 350 hộ dân cần phải di dời. 

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết, địa phương cũng đã kiến nghị UBND tỉnh sớm đầu tư 6 cụm dân cư với 1.109 nền để di dời các hộ bị ảnh hưởng sạt lở vào nơi ở an toàn, với tổng kinh phí khoảng 282 tỷ đồng.

Qua kết quả quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã đưa ra khuyến nghị đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, cần chủ động áp dụng các giải pháp ngăn ngừa như giảm tải trọng đường bộ. 

Tháo dỡ nhà hoặc kho bãi có tải trọng lớn ven bờ. Thả rọ đá, bao cát, bó nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy. Đối với những đoạn sạt lở nghiêm trọng cần phải khắc phục khẩn cấp, nhanh chóng làm rào chắn và cắm biển báo nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. 

Đồng thời kiến nghị các ngành, các cấp hỗ trợ khắc phục sạt lở. "Tuy nhiên, việc khắc phục sạt lở hiện nay chỉ mang tính cấp thiết trước mắt nên tốn kinh phí mà không có ý nghĩa lâu dài", ông Tô Hoàng Môn nói.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, việc xử lý sạt lở tại các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao của tỉnh thời gian qua đã được Trung ương hỗ trợ. Lộ trình từ nay đến năm 2025 sẽ cơ bản xử lý xong hiện tượng sạt lở tại các đoạn thuộc những sông lớn trong tỉnh, từ nguồn vốn Trung ương và vốn ODA. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng nhìn nhận khó khăn nhất hiện nay vẫn là việc di dời những hộ dân sinh sống 2 bên bờ của các tuyến sông. 

"An Giang đã có phương án để nhanh chóng di dời các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, với 7 cụm tuyến dân cư. Những hộ nằm trong vùng có ít nguy cơ hơn sẽ có biện pháp bố trí vào các khu dân cư phòng, chống thiên tai tại các địa phương theo thời điểm thích hợp", ông Trần Anh Thư thông tin.

Không chỉ riêng An Giang mà tất cả các tỉnh ở khu vực ĐBSCL, nếu cứ chờ sạt lở xảy ra rồi lại bố trí kinh phí để xử lý thì nguồn lực sẽ không đáp ứng nổi. Do đó, cần tập trung xử lý những khu vực cảnh báo cực kỳ nguy hiểm, đông dân cư, trung tâm thương mại và khu quốc phòng, an ninh. 

Còn những khu vực khác phải kết hợp hài hòa giữa nạo vét khơi thông và chỉnh trị dòng chảy để hạn chế sạt lở. Về lâu dài, nên thay đổi tập quán sống ven sông của người dân. 

Cùng với đó, cần quy hoạch không gian, bố trí dân cư ở nơi xa sông, các công trình quan trọng không nên bố trí ven sông, đó mới chính là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Trần Lĩnh

Hai thập kỉ từ sau đợt mở rộng lớn nhất lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã gặt hái những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiện đang đối mặt không ít thách thức từ bối cảnh địa chính trị thay đổi, cũng như sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Đánh giá tác động môi trường cũng như hồ sơ phê duyệt, quy mô trang trại này chỉ được phép nuôi 150 con lợn nái, nhưng khi kiểm đếm để đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam, trang trại này nuôi đến 668 con. Ngoài ra, trước thời điểm cao tốc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 tháng, dự án này cũng được điều chỉnh tăng thêm về diện tích, quy mô chuồng trại dù số lượng vật nuôi không biến động.

Sau hơn 10 năm để “đắp chiếu” giữa trung tâm thành phố, ngày 2/5, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo kết luận của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố đối với Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng). Đây là công trình thể dục thể thao quy mô lớn với 4 mặt tiền ở quận 3.

Cảnh sát phải dùng biện pháp mạnh để giải tán hàng loạt người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học ở Mỹ ngày 2/5, bao gồm cả việc dỡ bỏ một khu cắm trại tại Đại học California tại Los Angeles, trong bối cảnh hỗn loạn bùng phát và ngày càng gia tăng tại hàng loạt trường đại học trong tuần này.

Mưa dông diện rộng được dự báo diễn ra khắp miền Bắc và tại cá tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa có nơi trên 80mm. Thủ đô Hà Nội trời mát mẻ, nhiệt độ trong ngày từ 23-29 độ C.

Từ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm học tập, làm việc ở Pháp, Malaysia và từ những chuyến chu du tiếp cận các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, anh Đặng Dương Minh Hoàng đã mang kiến thức đó trở về mảnh đất mình sinh ra ở tỉnh Bình Phước bắt tay vào làm nông nghiệp thông minh (hay còn gọi là nông nghiệp số) và đã gặt hái nhiều thành quả.

Trong những ngày qua, bên cạnh việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong những tình huống khẩn trương, nguy cấp, hành động tặng khăn lạnh và nước mát cho người tham gia giao thông trên các tuyến đường càng nhân lên những hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CSGT.

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文